Nhân vật lịch sử – văn hóa Cần Đước: Nguyễn Văn Tiến (1848 – 1883) 

0
86

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Nguyễn Văn Tiến sinh năm 1848, cha ông là Nguyễn Văn Xương một thầy võ nổi tiếng, mẹ tên là Phan Thị Yến ở làng Quảng Tập gần Kỳ Son thuộc huyện Châu Thành ngày nay. Nhân vật lịch sử chống Pháp ở Cần Đước nữa sau thế kỷ 19.
Lúc giặc Pháp chiếm Gia Định (28/12/1861) ông mới 13 tuổi. Những biến cố trong vùng lúc này như vụ đốt tàu L’Exprance ở Vàm Nhật Tảo (10/12/1961), trận Cần Giuộc oai hùng (16/12/1961) đã dội vào lòng cậu thiếu niên con nhà võ đất Quảng Tập.

Năm 16 tuổi (1864) Nguyễn Văn Tiến đã tham gia chiến đấu trong hàng ngũ nghĩa quân dưới cờ của Nguyễn Trung Trực. Sẵn lòng căm thù giặc lại thêm võ nghệ cao cường, Nguyễn Văn Tiến tỏ ra là một người chỉ huy xuất sắc nên được phong làm Chưởng Cơ điều khiển cánh nghĩa quân hoạt động ở vùng Tân An, Vàm Cỏ, Cần Đước, Cần Giuộc ngày nay.
Sau ngày Nguyễn Trung Trực mất (27/10/1868) nghĩa quân tôn ông làm Lãnh binh lúc 20 tuổi. Đây cũng là lúc cuộc kháng chiến của nhân dân Lục tỉnh đi vào giai đoạn khó khăn, toàn bộ Nam kỳ rơi vào tay quân Pháp, nhiều lãnh tụ kháng chiến nổi danh như Trương Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân lần lượt bị giết hoặc bị bắt, bị đày. Bùi Quang Diệu, người đã chỉ huy đánh trận Cần Giuộc nổi tiếng cũng đã đầu hàng Pháp (1866). Nguyễn Văn Tiến di binh ra vùng Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa.
Trong trận tập kích bất ngờ ở vùng Bình Đăng (Bình Hưng ngày nay) giặc Pháp đã bắt được ông và thuyết phục ông kêu gọi những quân sĩ dưới quyền nên hạ vũ khí ra hàng, nhưng trước sau ông vẫn đều kiên quyết từ chối. Thấy không thể lay chuyển được lòng dạ và ý chí của ông, nên sáng ngày 3/10 năm Quí Mùi (22/11/1883), giặc Pháp đã đưa ông ra xử chém ở Chợ Trạm, làng Mỹ Lệ.
Trước giờ hành quyết, giặc sai người dọn cho ông một mâm cơm thịnh soạn có thịt, có rượu tây, nhưng ông không ăn, dùng chân đá đổ mâm cơm và chửi thẳng vào mặt bọn cướp nước.


Sau khi giặc Pháp rút đi, bà con trong vùng đã làm lễ an táng ông rất trọng thể. Nguyễn Văn Tiến hy sinh ở tuổi 35. Ông chết đi nghĩa quân mất một người chỉ huy tài năng. Ông là một tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân.
Hình ảnh bất tử của người anh hùng chống Pháp vẫn sống mãi trong lòng mọi người dân trong vùng. Hàng năm, đồng bào xã Mỹ Lệ cứ đến ngày Mùng 3 tháng 10 âm lịch đều tổ chức giỗ ông, chăm lo sửa sang phần mộ chu đáo.
Mộ và đền thờ ông ở cách Chợ Trạm 200m, thuộc xã Mỹ Lệ trên mộ chỉ có ghi dòng chữ:
“Việt Nam Ái Quốc Tổng lãnh Binh Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1848, Vị Quốc Vong Thân ngày 3 tháng 10 năm Quí Mùi, tức 22/11/1883”.
Mộ và đền thờ Nguyễn Văn Tiến được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.
******
ThS Nguyễn Văn Đông

Bài trướcThương nhớ về Cần Đước
Bài tiếp theoNhân vật lịch sử – văn hoá Cần Đước: Nguyễn Thuyết Xã (Thống Sô)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây