Nhân vật lịch sử – văn hóa Cần Đước: Bùi Quang Diệu (1820(?) – 1877)

0
152

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Bùi Quang Diệu (1820(?) – 1877) hay Bùi Quang Là (Quản Là, Đốc binh Là), người làng Mỹ Lệ, tổng Lộc Thành Trung, huyện Phước Lộc, tỉnh Gia Định, nay là xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, vốn là Cai tổng huyện Phước Lộc. Nhân vật lịch sử chống Pháp ở Cần Đước nữa sau thế kỷ 19.


Khi thực dân Pháp xâm chiếm Gia Định 2/1859 ông đã cùng với Trương Định, Nguyễn Trung Trực tham gia chiến đấu ở Đại đồn Chí Hoà dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Tri Phương. Khi Đại đồn Chí Hoà thất thủ 2/1861 thì Trương Định lui về Gò Công, Nguyễn Trung Trực về Tân An, riêng Bùi Quang Diệu lui về vùng đất quen thuộc của mình là Cần Giuộc, Cần Đước tập hợp nghĩa quân tiếp tục chiến đấu, hoạt động một thời gian khá dài trong phong trào võ trang chống Pháp cho đến kết thúc phong trào của Võ Duy Dương (1864 -1866). Tên gọi Quản Là là do ông nhận chức Quản cơ, có lẽ lúc tham gia hoạt động quân sự ở Đại đồn Chí Hoà.
Người ta không biết năm sinh của Bùi Quang Diệu nhưng qua một số chi tiết có thể đoán Bùi Quang Diệu sinh khoảng từ 1820 – 1825, cùng thời với Trương Định (sinh năm 1820). Vì khi thực dân Pháp xâm lược Nam kỳ năm 1859 thì Bùi Quang Diệu đã là Cai tổng và với chức vụ nầy thì lúc đó ông cũng phải ở độ tuổi 35 – 40 và cũng phù hợp với tuổi của một thủ lĩnh nghĩa quân.


Đình Vạn Phước xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước thờ Ông Bùi Quang Diệu và nghĩa binh. Ảnh Nguyễn Văn Đông.

Ngọn “Hỏa hồng Nhựt Tảo” của Nguyễn Trung Trực nhấn chìm tàu Pháp “Esperance” trên vàm Nhựt Tảo, sông Vàm Cỏ Đông (10-12-1861) đã làm bừng lên khí thế đánh Pháp khắp Gia Định. Nắm được tình hình phó đô đốc Pháp Bornard ra lệnh rút bớt lính tập ở các đồn để tập trung lực lượng đánh chiếm Biên Hòa, chặn đường liên lạc giữa quân triều đình với miền Tây, một tuần sau nhằm đêm Rằm tháng 11 năm Tân Dậu, tức16/12/1861, Bùi Quang Diệu chỉ huy 3 cánh quân tập kích đồn Tây Dương ở chợ Trường Bình, Cần Giuộc. Nghĩa quân chiếm được đồn địch, đốt nhà dạy đạo và đâm bị thương đồn trưởng Dumont, chém chết một số lính Mã tà, Ma ní. Giặc Pháp phải dùng đại bác từ tàu chiến đậu trên sông Cần Giuộc để chiếm lại đồn. Phía nghĩa quân hy sinh 15 người (có tài liệu ghi là 27 người).
Thời điểm thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định thì gia đình nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đang ở đây. Ông không cam sống với giặc nên đã tạm lánh về quê vợ Cần Giuộc sống nhờ trong chùa Tôn Thạnh gần chợ Trường Bình bốc thuốc, dạy học, làm thơ. Cảm kích trước tinh thần quả cảm của những người “dân ấp dân lân” trong trận đánh này, bằng ngòi bút và tâm hồn trung nghĩa, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác bài Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc để đọc trong buổi lễ truy điệu tử sỹ theo yêu cầu của Đỗ Quang, lúc đó là Tuần phủ Gia Định.
Sau trận đánh lịch sử vào đồn Tây ở chợ Trường Bình, thủ lĩnh Bùi Quang Diệu đã tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân hoạt động mạnh mẽ và dũng cảm trên địa bàn Cần Giuộc, Cần Đước nhất là tổ chức đánh chặn quân Pháp từ hướng Gò Đen tiến về Cần Đước để tấn công căn cứ của Trương Định ở Gò Công. Hoạt động nầy của nghĩa quân Bùi Quang Diệu đã tỏ ra rất hiệu quả góp phần làm chậm bước tiến của quân Pháp đánh chiếm Cần Đước và Gò Công.


Mộ Ông Bùi Quang Diệu và vợ tại ấp Chợ Đào, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước. Ảnh Nguyễn Văn Đông

Nhưng do tương quan lực lượng quá chênh lệch nhất là về vũ khí, Pháp đã tập trung thủy bộ đánh chiếm được căn cứ Tân Hoà, Gò Công năm 1863 và Trương Định buộc phải tử tiết năm 1864. Nguyễn Trung Trực cũng rút về chiến đấu ở Hà Tiên, Kiên Giang. Thủ lĩnh Bùi Quang Diệu đã đem quân về tham gia cùng Võ Duy Dương xây dựng căn cứ Đồng Tháp Mười tiếp tục chống Pháp. Nhưng đến tháng 6/1866 Pháp cũng đã tập trung lực lượng tiêu diệt căn cứ Đồng Tháp Mười.
Trong hoàn cảnh đó có lẽ thấy cuộc kháng chiến chống Pháp đã đi vào ngõ cụt nên người thủ lĩnh đầy lòng yêu nước dạn dày chiến công với 6 năm chiến đấu, với nhiều áp lực đã quyết định dừng cuộc chiến xếp giáo ra hàng Pháp ngày 22/9/1866.
Những ngày tháng cuối đời ông Bùi Quang Diệu về sống với nhân dân Chợ Đào làng Mỹ Lệ, đóng góp công của xây đình Vạn Phước. Chữ Thần thờ trong đình vẫn còn dòng lạc khoản ghi do Bùi Quang Diệu hiến cúng. Bài vị của ông cùng với nghĩa quân cũng được thờ trong đình này chứng tỏ người dân vẫn tưởng nhớ ông và những nghĩa binh dũng cảm. Sau ngày ra hàng ông Bùi Quang Diệu sống được 11 năm thì mất (1877) . Mộ ông và vợ hiện còn ở ấp Chợ Đào, xã Mỹ Lệ, Cần Đước.
Ông Bùi Quang Diệu là một nhân vật lịch sử, một chứng nhân của một giai đoạn chiến đấu vô cùng khó khăn nhưng không kém phần hào hùng của nhân dân Cần Đước, Cần Giuộc trong buổi đầu ngăn chận bước tiến của quân xâm lược Pháp trên đất nước chúng ta. Dù không thành công và phải chọn giải pháp hàng giặc nhưng cũng không khó hiểu trong tình thế không dễ gì trước thế hùng hãn của giặc. Điều chúng ta ghi nhận là tinh thần yêu nước và dám đánh giặc bền bĩ nhiều năm của ông với những chiến công được ghi trong sử sách.

ThS Nguyễn Văn Đông

Bài trướcNhân vật lịch sử – văn hóa Cần Đước: Nguyễn Trung Trực – Huỳnh Khắc Nhượng
Bài tiếp theoThương nhớ về Cần Đước

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây