NHÂM HÙNG
Đó là các các câu chuyện ghi đậm dấu mốc lịch sử “đầu tiên”, về kinh tế và đời sống ở một địa bàn, mang tính chất “ Châu Thành” (ấp Châu Thành, xã Phước Đông); gần như là phân nửa quận lỵ Cần Đước, vào giai đoạn hòa bình, sau 9 năm kháng Pháp !
Ngã ba bến xe – tâm điểm, hạt nhân phát triển; gắn kết máu thịt bên phía chợ quận, với các tuyến phố xá, dân cư theo trục lộ đến cầu sắt, xóm Lộ Cũ, xóm Đáy, xóm Cầu Chùa, Xóm Ao Bà Sáu… Xa hơn, phía trên Tân Lân, Tân Trạch, Chợ Đào, Chợ Kiến hay ngược xuống miệt dưới Cầu Nổi, Kinh Nước Mặn.v.v. Từ khi có đường Liên tỉnh số 5 đi qua; khu vực Ngã Ba bến xe trở thành cửa ngõ xung yếu, chiến lược về kinh tế và quân sự, nổi bật vai trò quan trọng của một phần quận lỵ, về phía Đông.
Bà Chín Túc, người làm Lạp xưởng đầu tiên ở Cần Đước.
Bến xe Cần Đước lập từ khi nào ? Chưa thấy tài liệu ghi nhận. Chỉ biết, vào thời Pháp thuộc khu vực này có bến xe ngựa chở khách đi đường ngắn. Về sau, có thêm loại xe ba bánh nhỏ, đạp chân vừa chở khách, vừa chở hàng. Tuyến xe đò Chợ Lớn – Gò Công hình thành, hay dừng lại Ngã ba lên, xuống khách. Dần dần, bến xe Cần Đước ra đời, một số nghiệp chủ sắm xe đò, chạy đường Cần Đước – Chợ Lớn. Thời điểm sung túc, khoảng năm 1961, 1962 có từ 10 – 15 xe đò đậu bến, thay phiên chạy đến xế chiều, cứ mỗi giờ một chuyến. Mỗi xe độ 20 -24 ghế ngồi, chưa kể “đứng và đeo”, tất cả đều mang bảng hiệu Đồng Hiệp.Thấy nghề kinh doanh xe kiếm tiền được, lại đáp ứng yêu cầu đi nhanh, một số người sắm loại “xe lô”, chở 8 -10 người, cứ 30 phút ra bến. Thầy, cô từ Sài Gòn về dạy Trung học Cần Đước, đều đi xe lô, vì chạy đúng giờ, không đợi lâu. Các nhà xe Ba Ngời, Tư Thiện, Hai Phán Sáu Phồng…có tiếng bấy giờ. Khoảng năm 1966, 1967, loại xe “lam”(Lambretta) cơ giới ba bánh, xuất hiện khiến hoạt động đi, lại càng nhộn nhịp. Nhờ mạch giao thông, giao thương và giao lưu thường xuyên với Chợ Lớn- Sài Gòn, nên các thông tin kinh tế, xã hội ở đây luôn tiếp nhận nhanh, sớm hơn phía bên chợ.
Tiệm tạp hoá Văn Tân Thành, ra đời trước năm 1952
Ngã Ba bến xe sung túc, theo đó nở rộ nhiều dịch vụ, đặc biệt là sự ra đời của cây xăng hiện đại đầu tiên, trên đất Cần Đước. Cây xăng do công ty Shell ( Con sò), hợp đồng với ông Sanh Lợi, ngụ ở Ngã Ba làm đại lý. Trên diện tích gần nửa mẫu đất, công ty thiết kế xây một hầm chứa hàng ngàn lít xăng, lắp 2 cây trụ bơm xăng bên trên, phía sau có nhà quản lý kiên cố, khang trang. Ban đêm máy đèn chạy rầm rộ, đèn điện tỏa sáng cả khu vực Ngã Ba. Lần đầu tiên, người dân quanh vùng thấy cách bơm xăng bằng máy, thấy đèn “nê ông” thắp sáng, thu hút trẻ nhỏ đến bắt dế, chơi đùa.
Đáp ứng nhu cầu các nhà xe, cùng khách bộ hành; tiệm quán mở ra, cạnh tranh mạnh mẽ với nhiều sản phẩm, dịch vụ. Đặc biệt, món lạp xưởng Cần Đước, vang tiếng đó, đây!
Địa điểm Cây xăng đầu tiên ở Ngã Ba bến xe
Sau khi nghỉ bán tiệm nước, gia đình bà Chín Túc ( Ông Chín người Huê kiều), chuyên làm lạp xưởng. Bởi mặt hàng này được ưa chuộng trên thị trường. Người Sài Gòn đi Gò Công du lịch, thường ghé Ngã Ba mua về làm quà. “Lò” lạp xưởng của bà Chín, ngoài người nhà, còn phải mướn thêm mấy phụ việc. Bởi làm toàn thủ công, từ khâu cạo ruột, xắt thịt, mở, dồn thịt rồi đến phần treo phơi nắng, từng chùm trên nhiều cây sào, đỏ tươi cả sân. Đứng xa mấy chục thước, còn nghe mùi thơm phức. Nhờ có “ bí quyết” gia truyền, ra nghề từ đầu thập niên 50, thế kỷ XX; nên có thể khẳng định: gia đình Ông, Bà Chín Túc làm lạp xưởng bán ra thị trường đầu tiên ở Cần Đước. Nay, đã tới đời thứ ba.
Thấy Ngã Ba bến xe sung túc, năm 1959, gia đình tôi từ Ao Xoài ra đây lập nghiệp, sang nhà ông Ba Mạnh mở tiệm hủ tiếu, cà phê trương bảng hiệu “Đồng Hưng”. Rút kinh ngiệm thành công của bà Chín Túc, lại biết nghề, có “bí quyết” riêng, nên cha mẹ tôi mạnh dạn làm lạp xưởng bán. Dân địa phương bây giờ chưa quen ăn món này, vả lại giá khá cao, khó bán, cần phải tìm nhiều cách quảng cáo đến người tiêu dùng. Lúc này, bên chợ không có tiệm cơm, nên công chức, học sinh chờ xe lên Cần Giuộc học đệ nhị cấp, thường ghé tiệm Đồng Hưng ăn trưa, cơm tháng. Lính tráng tập trung ở Ngã ba đông hơn, hay kéo vô tiệm tôi uống la ve ( bia). Thấy vậy, cha mẹ tôi “thử nghiệm”, giới thiệu ngay các quý khách món lạp xưởng: ăn với cơm dĩa, hay nướng rượu trắng làm đồ nhậu. Nhờ hương vị lạ, ngon miệng, khách quen dần cứ đòi lạp xưởng, nên tiệm ngày thêm đắt khách. Tôi được cha mẹ phân công, đảm nhiệm việc phơi phong, cân gói bán ký lô cho khách mang đi. Mặt hàng lạp xưởng Cần Đước thêm nổi tiếng, có bán mối, bán lẽ và ăn tại chỗ. Ngày thường bán vài ba ký lô, dịp tết tiêu thụ vài chục ký, mỗi ngày. Lạp xưởng bà Chín Túc và lạp xưởng Đồng Hưng, từ đó càng khẳng định thương hiệu!
Địa điểm Ngã Ba bến xe Cần đước ngày xưa.
Song song với các tiệm, quán nước; nhiều tiệm tạp hóa khu vực Ngã Ba cũng mở sớm, bán sĩ và lẽ. Có lẽ, ông Văn Tân Thành ( cha anh Năm Tích) mở tiệm đầu tiên, trước năm 1952. Kế đến là các tiệm Hiệp Thành, Cẩm Thành… Qua khỏi lầu Bà Sáu, có tiệm bà Tám Tước, tiệm bánh Tạp Hòa. Người mở “đề pô” nước đá đầu tiên là ông Tám Tỵ, rồi tiệm may chú Tư Thùng.v.v. Phía gần cầu sắt, ông Ba Tưởng bỏ vốn lập nhà đèn đầu tiên. Sau đó, dời qua bên chợ. Cuộc sống khá giả, nhiều nhà lên Sài Gòn mua xe máy đạp về làm “chân” đi, lại. Nắm bắt thời cơ, ông Kim Long liền mở tiệm sửa xe.
Sự sung túc ở khu vực Ngã Ba bến xe , đã thúc đẩy hoạt động Giáo dục, Thể thao, Y tế nổi lên với nhiều nét mới, đầu tiên trong giai đoạn này: Ông Trương Văn Tráng mở hai điểm trường tư thục tiểu học và luyện thi, bang Triều Châu mở trường phổ thông Hoa ngữ “kiều Quang học hiệu”; ông Sanh Lợi đầu tư kinh doanh bàn bi da. Khoảng năm 1961, Bác sĩ Trí từ Sài Gòn xuống mở phòng mạch tư ngang lầu Bà Sáu, mổi tuần khám trị bệnh sáng thứ bảy.
Chiếc cầu nối liền Ngã Ba bến xe và chợ Cần Đước.
Có thể nói, khu vực Ngã Ba bến xe ngày ấy, là động lực phát triển một phần quận lỵ Cần Đước, buổi đầu. Hơn 65 năm trôi qua, dù “vật đổi sao dời”, nhưng nhiều giá trị vẫn tươi nguyên; địa bàn này tiếp tục mở rộng, kết nối khu độ thị, khu hành chính mới, góp phần cho thị trấn – huyện lỵ Cần Đước ngày nay thêm trù phú, văn minh !
(Bài viết trên đây, tác giả chủ yếu dựa theo hồi ức, nên có thể chưa đầy đủ, ít nhiều thiếu, sót. Mong các bạn đóng góp, điều chỉnh, bổ sung.
Nhâm Hùng