Nhân vật lịch sử – Văn hóa Cần Đước: Nguyễn Khắc Tuấn (1767 – 1823)

0
109

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Trước năm 1975 quận lỵ Cần Đước có một con đường mang tên Nguyễn Khắc Tuấn, nay là đường Nguyễn Trãi.
Nguyễn Khắc Tuấn (Nguyễn Phúc Xuân, Nguyễn Hầu Xuân) sinh năm Đinh Hợi (1767) thời Kiến Hưng nhà Lê, trong một gia đình của dòng họ Nguyễn định cư ở làng Nhơn Hòa (nay thuộc xã Tân Chánh) đã hai đời trước đó.

Mộ Ông Nguyễn Khắc Tuấn – Ảnh Nguyễn Văn Đông

Ông đầu quân theo chúa Nguyễn Ánh từ năm 16 tuổi (1783) và đến năm Cảnh Hưng thứ 51 (1791) được phong chức Cai đội (chỉ huy 50 quân).
Khi Nguyễn Ánh lập ra Triều Nguyễn 1802, Ông trông coi việc quân ở Bắc Thành. Đến thời vua Minh Mạng được giữ chức Khâm sai, Chưởng cơ thống quản trung quân chấn định thập cơ, tước Xuân Quang Hầu. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), Ông giúp vua quản lý trông coi việc đắp thành trấn Hưng Hóa. Trong thời gian ở Bắc Thành, Nguyễn Khắc Tuấn lập được nhiều công trạng trong việc dẹp giặc, trấn giữ biên cương, chỉ huy hải quân bảo vệ cửa biển giữ yên bờ cõi.


Lăng mộ Ông Nguyễn Khắc Tuấn – Ảnh Nguyễn Văn Đông

Nguyễn Khắc Tuấn mất vào lúc 4 giờ khuya, ngày mùng 7 tháng 2 năm Quý Mùi, năm Minh Mạng thứ 4 (1823). Nhà vua vô cùng thương tiếc, truy tặng Ông chức Thống chế, cấp tơ lụa, vàng bạc, quan tiền và lệnh cho quan quân đưa linh cữu về quê nhà Tân Chánh tổ chức an táng trọng thể và ban nhiều sắc phong, văn bản giấy tờ khác mà Đình Tân Chánh còn lưu giữ cho đến ngày nay.
Năm 1824, vua cho xây lăng mộ theo qui cách trọng thần và ban tặng hai câu đối:
Tích nhậm Bắc Thành quân dân mông thiệt huệ
Kim quy cố thổ thiên địa giám cô trung

Dịch:
Xưa trấn nhậm cõi Bắc Thành, quân dân chịu trọng ơn
Nay về quê cũ, có đất trời soi rõ tấm lòng trung

Lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn là một di tích có nhiều giá trị, quy mô khá lớn, gồm lăng và mộ, dài 13m, rộng 7,2m, chất liệu đá ong (laterit) và vữa tam hợp. Đây là một trong những công trình kiến trúc lăng mộ điển hình của tầng lớp quan lại phong kiến còn lại ở Long An.


Tiệm ảnh Tân Việt Nam trên đường Nguyễn Khắc Tuấn ngày xưa.

Đình Tân Chánh hiện còn lưu giữ 3 sắc phong có niên đại Minh Mạng thứ 3 và thứ 4 (1822 và 1823) và 170 trang văn bản có dấu ấn triện triều Gia Long (1803) và Minh Mạng (1821). Đây là một tư liệu gốc vô cùng quý giá có giá trị về nhiều mặt cho nghiên cứu lịch sử.
Đây là lần đầu tiên, một khối lượng lớn tư liệu gốc chữ Hán được tìm thấy ở Long An, đã được dịch thuật nội dung cho thấy quá trình hoạt động quân sự liên tục 40 năm phục vụ đất nước của Nguyễn Khắc Tuấn.
Nội dung bia mộ Nguyễn Khắc Tuấn ghi:
Hoàng Việt Khâm sai Chưởng cơ thống quản Trung quân Chấn Định thập cơ tước Nghiêm Oai tướng quân Thượng Hộ quân thống chế thụy Tráng Nghị Nguyễn Hầu mộ. Giáp Thân niên…nguyệt cốc nhật. Chánh thất Trương Thị Huy, Từ điệt Nguyễn Khắc Uẩn phụng lập”. 
Những thông tin trên bia cho biết mộ được lập vào năm Giáp Thân (năm 1824) có ghi tước hiệu ông là “Khâm sai Chưởng cơ thống quản Trung quân Chấn Định thập cơ, tước Nghiêm Oai tướng quân Thượng Hộ quân Thống chế thụy Tráng Nghị”, bà Trương Thị Huy -vợ chánh Nguyễn Khắc Tuấn và cháu ông là Nguyễn Khắc Uẩn cùng phụng lập mộ.

Đường Nguyễn Khắc Tuấn hiện nay

Liên quan đến Nguyễn Khắc Tuấn còn có ngôi mộ thân mẫu của ông tại ranh giới hai xã Tân Ân và Tân Chánh (Miễu Cây Da). Những thông tin chữ Hán trên bia mộ cho biết mộ được xây vào tháng giêng, ngày tốt, năm Bính Dần (1806). Người quá cố họ Lê (Lê Thị Bảng), là vợ chánh của quan đại phu thuộc dòng họ Nguyễn. Hai con Nguyễn Phúc Nghị và Nguyễn Phúc Xuân (tức Nguyễn Khắc Tuấn) đồng lập mộ.
Năm 2022 cũng đã tình cờ phát hiện mộ ông Nguyễn Khắc Luật, cha ông Nguyễn Khắc Tuấn nằm sâu trong lòng đất cạnh mộ của ông, bia mộ còn nguyên vẹn ghi năm xây dựng 1806 cùng năm xây dựng mộ của mẹ ông là Bà Lê Thị Bảng.
Đình Tân Chánh và Lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

ThS Nguyễn Văn Đông

Bài trướcChúa Nguyễn Ánh (Vua Gia Long), Ông Mai Văn Hiến và câu chuyện Chùa Thiên Mụ (xã Tân Trạch, Cần Đước)
Bài tiếp theoNhân vật lịch sử – văn hoá Cần Đước: Trương Định 1820 – 1864

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây