Thương nhớ về Cần Đước

0
689

NGUYỄN GIA VIỆT

(Bài viết này xin dâng tặng cho những người quê Cần Đước, cho những người từng bước qua xứ Cần Đước!)

Đường về Cần Đước – Quốc lộ 50 – Ảnh Thanh Minh

Nói về Cần Đước chắc có nhiều người sẽ nhớ, vì dân Cần Đước sống ở Sài Gòn và hải ngoại cũng nhiều, trong lịch sử Miền Nam vùng đất này cũng có thớ.

Từ Sài Gòn Gia Định về Cần Đước có hai ngã, một trổ từ Quốc Lộ 4 (QL1A) ngay gần chợ Bình Chánh về ngã tư Xoài Đôi theo Tỉnh Lộ 826, hai là từ cầu Nhị Thiên Đường cứ chạy miết là về tới quận lị Cần Đước.

Nếu từ quận 8 trổ về thì bạn sẽ đụng Chợ Trạm va Cầu Chợ Trạm trước nhứt.

Người trẻ bây giờ chắc không biết cầu Nhị Thiên Đường trước đây còn được gọi là Cầu Mới hoặc cầu Chợ Lớn mới đâu hén?

Có một miền tuổi thơ của nhiều người, bắt đầu từ cái cầu mang tên Nhị Thiên Đường quận 8. Thả dốc cầu Nhị Thiên Đường, dưới là Phạm Thế Hiển cắt ngang, con lộ Liên Tỉnh Lộ 5, hai bên còn đồng ruộng nước lúp xúp minh mông, mả lạn nhị tì lúp xúp. Lộ Đá Đỏ, Bến xe Ký Thủ Ôn, khu vựa vịt Bình Đăng, Bình Hưng, làng An Phú, làng Phong Đước, Phú Lạc, rồi Đa Phước, cầu Ông Thìn hướng về nam.

Ngày xưa Cần Đước, Cần Giuộc thuộc tỉnh Chợ Lớn, xưa hơn nữa thì cũng thuộc về Gia Định. Ngày nay là Long An.

Đất Long An đón bạn từ ngã ba Tân Kim, mà hồi bao cấp có cái trạm xét thuế Tân Kim khét tiếng hắc ám, chạy thẳng vào cầu Cần Giuộc, chợ Trường Bình, Mỹ Lộc, Thanh Ba. Chạy theo lộ bạn qua Kế Mỹ, cầu Mồng Gà tới Thuận Thành, Vĩnh Nguyên xuống ngã tư Chợ Trạm.

Chợ Trạm là đất Cần Đước rồi đó!

Chợ Trạm thuộc Mỹ Lệ, Mỹ Lệ là xã đặc biệt của quận Cần Đước, đúng với tên mỹ lệ, xã có hai cái chợ nổi danh trong lịch sử là Chợ Trạm và Chợ Đào. Cần Đước có 2 đường lộ lớn là Quốc Lộ 50 thẳng về SG ,Tỉnh Lộ 826 ra Bình Chánh-Quốc Lộ 1 thì Mỹ Lệ đều có hai con lộ này chạy qua.

Chữ 站 Trạm tiếng Hán có nghĩa là cái nhà trú tạm giữa đường để hoán chuyển giao thông. Có dịch trạm là nhà trạm, cái dịch trạm thứ nhứt kêu là nhứt trạm, rồi nhị trạm, tam trạm….

Tại làng Mỹ Lệ của Cần Đước xưa có một dịch trạm của triều đình Nguyễn nằm trên đường thiên lý từ Gia Định về Gò Công. Cái dịch trạm này nằm mé bên cái Rạch Đào, mấy anh lính chạy ngựa từ Sài Gòn về phải ghé dịch trạm Mỹ Lệ nghĩ ngơi chờ thay ngựa và mượn xuồng qua sông.

Chắc chắn cái dịch trạm ở Mỹ Lệ này có tên đàng hoàng, nhưng giờ chẳng ai biết, ai nhớ, chỉ còn nhớ Chợ Trạm vì xưa chợ họp bên trạm. Lâu dần hình thành địa danh Chợ Trạm tới ngày nay, lâu ngày thành một thị tứ tên Chợ Trạm. Đây là vết tích duy nhứt còn tồn tại của những cái trạm thời Nam Kỳ lục tỉnh.

Cần Đước là một vùng đất khai phá khá sớm của Nam Kỳ lục tỉnh.

Ta nhớ mùa xuân năm Mậu Dần 1698 khi chúa Nguyễn Phước Chu sai tướng Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược xứ Nam Kỳ thì Cần Đước thuộc huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn, phủ Gia Định. Tức là Cần Đước có lịch sử khai phá bằng Sài Gòn.

Chạy từ Chợ Trạm xuống bạn sẽ đụng Đập Hàn, Xóm Mới, Tân Lân. Cái tên Tân Lân cũng gợi nhớ thời khẩn hoang của ông bà ta hồi đó.

Thời Nguyễn ở Nam Kỳ có 3 loại hành chánh địa phương:

– Vùng lớn, đại thôn gọi là xã
– Vùng vừa gọi là trung thôn
– Vùng nhỏ gọi là tiểu thôn, còn gọi là phường, lân, ấp, xóm mạn, nậu…

Mỗi xã có thể chia ra 2, 3 thôn. Mỗi thôn có thể chia ra 2, 3 ấp hoặc 2, 3 lân.

Nói chung hành chánh cấp địa phương thời Nguyễn là : xã, thôn, phường, lân, ấp, xóm.

Đứng đầu xã có xã trưởng, đứng đầu thôn là thôn trưởng, rồi trưởng ấp, trưởng phường, cai lân.

Chức nầy giống như quan chức cấp địa phương của triều đình Tuy nhiên mấy ông này không phải là nhứt, trong làng luôn luôn có “Hội đồng hương chức” làng xã bầu ra gồm nhiều ông hương mà đứng đầu là hương cả, nhưng xin không bàn ở đây.

Tùy vào số dân trong vùng mà phân ra xã, ấp, ví như thời Nguyễn Ánh ở Gia Định ông quy định chỉ cần 40 dân đinh (tức dân số hơn 100 người) là lập xã, khi lập một thôn, một ấp, phường (hoặc một lân) thì dân ít hơn.

Tới năm năm 1852 thời Tự Đức thì quy định một xã phải có trên 200 dân đinh và khẩn từ 100 mẫu ruộng trở nên. Muốn lập một thôn phải có từ 50 đến 100 dân đinh và khẩn từ 90 đến 100 mẫu. Muốn lập một ấp (hoặc một lân, một trại…) phải có trên 10 dân đinh, khẩn trên 10 mẫu.

Lật cuốn Gia Định Thành Thông Chí – Trịnh Hoài Đức viết năm 1830 thời Minh Mạng -quyển 3 – cương vực chí – sẽ biết Tân Lân ở Cần Đước khi xưa lập làng là kiểu nào liền.

Huyện Phước Lộc –Phủ Tân An- Tỉnh Gia Định là đất khi xưa của hai huyện Cần Giuộc, Cần Đước.

Trịnh Hoài Đức chép. Thiệt hên, khi đọc trong tổng Phước Điền huyện Phước Lộc có ghi ra đủ hết tên những xã ngày nay có tên rất quen đó là:

“Thôn Tân Lân. Thôn Long Hựu, Phường Mỹ Lệ. Phường Vạn Phước. Thôn Tân Trạch. Thôn Long Sơn.Thôn Long Hòa…”

Như vậy đủ biết là khi xưa, năm 1830 thì Tân Lân ở cấp trung thôn, không phải xã, chẳng phải phường hay lân.

Vậy cái tên Tân Lân là thế nào? Trước 1830 thì thôn Tân Lân từng là lân- ấp và mới nên có tên là Tân Lân.

Đồ Chiểu từng viết:

Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo dòng ở lính diễn binh
Chẳng qua là dân ấp, dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ.”

Tân Lân hồi xưa là xứ trù phú, nhìn chùa Phước Lâm mà coi!

Phước Lâm tự ở Xóm Chùa đường lên Rạch Kiến là ngôi chùa cổ sang trọng của đất Cần Đước và Gia Định xưa. Chùa sang vì giàu, nó thuộc sở hữu của gia tộc nhà điền chủ làng Tân Lân là ông Bùi Văn Minh.

Chùa Phước Lâm – Ảnh: Nguyễn Công Toại

Tượng Phật bằng gỗ quý ở Chùa Phước Lắm – Ảnh Thanh Minh

Làng Tân Lân và làng Mỹ Lệ xưa là hai làng thuộc loại giàu có của Cần Đước với ruộng tốt gạo ngon. Năm 1880 ông Bùi Văn Minh xây chùa này với cách phối tự trước là chùa sau cũng là nơi thờ tự ông bà tổ tiên.

Kiến trúc ngày nay của chùa là kiến trúc những năm 1920 ở Nam Kỳ, nó lai Pháp với nền đúc mặt dựng có hoa văn xi măng.

Một dãy nhà ngói xưa có những hàng cột tròn đen bóng cất kiểu bánh ít, chánh điện nối với nhà tổ, nhà tăng là những mái chồng mái kiểu sắp đọi có máng xối. Nền chùa đúc đá xanh Biên Hoà rất cao, có tam cấp bước lên. Chùa có tường, trên cửa và cột có nhiều hoa văn trang trí kiểu thuộc địa Pháp.

Đặc biệt cổng vào chùa là đi vào phía sau, ai cũng nghĩ vô cổng sẽ là chánh điện là lầm chết, chánh điện tuốt ra xa và nhìn ra một cánh đồng.

Tên chùa theo Hán tự là手林福 Phước Lâm tự nhưng xưa dân làng không ai biết đọc chữ Hán thành ra kêu theo tên người lập chùa là Chùa Ông Sáu hoặc đọc chệch từ ông Minh ra thành Chùa Ông Miêng.

Chùa của đại điền chủ nên rất giàu. Trước 1975 chùa có 32 mẫu ruộng để cho thuê lấy huê lợi mà cúng kiếng và tu sửa.Sau 1975 không còn. Nay chùa chỉ còn 80 sào ruộng.

Là chùa cổ và có tính gia tộc nên Phước Lâm rất yên tĩnh, chùa chỉ có hai sư một già một trẻ, tiếng kinh kê khoai thai dè dặt rất đời thường.Đây là ngôi chùa cổ rất có giá trị của đất Cần Đước.

Từ Phước Lâm Tự chạy lên chút xíu bạn sẽ đụng đình Vạn Phước và cầu Chợ Đào, kế cầu là Chợ Đào, qua cầu quẹo trái là nhà thờ Vạn Phước.

Vạn Phước trù phú, nép mình vào con kinh Rạch Đào, vùng Chợ Đào nổi tiếng gạo nàng thơm, làm nghề ruộng, trữ lúa, xay hàng xáo và chở ghe chài lên Sài Gòn Chợ Lớn bán, khu Cầu Chùa đông nghẹt ghe chài chở lúa gạo.

Đình Vạn Phước – Ảnh Nguyễn Văn Đông

Vạn Phước có cái đình lớn, là nơi tổ sư nhạc tài tử Nam Kỳ Ba Đợi từng sanh sống. Nhắc để nhớ Cần Đước là cái nôi đờn ca tài tử từ thời xưa tới giờ.

Đình Vạn Phước trước khi được trùng tu – Ảnh Thanh Minh

Có nhà thờ Vạn Phước nhỏ xíu nhưng lâu đời. Giáo xứ Vạn Phước, có ai ngờ rằng cái nhà thờ nhỏ xíu này được lập ra năm 1880,tức cách nay gần 144 năm.

CLB Đờn ca tài tử  Mỹ Lệ thường xuyên sinh Nhật tại Đình Vạn Phước – Ảnh Thanh Minh

Nhà thờ Vạn Phước nằm trong một cái đường ngoằn ngoèo tên là Lộ Nhà Thờ mà nếu không để ý chẳng ai biết, nó sát Rạch Đào, nhưng kín kẽ, nghe đồn trước 1975 nhà thờ có ruộng chia cho giáo dân cày cấy.

Giáo xứ Vạn Phước là một giáo xứ nhỏ xíu thuộc giáo phận Mỹ Tho, nhưng bình lặng, không có biến động gì cả, nó cứ an bình mà đi cùng năm tháng.

Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai
Hết củi đã có Tân Sài chở vô.”

Gạo Cần Đước ở đây chính là gạo Nàng Thơm Chợ Đào.

Cánh đồng lúa Nàng Thơm Chợ Đào – Ảnh Thanh Minh

Có một xứ nhỏ xíu ở Cần Đước tên Chợ Đào nằm dựa lưng vô một con rạch tên là Rạch Đào. Rạch Đào không phải do người đào hay xáng đào, đào ở đây là mềm mại uốn éo như tấm lụa, nước rạch lúc nào cũng có màu đỏ gạch tôm –màu đào nên có tên Rạch Đào.

Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?”

Rạch Đào là địa danh khá phổ biến ở Nam Kỳ, ở Bến Lức, Thủ Thừa, Vĩnh Long cũng có, duy chỉ Rạch Đào – Chợ Đào Cần Đước mới nổi danh.

Con rạch uốn khúc từ sông Vàm Cỏ Đông chạy qua Chợ Đào về tới Chợ Trạm qua bên mé Rạch Cát, có một khúc nước mặn một khúc nước lợ. Vậy mà tạo ra một vùng thổ nhưỡng đặc biệt để sản sanh ra một giống lúa độc nhứt vô nhị ở Nam Kỳ lục tỉnh.

Lúa Nàng Thơm tạo ra gạo Nàng Thơm Chợ Đào danh tiếng. Gạo có hột lựu ở giữa, dẻo hột, trong veo và nấu thì có mùi thơm thoang thoảng như mời gọi. Nấu ơ cơm mà hàng xóm, du khách ngoài đường còn nghe mùi thơm, cơm nguội vẫn thơm.

Ngày xưa, từ lúc lưu dân Nam Kỳ đặt chưn tới vùng này đã có gạo Nàng Thơm Chợ Đào, lúc này cũng làm gì có cái gọi là “Thơm Thái” như ngày nay, để biết gạo này nó trứ danh ra làm sao.

Nàng Thơm Chợ Đào là một loại thổ sản quý được tiến cho các vua nhà Nguyễn của Nam Kỳ hồi xưa.

Hàng trăm năm danh tiếng gạo Cần Đước – nước Đồng Nai.

Chạy từ Chợ Đào lên là Long Sơn, Long Cang, Long Trạch, Long Hoà, Long Định, Phước Vân, đó là vùng Rạch Kiến. Long Cang là vùng làm chiếu nổi tiếng.

Nghề dệt chiếu tại Long Cang – Ảnh Internet 

Rạch Kiến có chùa Thiên Mụ. Ngày xưa chùa nằm canh khố trường biệt nạp Thiên Mụ. Khố trường biệt nạp là trạm thâu thuế của chúa Nguyễn.

Di vật của Chúa Nguyễn Ánh tặng Chùa Thiên Mụ – Ảnh Thanh Minh

Rạch Kiến, đất này là đất khai phá làm ruộng minh mông. Vùng này thông với Bình Điền, Bình Chánh, Gò Đen, Cần Đước là đất nổi tiếng lúa gạo.

Bình Tây, Rạch Cát ghe nhiều
Gò Đen, Rạch Kiến, Rạch Đào chợ sung.”

Là vì có khố trường Thiên Mụ đặt trên đất nên vùng này đã có chùa tên là Thiên Mụ Tự là vậy đó.

Năm 1923 Pháp thành lập sở đại lý Rạch Kiến Delegation de Rach Kien gồm ba tổng Lộc Thành Thượng, Lộc Thành Trung và Lộc Thành Hạ, thuộc tỉnh Chợ Lớn.

Năm 1923 Pháp dời trung tâm hành chánh từ Rạch Kiến về ngay khúc chợ Cần Đước. Năm 1928 chánh thức lập quận Cần Đước tỉnh Chợ Lớn với quận lị đặt ngay chợ Cần Đước (Marche de Cần Đước).

Cần Đước khi đó thuộc tổng Lộc Thành có 47 thôn phường.Sau Pháp chia tổng Lộc Thành ta 3 tổng khác là : Lộc Thành Thượng, Lộc Thành Trung, Lộc Thành Hạ,đều thuộc tỉnh Chợ Lớn.

Lộc Thành Thượng có 6 làng, sau là xã, Lộc Thành Trung 4 xã, Lộc Thành Hạ 6 xã.

Lộc Thành Thượng là các xã Long Cang, Long Định, Long Khê, Long Trạch, Long Hoà, Phước Vân ngày nay.

Lộc Thành Trung là Long Sơn, Tân Trạch, Mỹ Lệ, Tân Lân ngày nay.

Lộc Thành Hạ là Phước Tuy, Tân Ân, Tân Chánh, thị trấn Cần Đước, Phước Đông, Long Hựu Đông, Long Hựu Tây ngày nay.

Nam 1956 TT Ngô Đình Diệm xoá tỉnh Chợ Lớn, phần đất thuộc Cần Đước, Rạch Kiến đem nhập vào tỉnh Long An.

Năm 1967 TT Nguyễn Văn Thiệu cắt nửa Cần Đước và lập quận Rạch Kiến gồm 9 xã: Long Hòa, Long Cang, Long Định, Long Khê, Phước Vân, Long Trạch, Long Sơn, Tân Trạch và Phước Lý, quận lị đặt tại chợ Rạch Kiến.

Sau 1975 xoá quận Rạch Kiến nhập về Cần Đước lại.

Rạch Kiến ngày nay thuộc xã Long Hoà. Long Hoà là do Phước Hưng Đông, Long Hòa Đông nhập lại hồi thời Pháp.

Khi lập Nam Kỳ, người Nam Kỳ ông bà chúng ta hay lấy những chữ như Phước, Long, Tuy, Thạnh, An chỉ sự sung túc, giàu có, an vui … đặt lên làng. Tại Nam Kỳ chúng ta chữ long trong địa danh phần đông có nghĩa thạnh vượng.

Vùng Rạch Kiến này có chiếu Long Cang, gạo Chợ Đào, bánh tráng bánh phồng, bún và bánh hỏi Chợ Đào nổi tiếng thơm ngon.

Có một thời những ai đi quya Chợ Đào ngày Tết sẽ xôn xao tiếng chày đập bánh phồng thình thịch.

Cái tên Cần Đước xuất phát từ cái doi đất nhô ra giữa sông mà sau đó cất chợ Cần Đước cũ. Đặt tên đất Cần Đước vì ở đó có nhiều con cần đước.

Cần Đước là tiếng Miên On Đơk, tiếng Khmer chữ On Đơk (អណ្តើក) có nghĩa là con rùa. Nhưng con rùa ở đây là con càng đước, con cua đinh. Ngày xưa dân Cần Đước nói xứ mình là xứ cua đinh, con gái Cần Đước là con gái xứ cua đinh.Con Càng Đước đang được nuôi tại Long Hựu Tây – Ảnh Thanh Minh

Chợ Cần Đước là khu quận lị, là trung tâm, là cái tên mang cho cả quận Cần Đước. Từ chợ Cần Đước sẽ túa ra các làng xã chung quanh như Tân Ân, Phước Tuy, Tân Chánh, Phước Đông.

Phước Tuy là gì? Phước có nghĩa là điều tốt lành, hên, may mắn, giàu sang, phú qưới. Tuy là có thể kéo dài thêm nữa. Phước Tuy nghĩa là sự tốt lành, phú quới, giàu sang sẽ được mãi mãi.

Làng Phước Tuy Cần Đước xưa là làng ven sông Vàm Cỏ xa xôi cách trở, làng nghèo.

Ở đây có chuyện kể về Bà Hớn, bà Hở, con cô con gái của ông Thống Xô hay Quản Xô, hai bà này giỏi võ do cha dạy, lại có tài cầm cây sào dài phi thân nhảy qua mương qua rạch không cần đò hay cầu. Có thời gian hai bà làm nghề ăn cướp ở khúc sông Vàm Cỏ đoạn miễu ông Bần Quỳ, ghe xuồng thương hồ đi qua đó đều kinh hãi hai nữ tặc này.

Một lần bà Hớn phi thân xuống một chiếc ghe trên sông, ông chủ ghe đang ăn cơm -vốn giỏi võ ông cầm cái mâm lên đỡ một cái, bà Hớn đứng trên cái mâm.

Rồi bà Hớn bị Tây bắt, Bà Hở chuyển sống nhờ bán buôn, năm 70 tuổi một lần đi chợ bị thách đấu, bà Hở chống gậy xuống đất phóng cái vèo lên nóc nhà lồng, làm ai nấy xanh mặt.

Ai là dân Phước Tuy sẽ nhớ cầu Hàn, Bờ Mồi, đò Xã Bảy, Phước Chỉ.

Phước Tuy Cần Đước là quê hương nhà chánh trị Hồ Văn Ngà (1902- 1945). Là đảng trưởng Việt Nam Quốc Gia Độc Lập,nổi tiếng với câu nói trước khi bị thủ tiêu:

Các anh giết qua thì giết, nhưng đừng nói qua là Việt

Ngồi nhà trăm cột – Ảnh Thanh Minh

Đây là ngôi nhà tiêu biểu cho tầng lớp giàu có của Cần Đước hơn 100 năm trước.Hồ Văn Ngà là người nổi tiếng học hành xuất sắc, con nhà nghèo mà du học Pháp, đã đậu thủ khoa vào École Centrale des Arts et Manufactures.

‘Hồ Văn Ngà da ngăm ngăm đen, mặt xương mắt sáng, miệng rộng, có cái cười rất cởi mở. Nhà nghèo, Ngà rất chăm học, giờ chơi luôn luôn ở lại lớp, tay cầm cục phấn, học riêng không cần thầy. Ngà có hoa tay, viết được cả tay trái, và khi vẽ vòng tròn trên bảng, Ngà cầm phấn quay một vòng tròn hơn vẽ có công-pa tức cái qui. Tuy nghèo mà rất gan dạ, chuyện gì dầu trái, như bỏ trường, cắt nghĩa. Ngà nghe phải tai thì hưởng ứng mà theo, bất chấp hậu quả . ….”(Vương Hồng Sển)

Trước 1975 đô thành Sài Gòn có đường Hồ Văn Ngà, sau 1975 bị xoá thay tên Lê Thị Hồng Gấm.

Bạn là dân Cần Đước thử có nhớ mấy cái xóm này không?

-Xóm Trầu
-Xóm Rỗi
-Xóm Đáy
-Xóm Chài
-Xóm Bà Lựu
-Xóm Ao Bà Sáu
-Xóm Lộ Cũ
-Xóm Nhà Máy Công Nghệ
-Xóm Cầu Nhứt Bạn
-Xóm Mương
-Xóm Bà Thoại
-Xóm Cầu Xây Rạch Lóc
-Xóm Nhà Dài
-Xóm Ao Gòn
-Xóm Bà Nhờ
-Xóm Bà Chủ
-Xóm Bà Nghĩa
-Xóm Hồ Nước
-Xóm Ao Xoài
-Xóm Chùa
-Xóm Nhà Thờ
-Xóm Bờ Mòi
-Đình Phước Chỉ
-Chùa Thầy Tám
-Chùa Tiều
-Đò Xã Bảy
-Đò Bà Nhờ.

Nhiều lắm, có cái xóm miết trong Tân Chánh tên là Mương Bần.

Chợ Cần Đước xưa trên bến dưới thuyền, người ta đã thấy ghe Cần Đước. Ghe Cần Đước mặt đỏ mắt đen, con mắt rất bự, ai đi cũng ngán.

Cần Ðước nổi tiếng về nghề đóng ghe chài, nghề đi ghe, đi rỗi.

Ghe Gia Định tức là ghe Cần Ðước vang tiếng khắp miền lục tỉnh, chở nặng, di chuyển chậm nhưng đầm, mũi quớt, cặp mắt lớn lộ ra ngoài, màu đỏ sẫm xách ngược lên như đôi mắt Quan Công.

Các kiểu ghe đóng ở Gia Ðịnh, Biên Hòa có sự khác biệt trong cách vẽ mắt ghe bằng màu đen và trắng trên nền đỏ.

Ghe Cần Đước có dân đi ghe võ nghệ đầy mình.

Một người chuyên đi ghe xuôi ngược đường miền Tây về Sài Gòn kể lại:

“Một lần, chiếc ghe tôi chở lúa với hột vịt từ vàm Tham Nhiên về Miễu Bần Quỳ, thấy phía sau có một chiếc ghe trờ tới, lá buồm rách te tua. Tôi định giương buồm chạy đua với ghe này, nhưng người tài công ghe tôi có kinh nghiệm nói:

– Ðó là ghe Cần Ðước, ta chạy sao lại!

Quả nhiên, chiếc ghe đó chở cá, mắm còn khá nổi, chỉ hút tàn điếu thuốc đã vượt ngang ghe tôi, rồi bỏ luôn.

Bọn bối Ba Cụm thấy ghe Cần Ðước cũng e dè, vì sự tích có lần một đoàn ghe Cần Ðước đi lên Biển Hồ trên Nam Vang, lúc đi ngang Tân Châu thì bị cướp. Anh em bên ghe Cần Ðước, biết chút võ nghệ, nhưng đoàn kết, liều mình chống trả, cứu cả đoàn ghe lục tỉnh. Trận đánh đó cả giới ghe thương hồ lục tỉnh đều nhắc nhở.”(Hứa Hoành)

Tỉnh Long An không thuộc đồng bằng sông châu thổ Cửu Long, không thuộc sông Đồng Nai, nó là đồng bằng sông Vàm Cỏ riêng.

Nhưng Vàm Cỏ trổ qua Soi Rạp hòa chung sông Sài Gòn, Đồng Nai,về phong thủy thì Long An bà con với Miền Đông đậm đà hơn Miền Tây.

Tới ngày nay, ghe nào từ Miền Tây về Sài Gòn đều phải đi qua đất Cần Đước ở làng Long Hựu qua Kinh Nước Mặn.

Làng Long Hựu nằm ngay ngã ba sông Soi Rạp- Lòng Tàu qua sông Vàm Cỏ và Rạch Cát (Sau năm 1879 Pháp đào Kinh Nước Mặn nối Vàm Cỏ vào Rạch Cát để về Sài Gòn thuận lợi hơn).

Long Hựu có cái pháo đài lớn nhứt VN là đồn Rạch Cát. Long Hựu có

nhà trăm cột.

Gần xế Chợ Kinh chạy vô Ấp Trung có cái nhà cổ trăm cột trăm năm nổi tiếng của ông hương sư kiêm hội đồng làng Long Hựu Trần Văn Hoa, cái nhà bề thế dài 42m, ngang 21m gồm 3 gian 6 chái, 32 lớp cửa, 160 cột. Sau này còn 120 cột, nhà này là bối cảnh cho nhiều bộ phim cổ trang.

Ngày nay do chiến tranh tàn phá, con cháu vì túng mà xây tùm lum, đổi cửa lá sách làm giảm giá trị nhà rường kiểu cổ.

Bánh in Long Hựu – Ảnh Thanh Minh

Về Long Hựu nhớ hai món, một là bánh in, hai là cá nước lợ. Bánh in Long Hựu là bánh in truyền thống với nhưn chuối phơi khô trộn với gừng rất thơm, còn cá nước lợ thì minh mông, từ cá lù đù tới cá phèn, cá úc, cá chạch.

Mắm còng Cần Đước ngày xưa ngon có tiếng.

Cần Đước còn có gì nữa để tự hào?

Mời ghé vô Tân Chánh.

Trên đường từ Tân Ân chạy vô Tân Chánh, tới Ấp 5, khúc Miễu Bà bạn sẽ gặp một cái mả ô dước cổ bên đường, đó mộ phần thân mẫu Thống Chế Nguyễn Khắc Tuấn. Tương truyền ông theo chúa Nguyễn Ánh làm lính chinh chiến không về quê một thời gian dài, mẹ ông chết mà ông không có mặt. Sau khi vua Gia Long chiến thắng 1802 ông mới về quê xây mả cho mẹ.

Ở Ngã Tư Đình sẽ thấy Lăng Mộ Thống Chế Nguyễn Khắc Tuấn.
Thống Chế Xuân Quang Hầu Nguyễn Khắc Tuấn (1767 – 1823) xuất thân con nhà nghèo ở làng Tân Chánh là một võ quan của chúa Nguyễn Ánh, ông còn có tên là Nguyễn Phước Xuân hay Nguyễn Hầu Xuân.

Mộ Ông Nguyễn Khắc Tuấn – Ảnh Nguyễn Văn Đông

Được mang chữ lót Phước của vua Gia Long thì đủ biết vua tin ông thế nào.

Vua Minh Mạng phong tước lúc ông là Khâm sai Chưởng cơ thống quản Trung quân trấn định thập cơ, tước Hầu (Xuân Quang Hầu).

Năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) Nguyễn Khắc Tuấn mất, được truy tặng Nghiêm oai Tướng quân, Thượng hộ quân Thống chế, thụy là Tráng Nghị.

Sau khi ông mất vua Minh Mạng cho di quan tài ông về Tân Chánh chôn, Tân Chánh là nơi thờ tự ông.

Lăng mộ ông hiện nay nằm ở Tân Chánh Cần Đước Long An. Mộ khá bề thế, làm bằng ô dước, có vòng thành bao bọc, trụ biểu bông sen, bình phong. Núm mộ phẳng, tuy sơn phết bong tróc song còn nguyên vẹn.

Bia mộ ghi như sau:

“Hoàng Việt, Khâm sai Chưởng cơ thống quản Trung quân Chấn định thập cơ tước Nghiêm oai tướng quân Thượng hộ Thống chế thuỵ Tráng Nghị Nguyễn Hầu chi mộ. Giáp Thân niên…. (lập năm 1824).”

Tỉnh Long An có hai lăng mộ cổ thời nhà Nguyễn quy mô, một là Kiến Xương Quận Công Nguyễn Huỳnh Đức ở Khánh Hậu, hai là mộ Tráng Nghị Hầu Nguyễn Khắc Tuấn. Cả hai ông đều là võ tướng người Nam Kỳ ra bình định đất Bắc.

Thống Chế Nguyễn Khắc Tuấn là niềm tự hào của người Cần Đước.

Cần Đước là cái quận lạ lùng, có các làng-xã mang tên rất đep:

-Chữ Long (Thịnh vượng) có các xã : Long Cang, Long Định, Long Khê, Long Sơn, Long Trạch, Long Hòa, Long Hựu.

-Chữ Phước (Tốt lành) thì có các xã: Phước Đông, Phước Tuy, Phước Vân.

-Chữ Tân (Mới) có các xã: Tân Ân, Tân Chánh, Tân Lân, Tân Trạch.

-Chữ Mỹ (Đẹp) có: Mỹ Lệ.

Bạn hỏi Long An có món ăn nào người ta phải nhớ. À! ghé Cần Đước ở khu vực chợ Cần Đước có đặc sản là lạp xưởng Cần Đước, đây là lạp xưởng tươi, mập ú, bự, thẳng, dài sọc.

Lạp xưởng tươi – đặc sản Cần Đước – Ảnh Thanh Minh

Người Cần Đước đi bốn phương tám hướng, rồi cũng có lúc nhớ về Cần Đước quê mình!

Đừng tưởng Cần Đước cua đinh là quận nhỏ gần sát Sài Gòn mà bình thường nghen! Xứ này cổ kính và cũng có nhiều món để khoe lắm đó! Mà món nào cũng ngon lành, có thớ trong lịch sử, văn hoá và ẩm thực Nam Kỳ hết.

Nguyễn Gia Việt




Bài trướcNhân vật lịch sử – văn hóa Cần Đước: Bùi Quang Diệu (1820(?) – 1877)
Bài tiếp theoNhân vật lịch sử – văn hóa Cần Đước: Nguyễn Văn Tiến (1848 – 1883) 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây