Chuyện nước ở Cần Đước (1)

0
687

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Nước là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Cần Đước ở vùng nước lợ nên nhu cầu nước sinh hoạt rất khó khăn. Do địa hình ở gần cửa sông ra biển và sông rạch chằng chịt nên thủy triều ngày hai con nước lớn ròng chảy vào tận mọi xóm ấp. Nước sinh hoạt chủ yếu dựa vào nước sông. Mùa mưa thì nước sông ngọt. Mùa khô thì nước biển xâm nhập sâu nên nước sông bị nhiễm mặn nên lúc nầy nước sinh hoạt rất khó khăn.

Đổi nước

Để giải quyết nhu cầu nước nhà nào cũng có sắm một số mái (lu) để chứa nước mưa dùng để nấu ăn và uống trong cả năm. Những nhà khá giả thì sắm nhiều mái vú, loại mái nầy to chứa được nhiều nước, lớn nhất thì có mái sáu vú đựng được đến 06 đôi nước. Loại mái nầy được mua chở về từ những lò gốm ở tận miệt Lái Thiêu (Bình Dương). Còn nước tắm giặt thì xài nước sông trong mùa mưa vì lúc đó nước sông đã ngọt. Nước sông được gánh lên chứa trong mái, dùng phèn lóng cặn cho trong để xài.

Đến mùa khô khi nước biển xâm nhập sâu nên nước sông đã trở mặn thì phải đi gánh nước ao về xài. Việc biết đào ao để trữ nước mưa phục vụ cho sinh hoạt dân cư ở vùng đất khắc nghiệt phèn chua nước mặn nầy là một sáng kiến cực kỳ quan trọng và thông minh của những người tiên phong đi mở đất ở Cần Đước. Không có nước ngọt thì không thể tồn tại được và họ đã nghĩ ra chuyện đào ao. Thường mỗi xóm có một cái ao.

Ao thường hình tròn và được đào ở trên vùng đất đồng, tức là vùng đất rẫy đã được đắp bờ bao ngăn không cho nước mặn xâm nhập và giữ được nước ngọt. Có những bờ bao lớn được gọi là Bờ mồi. Ở vùng Hạ đến giờ vẫn còn có mấy cái tên như Bờ mồi Xóm Bến và Bờ mồi Xóm Trễ.

Ở Cần Đước có nhiều thánh thất của đạo Cao Đài mà dân thường gọi là chùa thất. Thường thì thất nào cũng có đất đai khá rộng do điền chủ hiến, như thất Tân Lân do Thầy Cai Dương bên Tân Chánh hiến một mẩu đất. Họ quy hoạch ở ngay chính giữa thì xây ngôi thánh thất và hai bên thất bao giờ cũng có hai cái ao to hình chữ nhật, chứa nước rất nhiều để phục vụ cho sinh hoạt của thất và nhân dân trong xóm cũng được nhờ.

Ở vùng Hạ Cần Đước xóm nào cũng có một cái miễu thờ Bà. Và ngoài cái miễu của xóm, nếu chịu khó quan sát thì sẽ thấy ở cạnh cái ao nào cũng có một cái miễu nhỏ. Miễu nầy dân thờ Bà thủy long và thờ Bà ở ao có ý nghĩa quý trọng nguồn nước và cũng nhờ Bà bảo hộ cho nguồn quý nước nầy. Vì ao thường được đào ở xa khu dân cư nên rất khó cho việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Trẻ con hay người lớn nếu kém ý thức có thể nhảy xuống tắm. Hoặc trâu bò nếu không được trông giữ cẩn thận cũng có thể lội xuống uống nước rồi ỉa đái tùm lum.

 

Và để giải quyết vấn đề khó khăn nầy, những người khôn ngoan của cộng đồng đã biết dựa vào uy lực của thần linh để hù dọa những người kém ý thức không dám xâm hại nguồn nước có tính sống còn của làng xóm nầy. Thế là ngay sau khi đào ao xong, bổng một hôm người ta phao tin truyền tai nhau là hồi hôm có người thấy có một vầng sáng xẹt xuống ngay ao. Và cho đó là Bà giáng. Như vậy là Bà đã hiển linh hiện về ngự trị ở ao. Nên dân trong xóm nên góp tiền xây một cái miễu để thờ Bà.

Vậy là xuất hiện cái miễu cạnh ao và từ nay ai mà dám cả gan phá nước ở ao thì sẽ bị “Bà vật” chết. Và cũng từ đó trong ngôn ngữ dân gian có thêm từ “Bà vật”. Từ nầy thường được sử dụng để thề hay rủa xả. Và cũng có thêm từ “Bà nhập”để chỉ những người đôi lúc tính tình bất thường.

Từ khi ngôi miễu được lập nên thì nước ao được giữ trong lành mà không cần ai phải canh gác vì đã có Bà làm thay rồi. Cái miễu nhỏ nầy cũng có người chăm sóc và hàng năm đến lệ đều được cúng bái đàng hoàng.


Mùa khô ngoài xài nước ở gánh ở ao về, thỉnh thoảng cũng có ghe đổi nước vào xóm. Nghe tiếng tù và thổi là biết có ghe đổi nước vào. Có ghe nước phông-tênh dùng để uống và ghe nước dai dùng để tắm giặt. Nước phông-tênh thì được mua từ Sài Gòn, còn nước dai được lấy thoải mái từ nước sông ở miệt Mỹ Tho. Cái cảnh gánh nước mỗi khi ghe vào xóm cũng rất nhộn nhịp và vui !.

Có người nói dân mình dùng từ “đổi nước” để tránh từ “bán nước” nghe không hay. Nhưng thật ra ngày xưa người ta đổi nước thật. Trong sách Gia Định Thành Thông Chí ông Trịnh Hoài Đức có ghi chuyện đổi nước lấy lúa gạo vào mùa khô của dân cư vùng nầy. Theo tôi, vì thời ấy đa số là nông dân nghèo, không có sẵn tiền mặt nên người ta phải lấy lúa gạo sẵn có để đổi nước. Và vì đã quen gọi nên từ “đổi nước” được dùng luôn dù sau nầy đã được trả bằng tiền mặt.

Miễu áo tre, xóm Cò Chim, ấp 7, xã Phước Tuy

Ngày xưa do không có dụng cụ nên người ta phải dùng hai cái tĩn đựng nước mắm làm bằng gốm để gánh nước. Nó vừa nặng mà không chứa được bao nhiêu nước. Sau đó có cái thùng chứa dầu hôi (dầu lửa) bằng thiếc thì người ta chuyển sang gánh nước bằng thùng nầy, nó nhẹ và chứa được nhiều nước hơn. Sau nầy nữa thì có loại thùng gò bằng tôn thì chắc chắn hơn nhiều.

Mãi đến những năm 80 mà các dì các chị ở quê tôi vẫn còn phải gánh nước “còng lưng”! Và từ khi có sáng kiến dùng xe đạp đi chở nước thì trai tráng mới phụ giúp bớt công việc nặng nhọc và vất vả lâu đời nầy của những người phụ nữ ở quê tôi. Khi nghe tôi kể về tình cảnh «gánh nước còng lưng» của người phụ nữ Cần Đước ngày xưa, nhạc sỹ Trịnh Hùng ở Hội văn nghệ Long An đã sáng tác bài hát « Về Cần Đước » nhân một chuyến đi thực tế, có mấy câu:

 Ngày xưa..ngày xưa..còng lưng em gánh nước

Đời khổ nghèo buồn lắm anh ơi !

Ngày nay, quê hương ta với bao công trình ngăn mặn

Đưa nước ngọt về đồng cho lúa oằn bông !

Nghe kể một câu chuyện đời xưa về nước ở Cần Đước:

– Sau năm 1975 có một anh về Cần Đước công tác một thời gian rồi chuyển đi nơi khác. Sau nầy có người quen ở Cần Đước gặp lại anh và rủ về Cần Đước chơi. Anh nói nhớ Cần Đước lắm vì rất ân tình nhưng ngại về đó lắm. Khi hỏi lý do thì anh nói là: “về Cần Đước không có nước tắm!”. Nghe thì hơi buồn nhưng đó là thực tế cuộc sống ở Cần Đước rất khó khăn về nước.

 ThS Nguyễn Văn Đông

Bài trướcNhững nơi không thể bỏ qua khi đến Cần Đước: Mỹ Lệ
Bài tiếp theoChuyện nước ở Cần Đước (2)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây