TRẦN THẾ DŨNG
Từ hàng trăm năm trước trên các triền núi cao vùng Ma Thị Hồ – Mường Chà – Điên Biên, những người H’mông đã tìm tới đây lập thôn bản và hiện nay có khoảng 80 hộ gia đình. Mặc dù không có gì vĩnh cửu ngoại trừ sự biến đổi nhưng ý thức của tộc người H’mông nơi đây dường như không chút thay đổi. Tiêu biểu là bộ nữ phục truyền thống. Vẫn áo vải lanh màu đen xẻ ngực, cổ hình chữ V được nẹp vải thêu hoa văn rực rỡ, phía sau lưng luôn kết tấm vải thêu hình chủ nhật là dấu hiệu để phân biệt giữa các nhánh trong cộng đồng người H’mông.
Nổi bật và trang trí đẹp nhất là chiếc váy, phần eo hông luôn bó sát, phần thân có nhiều nếp gấp, rộng, khi xòe ra như bông hoa. Trên nền vảy thường thêu hoa văn cầu kỳ với nhiều gam màu nóng đỏ, hồng, vàng hoặc ghép vải. Ngoài váy họ còn trang trí thêm tấm vải sọc phía trước bụng như tạp dề vừa góp phần tôn lên vẻ kín đáo của bộ trang phục vừa để bảo vệ chiếc váy không bị vấy bẫn khi lao động bởi một người con gái khéo tay một năm cũng chỉ hoàn thành tối đa được 2 bộ chiếc.
Khác với truyền thống các dân tộc thường dùng khăn quấn đầu hoặc búi tóc, quấn tóc chung quanh đầu… cách để tóc và búi tóc của người H’mông Hoa, H’mông Đỏ nơi đây lại rất dày công nếu không muốn nói có một không hai. Nó không chỉ đơn thuần là búi tóc càng to thì càng đẹp, càng duyên dáng mà ẩn chứa trong đó tình mẫu tử sâu xa.
Ngay từ bé các cô gái H’mông đã được mẹ thường xuyên chải tóc và nếu tóc bị rơi rụng đều được mẹ nhẫn nại cất giữ rất cẩn thận. Lâu dần khi tóc rụng đã khá nhiều mẹ lại mang ra trau chuốt, xe thành sợi to gần bằng chiếc đủa và chờ lúc con trưởng thành sẽ trao cho con độn vào mái tóc thật để quấn trên đầu được nhiều vòng và dầy hơn. Nếu không có tóc thật độn vào họ có thể đệm vào bằng tóc nhựa, sợi len… cốt để giữ gìn những chuẩn mực đạo đức và bản sắc lâu đời của dân tộc.
Trần Thế Dũng