Nghĩa tình Thầy trò Cần Đước

0
701

TRƯƠNG THỊ XUÂN SƠN

Từ lúc còn là học sinh Trung học, tình yêu thương với các thầy cô giáo đã định hướng cho tôi chọn nghề sư phạm, sự gắn bó tình cảm với các em học sinh từ trường Nam Trung học Tây Ninh, rồi đến trường Trung học Cam Ranh, trường cấp 3 Hố Nai, cuối cùng là về lại quê nhà (cấp 3 Cần Đước). Bao nhiêu nơi tôi đi qua đều để lại những tình cảm thắm thiết với các em, tôi nghĩ Cần Đước quê tôi là điểm cuối cùng tôi dừng chân. Không ngờ vì hoàn cảnh mà năm 1991 tôi phải rời Cần Đước, rời ngôi trường cấp 3 mà hơn 10 năm trời tôi đã gắn bó yêu thương, tôi phải dứt áo ra đi lần nữa.


Nhưng đúng là cái nghiệp, tôi không thể nào dứt khỏi ngành sư phạm, về Saigon tôi tiếp tục dạy học, chỉ khác là không dạy môn trước đây mà tôi từng dạy khi ra trường. Từ khi rời trường Cần  Đước vì hoàn cảnh, vì sinh kế tôi không có cơ hội về trường cũng như liên lạc với các em học sinh cũ mà tôi rất thương yêu. Bỗng một hôm đang dạy học tại nhà thì chuông điện thoại reng lên, tôi bắt máy, một giọng nữ vang lên:”cô còn nhớ em không?”.

Tôi ngập ngừng thì em tiếp: “em là Lộc, lớp cô chủ nhiệm đây cô” rồi em tiếp một hơi dài: “lúc đó nếu không có cô em đã nghỉ học về làm ruộng, chân lấm tay bùn chứ đâu được như ngày nay. Nghĩ lại nhà em sao mà nghèo dữ vậy,nên gia đình định cho em nghỉ học về làm ruộng, cô đã họp lớp lại nói hoàn cảnh của em, các bạn đã đóng góp để mua sách vở giấy bút cho em, em mới tiếp tục đi học được”. Tôi nhớ ngay cô học trò nhỏ ngày xưa, tôi tả lại hình dạng em và em đã xác nhận: “sau cả 15 năm trời không gặp, chỉ nghe tiếng mà cô còn nhớ em sao”.

Thế rồi sau đó em đã liên lạc bảo ban các bạn thế nào mà từng nhóm, từng nhóm các em đến thăm tôi và cùng hẹn nhau họp mặt mỗi năm, năm này thì nhà Phương, năm kia thì nhà Chênh, nhà Cước, rồi đến nhà Kim Sơn, khi họp nhau ăn uống các em kể lại hoàn cảnh, cuộc đời của mình, bao nhiêu kỷ niệm của tình thầy trò, như đi qua đò Xã Bảy ăn giỗ nhà em Lo, đi trồng nấm rơm ở nhà Công, bò dài trên bộ ván nhà cô làm báo tường, hết đứa này đến đứa kia tranh nhau kể.

Không những chỉ với lớp chủ nhiệm của mình, khi các học sinh lớp khác hay được cũng đã mời tôi về họp cùng lớp các em, có em thành đạt, có em còn hoàn cảnh khó khăn, nhưng mọi mặc cảm đều bị xoá bỏ mà chỉ có tiếng cười, tiếng hát, tiếng nói vang rân, rồi các em cũng bàn nhau đóng góp để giúp đỡ các bạn khó khăn.

Nhớ những năm 1978 đến 1984, tỉ lệ học sinh bỏ học rất cao vì nhiều em ra trường không có việc làm, mới thấy đi học đó tuần sau đã vắng mặt rồi. Tôi mời phụ huynh và các em đến để đả thông tư tưởng cho thấy sự cần thiết của việc học và sự khó khăn hiện thời của đất nước chỉ là tạm thời, chỉ có cái học sẽ làm thay đổ cuộc đời mình sau này, và nhiều em đã trở lại trường lớp để sau này có chỗ đứng với đời.


Bây giờ tôi đã cách xa các em nửa vòng trái đất mà dư âm những lời tâm sự, những tiếng cười tiếng hát xưa vẫn còn vang vọng, thầy trò vẫn liên lạc qua facebook , thăm hỏi nhau, chúc mừng sinh nhật nhau, có em khi thấy tôi trên face đã gởi lời kết bạn mà thật tôi không nhớ hết vì xa cách đã lâu. Nếu ngày xưa nói Khổng Tử “có dư tam thiên môn đệ” thì thầy cô giáo ngày nay cỏn hơn con số đó nhiều, nhưng khi các em nhắc đến kỷ niệm đặc biệt nào đó thì tôi nhớ ngay. Còn nhớ có lần bị bệnh, gia đình đưa đi bệnh viện Nguyễn Trãi , khi y tá đang đẩy xe cho tôi đi xét nghiệm thì một bác sĩ chạy đến nắm càn xe hỏi “cô ơi cô bệnh sao vậy cô?” Tôi nhìn bác sĩ ngờ ngợ, em cười và nói: ”cô không nhớ em sao? ” Làm sao mà nhớ được khi xưa em ốm nhom đen đúa mà giờ là một thanh niên to cao đẹp trai và từ đó thầy trò tôi liên lạc nhau thường xuyên, em dặn dò tôi thuốc thang và nói có gì cứ điện thoại hỏi em. Cũng có em ở các bệnh viện khác như Hoà Hảo hay Vạn Hạnh. Có lần tôi đi khám bệnh em ấy thấy tên tôi tự làm hết thủ tục rồi xuất hiện mời tôi gặp bác sĩ mà không phải tốn chi phí nào, tôi không chịu thì em bảo bệnh viện cho em được làm như vậy với người thân, tôi đành phải nghe theo.

Hai, ba năm rồi tôi không về được để họp lớp cùng các em , tôi vẫn nhận được clip các em gởi qua với những giọng cười tiếng nói thân thương.


2018, các em họp lớp tại Saigon, cô không dự được nên gởi ảnh qua.

Các em vẫn thường điện thoại thăm hỏi, báo tin về người nầy người nọ, mới đây có một chị bạn lâm vào hoàn cảnh khó khăn (chị ấy là người dạy chung những ngày đầu tôi mới về Cần Đước) một em ở Cali gọi cho ha , tôi cố nhớ xem ngày xưa chị dạy các em nào, khi biết chính xác tôi điện thoại về báo với một em đại diện, chỉ trong tuần lễ sau em qui tụ bạn bè đóng góp mang đến tận nhà chị ấy giúp đỡ, chị quá bất ngờ không cầm được nước mắt.

Các em học sinh cũ đã giúp cho chị ấy vượt qua nỗi khốn cùng.

Người đời thường nói nghề giáo bạc bẽo, tôi không nghĩ thế, trong khi các nghề khác chạy theo lợi nhuận, thầy cô giáo sống âm thầm không bon chen, đua đòi sống đời thanh bạch nhưng đầy tình cảm yêu thương, nhìn hàng hàng, lớp lớp các em trưởng thành về lại mái trường cũ thăm lại thầy cô cùng nhau nhắc nhở kỷ niệm xưa không phải là thú vị lắm sao!

Và:

Có một nghề bụi phấn bám đầy tay,

Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất

Có một nghề không trồng cây vào đất

Mà đem lại cho đời nhiều trái ngọt, hoa tươi.

Trương Thị Xuân Sơn

Bài trướcKý ức
Bài tiếp theoChiếc áo mới!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây