Chúa Nguyễn Ánh (Vua Gia Long), Ông Mai Văn Hiến và câu chuyện Chùa Thiên Mụ (xã Tân Trạch, Cần Đước)

0
206

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Trước năm 1975 tại huyện lỵ Cần Đước có một con đường mang tên Mai Văn Hiến, nay là đường Trần Hưng Đạo.
Theo tài liệu Lịch sử xã Tân Trạch, tài liệu Phật giáo và tư liệu của chùa cho biết chùa Thiên Mụ (Tân Trạch) hiện diện ở đây từ năm 1726. Đầu năm Đinh Dậu (1777), Tây Sơn tiến vào Nam lần thứ hai truy bắt được và giết hai chúa Nguyễn là Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần ở Long Xuyên (Cà Mau) và Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương ở Ba Vạt (Mõ Cày Bắc, Bến Tre).
Nguyễn Phúc Ánh là con của Nguyễn Phúc Luân, cháu gọi Nguyễn Phúc Thuần bằng chú, lúc đó mới 15 tuổi (sinh năm 1862) chạy thoát. Quân Tây Sơn lúc bấy giờ rất mạnh, nên Nguyễn Ánh bị truy lùng khắp nơi, phải trốn tránh rất vất vả.
Sau khi giết được các chúa Nguyễn thì Nguyễn Huệ rút quân về Quy Nhơn. Lợi dụng tình hình đó và được sự ủng hộ của quân tướng và nhân dân Nguyễn Ánh đã nhanh chóng chiếm lại Gia Định cuối năm 1777 và xưng vương năm 1780.
Tượng Phật tại Chùa Thiên Mụ – Cao nhất Long An

Trong hai năm 1782, 1783 Nguyễn Huệ lại liên tiếp đem quân vào Nam để tiêu diệt Nguyễn Ánh. Lúc nầy thế lực của Nguyễn Ánh vẫn còn yếu không chống nổi quân Tây Sơn nên phải bỏ Gia Định chạy về phía Nam và ra tận Phú Quốc.
Trên đường lui quân về phía Nam nầy một lần Nguyễn Ánh đã hành quân ngang Cần Đước, đến thôn Tân Trạch thì người ngựa đều mỏi mệt, bèn ghé vào ngôi thảo am ở giữa đồng vắng để nghỉ ngơi. Tại đây Nguyễn Ánh đã được sư trụ trì là Hòa Thượng Thủ Minh (Nguyễn Tấn Đức) ân cần tiếp đãi và báo tin cho xã trưởng làng Tân Trạch là ông Mai Văn Hiến biết. Là người có lòng trung với chúa Nguyễn, ông Hiến đã huy động tiền bạc, lúa gạo và tuyển 50 quân cung cấp cho Nguyễn Ánh.

Phổ đà do Chúa Nguyễn Ánh tặng

Một đêm nọ đang ngủ trong am Nguyễn Ánh bỗng nằm mộng thấy một bà lão đầu tóc bạc phơ gọi dậy và chỉ tay về hướng Tây. Nguyễn Ánh giật mình tỉnh giấc, nghe trong dạ không an bèn truyền lệnh cho quân lính gấp rút rời chùa, vượt sông Vàm Cỏ Đông đi về phương Nam lánh nạn. Ba ngày sau, quân Tây Sơn kéo đến vây chùa nhưng không tìm bắt được Nguyễn Ánh nên đã bắt giết xã trưởng Mai Văn Hiến và Hòa Thượng Thủ Minh.
Sau chiến thắng trận Rạch Gầm-Xoài Mút đầu năm 1785 Nguyễn Huệ lại trở về Quy Nhơn và tiến hành các chiến dịch trong năm 1786 chiếm Phú Xuân và Thăng Long. Nhưng sau khi ở Thăng Long trở về thì anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ nảy sinh mâu thuẫn bất hòa trầm trọng dẫn đến mang quân đánh nhau, từ đó Nguyễn Nhạc đã cho rút đại bộ phận quân Tây Sơn ở Gia Định về để bảo vệ Quy Nhơn.


Chiếc mõ đang lưu giữ tại Chùa Thiên Mụ

Lúc nầy Nguyễn Ánh đang lánh nạn bên Xiêm (Thái Lan) nắm được nội tình Tây Sơn và thấy thời cơ đã đến nên đã quyết định trở về chiếm lại Gia Định năm 1787. Thế lực của Nguyễn Ánh lúc nầy đã khác thời kỳ 1782, 1783: quân đội, vũ khí, tàu chiến hùng mạnh và hiện đại theo kỹ thuật phương Tây và một quyết định quan trọng đã được đưa ra là xây thành Gia Định để làm kinh đô, tính kế lâu dài khôi phục vương triềuNguyễn. Và từ đây quân Tây Sơn cũng không còn có dịp vào Nam nữa cho đến khi bị diêt vong năm 1802.
Trong bối cảnh thế lực đã được cũng cố, dù phải lo toan đại sự nhưng Nguyễn Ánh cũng đã nhớ đến những nơi đã cưu mang mình thời nguy khó. Chúa đã cho người tìm về thôn Tân Trạch tìm lại ân nhân thì mới biết ông xã trưởng Mai Văn Hiến và hòa thượng Thủ Minh đã bị quân Tây Sơn giết vì tội che chở cho Nguyễn Ánh.
Bồi hồi nhớ lại giấc mộng xưa tại ngôi chùa ở thôn Tân Trạch, Nguyễn Ánh đã sắc tứ cho chùa mang tên Thiên Mụ Tự (天姥寺), tặng hai tượng Phật bằng đồng đặt trong hai phổ đà bằng gỗ chạm lọng, một mõ, một trống sấm và hai đôi câu đối viết theo lối quán thủ (hai chữ đầu mỗi cặp câu đối ghép lại thành tên chùa) như sau:
Thiên Việt Cao Hoàng Tân Khải Trình Tường Thế Giới
Mụ Nam Hoằng Tứ Trạch Nhuận Kiết Khánh Nhân Gian
Thiên An Thánh Chế Thiên Niên Thạnh
Mụ Tự Hoằng Phong Vạn Đại Hưng

Nguyễn Ánh còn khâm ban hai Bài vị thờ hai ông Mai Văn Hiến và Nguyễn Tấn Đức như sau:
Hiến Húy Viết Giác Linh Chi Vị
Phụng Vị Diên Thức Sa Đà Nguyễn Tấn Đức Thượng Thủ Hạ Minh Giác Linh Chi Vị

Thông tin từ lạc khoản ghi trên những hiện vật chúa Nguyễn ngự ban cho chùa đề niên hiệu “Cảnh Hưng Ngũ Thập Niên” (1790) vì lúc này, Nguyễn Ánh chưa xưng đế, chưa đặt niên hiệu, vẫn giữ niên hiệu Cảnh Hưng của Vua Lê Hiển Tông.
Qua thời gian bài vị của hai ông Mai Văn Hiến và Nguyễn Tấn Đức bị hư mục nên Hòa Thượng Đạt Sanh, trụ trì chùa đã cho phục chế lại vào năm 2001. Bài vị xã trưởng Mai Văn Hiến được nhân dân đưa vào thờ trong đình Trạch An, cạnh chùa Thiên Mụ.
Qua câu chuyện chùa Thiên Mụ xã Tân Trạch cho thấy chúa Nguyễn Ánh, sau này là vua Gia Long, đã từng có mặt ở Cần Đước trong thời kỳ 10 năm nội chiến với Tây Sơn ở Nam bộ (1776 – 1786). Ông Mai Văn Hiến cũng là một nhân vật lịch sử có thật trong lịch sử bước đầu của huyện Cần Đước, hiện được thờ ở đình Trạch An xã Tân Trạch, huyện Cần Đước. Qua đó cũng cho thấy Cần Đước từng là đường hành quân và chiến trường trong cuộc nội chiến Nguyễn Ánh – Tây Sơn vào nửa cuối thế kỷ 18.

ThS Nguyễn Văn Đông

Bài trướcNhân vật lịch sử-văn hoá Cần Đước
Bài tiếp theoNhân vật lịch sử – Văn hóa Cần Đước: Nguyễn Khắc Tuấn (1767 – 1823)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây