Chùa Thiên Mụ – Truyền thuyết và báu vật

0
618

THANH NGUYỆT

Lối nhỏ quanh co giữa bạt ngàn màu xanh mơn mởn, ngập tràn hương sữa của những ruộng lúa đương ngậm đòng đưa tôi đến chùa Thiên Mụ (Tân Trạch – Cần Đước), ngôi cổ tự 300 năm tuổi nằm trong lưu vực sông Vàm Cỏ, đơn sơ mà ấm áp, tôn nghiêm, hòa quyện chuông mõ công phu hai buổi sáng chiều. Sự hiện diện của chùa từ năm 1726 đã minh chứng về lãnh thổ cũng như thiết chế làng xã tại vùng này được định hình từ khá sớm. Được trùng tu nhiều lần, nên diện mạo chùa đã khác xưa nhưng vẫn bảo tồn được những di vật lịch sử cùng truyền thuyết dân gian, ghi lại các nét cơ bản về công cuộc khẩn hoang trên miền đất mới.


Bước vào khuôn viên chùa, bên trái là tượng Quán Thế Âm được tín đồ phụng cúng, đức tướng ôn hòa nhẫn nhục, vận bạch y, tay cầm bình tịnh thủy, ngự cao ngất giữa hai hàng tượng thập bát La Hán, bên phải cũng là tượng Quán Thế Âm nhưng nhỏ hơn cùng tám hóa thân từ bi thể hiện tám danh hiệu của Ngài. Không nằm ngoài tư tưởng hội nhập trong quá trình mở cõi, những con người đầu tiên đặt chân lên vùng đất này đã kết hợp hài hòa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian và các đạo giáo khác. Ngoài các tượng Phật Bắc tông, trong sân chùa còn có tượng Thần Tứ Diện, mang hình tướng của Brahma với bốn đại đức quý báu Từ – Bi – Hỷ – Xả và miếu Ngũ Hành Nương Nương thể hiện lòng thành kính, tôn thờ các mối giao hòa vũ trụ theo triết lý phương đông.

Sâu vào trong là chánh điện rộng rãi với đường nét giản dị, thuần việt, không hào nhoáng sơn son thếp vàng, nhưng là nơi lưu lại nhiều báu vật từ thế kỷ XVIII do chính đức Thế Tổ ban cho. Những di vật quý hiện hữu trong chùa đã nhắc nhở về một giai đoạn lịch sử đầy biến động gắn liền với cuộc nội chiến triền miên hơn hai thập kỷ, nhuốm màu huyền thoại ly kỳ.

Trống sấm

Chuyện kể rằng từ sau khi chiếm được thành Gia Định, lực lượng Tây Sơn ngày càng mạnh mẽ, Nguyễn Ánh bị truy lùng ráo riết, phải nhiều phen loạn lạc. Một ngày kia, trên đường tháo chạy, tướng mất quân tan, người ngựa mệt mỏi, ông ghé vào một thảo am bên bờ Bến Bạ, được sư trụ trì là hòa thượng Thủ Minh ân cần cho tá túc, lại được ông Mai Văn Hiến kêu gọi dân địa phương gom góp tiền bạc, lúa gạo, thậm chí xung quân theo hầu chúa Nguyễn. Đêm nọ, ông nằm mộng thấy một bà lão tóc bạc phơ lay ông dậy và chỉ tay về hướng Tây. Giật mình tỉnh giấc, ông liền cho quân lính tức tốc vượt Vàm Cỏ Đông về miền Tây lánh nạn. Ba ngày sau, quân Tây Sơn đến vây chùa nhưng Nguyễn Ánh đã trốn thoát. Sau khi tái chiếm thành Gia Định, ổn định lực lượng, Nguyễn Ánh bắt đầu tìm về những nơi từng cưu mang mình để trả ơn. Năm 1790, ông sắc tứ cho chùa tên Thiên Mụ (như lưu niệm về giấc mộng năm xưa), tự mình khâm ban bài vị thờ hai ân nhân đã vì chúa mà bị quân Tây Sơn xử chết là sư trụ trì và người xã trưởng, kèm theo đó nhiều hiện vật quý khác.Trong số những kỷ vật do chúa ban cho, đến nay chiếc mõ vẫn còn khá nguyên vẹn, trưng bày trong tủ kiếng ở hậu liêu. Chiếc trống sấm, do hư hỏng nên phải cắt ngắn phần thân và bịt lại mặt trống nhiều lần, được thờ ngay gian bên trái của chánh điện. Rất tiếc là hai tượng Phật bằng đồng bị mất sau nhiều biến cố, bộ ván được cho là nơi chúa Nguyễn Ánh nghỉ ngơi lúc ẩn náu tại chùa cũng không còn nữa. Cặp liễn đối bằng gỗ quý treo hai bên cổng phụ, được viết theo lối khoán thủ, hai chữ đầu ghép thành tên chùa, mang ý nghĩa khẳng định một cõi trời Nam đã có chủ quyền, ơn trên luôn độ trì cho dân tình no đủ, đã hư mục từ lâu, được các phật tử phục dựng lại vào năm 1950:

 “Thiên Việt Cao Hoàng Tân Khải Trình Tường Thế Giới

Mụ Nam Hoằng Tứ Trạch Nhuận Kiết Khánh Nhân Gian”

Thanh Nguyệt- tác giả tại chùa Thiên Mụ

Vãn cảnh chùa trong không gian tĩnh lặng của miền quê yên ả, ngả chiều bóng Phật nghiêng dài chừng trùm phủ lên cả thế gian này chiếc bóng của từ bi, đạo hạnh. Tiếng chuông đồng ngân lên từng hồi vang vọng nhắc nhở con người tinh tấn, thấu hiểu vô thường, tiếng mõ đều đều thanh thoát khiến tâm hồn chúng sinh trở nên khoáng đạt, khoan dung…

Chiếc mõ 

Trải qua thời gian cùng nhiều biến động, chùa Thiên Mụ vẫn được biết đến như một nơi sinh hoạt tín ngưỡng, thỏa mãn đời sống tâm linh của cộng đồng với phương châm “tốt đời đẹp đạo”. Hiện nay, nhờ vào nguồn công đức của các Phật tử trong, ngoài nước, chùa đang tôn tạo thêm nhiều cảnh trí đẹp, nhằm thu hút khách viếng thăm, vừa đáp ứng được nhu cầu tâm linh, xiển dương Phật pháp, vừa tạo điều kiện bảo tồn di sản quốc gia. Hy vọng một ngày không xa, ngôi chùa cổ tích này trở thành điểm đến không thể thiếu trong các chương trình du lịch của các công ty dịch vụ lữ hành, những hiện vật cũng như các truyền thuyết liên quan đến chùa được nhiều người biết đến để cùng tự hào về một thuở khai cơ.

Thanh Nguyệt – 14/11/2022
Đồng hành cùng Topgo Tourist – Loạt bài “Tìm về di sản trăm năm”

(Bài viết có tham khảo tư liệu từ Báo Long An)

Bài trướcGóc thơ – Quà Sinh Nhật mẹ!
Bài tiếp theoTrang phục người H’ mông

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây