TRẦN THẾ DŨNG
Bộ trang phục của người phụ nữ H’mông trắng trên Cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang là sự kết hợp của nhiều yếu tố từ chiếc váy sọc có nhiều nếp gấp cho tới áo xẻ ngực, áo cánh phía trong, yếm lửng, thắt lưng màu sắc hài hòa tạo cho eo thon, gọn gàng, đặc biệt khăn quấn đầu bằng nhiều lớp vải giúp người mặc thêm duyên dáng.
Ngườ H’mông sinh sống rộng khắp bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc trên cao nguyên tứ bề toàn đá tai mèo luôn đối mặt với đầy rẫy khó khăn như người ta thường nói “sống trên đá, chết vùi trong đá”, song để sinh tồn và thích ứng với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, người dân nơi đây bất luận vợ chồng, con cái qua nhiều thế hệ đã phải cõng từng gùi đất từ vùng thấp để đổ vào các hốc đá tai mèo đồng thời xếp đá chồng lên nhau che chắn không để đất trôi khi mưa xuống nhằm tạo thành nương rẩy để gieo hạt…Chưa hết họ đã sáng tạo ra những nông cụ với hình dáng, chất liệu chắc khỏe và chịu lực tốt khi va đập vào đá khi cày, bừa trồng lúa trên nương đá.
Không chỉ có thế người dân bản địa với óc sáng tạo đã biến đất đồi núi thành chất liệu xây nên ngôi nhà đất trình tường hoàn toàn bằng thủ công từ khâu chọn loại đất có độ kết dính cao, sàng lọc loại bỏ sạch rễ cây, đá vụn, cỏ rác cho tới việc thiết kế khuôn gỗ, rồi đỗ đất và dùng vồ nện chặt từng lớp cứ thế lớp sau chồng lên lớp trước dần dần thành bức tường vững chãi mà không cần phải xây cọc hoặc cột để làm trụ.
Nói tới nhà đất trình tường mà không nói tới hàng rào đá là một thiếu xót lớn vì nó được xây dựng nhằm mục đích bảo vệ sự bình yên của gia đình thậm chí bao bọc nhà cửa của cả một dòng họ, làng xóm quây quần bên trong. Điều tài tình là hàng rào đá được tạo thành từ những viên đá xù xì, kích cở, hình thù khác nhau nhưng đặt cạnh nhau thật vừa vặn tưởng chừng như những viên đá tự bám khít chặt với nhau chắc chắn mà không cần sử dụng bất kỳ chất kết dính nào.
Trần Thế Dũng