Ông Ba Đợi với đờn ca tài tử Cần Đước

0
543

 *Hàng năm, cứ vào 16, 17, 18 tháng Giêng (âl) ở đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước đều diễn ra lễ cúng đình và lễ giỗ nhạc sư Nguyễn quang Đại, người có nhiều đóng góp tạo nên nền ca nhạc tài tử Nam bộ. Trong dịp nầy sở VHTT tỉnh tổ chức Liên hoan giao lưu đờn ca tài tử Nam bộ có sự tham gia của các Đội đờn ca tài tử nhiều tỉnh, thành như các ban nhạc ĐCTT  Bạc Liêu, Hậu Giang, Bình Dương, Tây Ninh, TpHCM, Cần Giuộc, Cần Đước của LA.

Liên hoan diễn ra trong 2 đêm 16, 17. Trước khi biễu diễn, các đoàn vào viếng và thắp nhang trước linh vị của hậu tổNguyễn Quang Đại được thờ trong đình. Trước đây linh vị của ông được thờ ở TTVH quận 8, TpHCM và được rước về thờ ở đình Vạn Phước, Mỹ Lệ, Cần Đước từ năm 1996.

Đức nghệ nhân tiền phong nhạc lễ, nhạc tài tử Nguyễn Quang Đại (Ông Ba Đợi)

Đức ông nghệ nhơn Nguyễn Quang Đại, tức ông Ba Đợi, sinh năm 1855, là một nhạc quan của triều đình nhà Nguyễn. Cuối thế kỷ 19 ông đã hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp, vô Nam truyền dạy nhạc tài tử và nhạc lễ. Ông là người có công  góp phần tạo ra bộ môn đờn ca tài tử và nhạc lễ Nam bộ, mang đậm nét đặc thù bản sắc dân tộc Việt Nam.

Khi vô Nam đầu tiên ông ở vùng đất Đa Kao, xóm Hàng Dừa, nay là chỗ trước cổng Lăng ông Bà Chiểu. Ông dạy nhạc tài tử và có nhiều học trò giỏi nổi danh. Tại Đa Kao ông đã đào tạo các nhạc sĩ lừng danh như Sáu Thới (thầy của Giáo Thinh, Tư Nghị, Năm Cần), Cao Huỳnh Cư, Cao Huỳnh Diêu, Cao Hoài Sang, Bảy Nhỏ…Sau đó ông xuôi về miệt Cần Đước, Cần Giuộc tiếp tục dạy nhạc.

Theo ông Sáu Nam, nguyên Bí thư huyện ủy Cần Đước, lúc ông Nguyễn Quang Đại mới đến Cần Đước thì ông ở nhờ nhà ông Cả Cương (Nguyễn Văn Cương) ở xóm Bà Chủ xã Tân Lân, nay là khu phố 1B thị trấn Cần Đước, là cháu ba đời của tiền hiền Nguyễn Văn Quyền của xã Tân Lân. Hương cả Cương là điền chủ có khá nhiều ruộng nhưng lúc ấy đang bị phá sản do rượu chè cờ bạc.

Ông Ba Đợi đến được ông Cả Cương tiếp đón như một thượng khách và ở luôn tại đây. Ông Xã Năm hay còn gọi là Xã Ngựa, con út của ông Cả Cương, là người học trò đầu tiên của ông Ba Đợi. Tiếp theo, ông Ba Đợi còn có những học trò như Sáu Thoàng, Chín Chiêu, Chín Láo, Hai Cơ. Những người nầy đờn đều có tiếng. Trong một cuộc đua tài nhân đám giỗ ở nhà Cai tổng Đinh Văn Dõng ở Chợ Lách, Bến Tre với những tay đờn nổi tiếng ở đây, họ được ca ngợi là: “Cần Đước: đờn xuất chúng – võ vô địch”.

Ngoài việc dạy đờn, ông Ba Đợi còn lập một đoàn hát bội do ông Cả Cương tài trợ tiền bạc và chỉ diễn cho dân xem miễn phí trong những dịp cúng đình, cúng miễu. Đào kép đều là những nam nữ nông dân trẻ trong xóm Bà Chủ. Đào chánh có cô Trần Thị Nên, Nguyễn Thị Cưởng, kép chánh có ông Chính Lãnh và ông Chín Sương. Ông Đợi chỉ dựng hai tuồng là San Hậu và Trần Tráo Hôn do ông là soạn giả.

Theo ông Thanh Tuyền, cán bộ ngành văn hóa hưu trí gốc ở thị trấn Cần Đước kể: trong thời gian ở Cần , ông Ba Đợi còn lưu ngụ tại nhà ông Tư Trừ ở ấp Nhà Dài, xã Tân Lân để dạy đàn ca. Nhiều người đến xin thọ giáo, đặc biệt có cả nữ.

Cô Sáu Giỏi và cô Bảy Lung là hai người con gái của ông Tư Trừ. Cô Sáu Giỏi nổi tiếng đàn kìm, cô Bảy Lung đàn tranh. Các ông Năm Tịnh đàn tranh, tỳ bà; ông Hai Bầu đàn cò; ông Chín Chiêu tài hoa với ngón đờn kìm bay bướm cùng với người anh là ông Sáu Thoàng với ngón đờn cò trong vắt. Ông Năm Khiết (ở Cầu Mồng Gà), ông Ba Đồng (Cần Giuộc) đều có ngón đàn mùi mẫn. Ông Năm Xem (ông ngoại của Hai Biểu), ông Chín Kỳ, Mười Lăng (Kinh Nước Mặn) nổi tiếng đàn tranh thâm trầm sâu lắng. v.v…Các ông đã đào tạo nhiều giọng ca bài bản vững vàng điêu luyện các điệu Xuân, Ai, Bắc, Oán như cô Tám Sanh (chợ Trạm), cô Tám Đó, cô Chính Đang (thị trấn Cần Đước), cô Hà (Phước Lý) v.v…

Về nhạc lễ ông có các môn đệ như Hương nhạc Trì (Tư Trì), Nhạc Điểm (Tám Điểm), Nhạc Viên (Năm Viên, cha của Nhạc Láo /Chín Láo/  là thầy của nhóm nhạc Gò Vấp nổi tiếng ngày nay). Nhạc lễ Cần Đước từ khi có ông Ba Đợi thì sau đó các môn đệ của ông đã làm nên kỳ tích, nổi tiếng khắp Nam kỳ Lục tỉnh.

Khi về miệt Cần Đước, ông Nguyễn Quang Đại đã triệu tập một cuộc họp (gần như Đại hội âm nhạc) tại nhà ông Hương nhạc Trì (Tư Trì) ở ấp Nhà Dài xã Tân Lân,để phổ biến bài bản và cách biến, sáng tạo mở nhịp ca nhạc Huế và nhạc lễ cung đình Huế cho hợp với người dân vùng đất mới phương Nam. Tất cả đều nghe theo và trở thành môn đệ nhạc lễ, nhạc tài tử của ông.

Tại Cần Đước, Cần Giuộc ông đã đào tạo được các nhạc sỹ tài ba như Nhạc Láo, Nhạc Thời, Hai Tò le, Sáu Thoàn, Chín Chiêu, Năm Tịnh, cô Sáu giỏi, cô Bảy Lung, ông Xã Năm, Hai Bầu, Năm Khiết, Năm Xem, Ba Đống, Mười Hai Dươn, Năm Quýnh…

Ở Đồng Nai ông cũng có môn đệ như Văn Kiên (kèn), Võ Phải (trống) lừng danh trong giới nhạc lễ. Ở Sông Bé có Sư Dung (thầy dạy đờn tỳ bà cho ông giáo Thinh), Út Lăng, Út Búng. Ở Bến Tre những nghệ nhơn cũng là truyền nhơn đời thứ ba của ông Nguyễn Quang Đại, cùng nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long nhiều nghệ nhơn cũng đã từng học lại các môn đệ của ông.

Từ các môn đệ ban đầu của ông, các thế hệ tài danh nối tiếp ra lò như Chín Kỳ, Hai Phát, Hai Biểu, Tư Huyện, Sáu Quý, Bảy Hàm, Bảy Quế, Năm Giai, Mười Lăng, Tư Bi, Út Nghiêm, Hai Khá, Tám Nhứt, Tư Tụi, Ba Lựa, Văn Vĩ…tạo ra một phong trào yêu thích nhạc ta khắp miền đất Nam bộ.

Tiếng đờn Cần Đước vang danh
Giai kìm Quýnh gáo Quế tranh Lòng cò…

Ông Ba Đợi là một nhạc sỹ không những truyền dạy ngón đờn mà còn sáng tác rất nhiều bài bản như Bộ Ngũ châu miền Đông, 8 bản ngự để cung nghinh vua Thành Thái vào Nam, (1898). Ông đã hệ thống hơi điệu tài tử thành bốn điệu Bắc, Nam, Hạ, Oán (20 bài bản tổ). Ông cũng đã đem nhạc cung đình cải biên, sáng tạo ra nhạc lễ miền Nam.

Các môn đệ của ông Ba Đợi gồm đủ các thành phần như trí thức, công nhân, nông dân nhưng họ đều là những người có ngón đờn tài ba, hăng say về âm nhạc.

Các môn đệ nầy đã tiếp thu được những tinh hoa của nền âm nhạc Ngũ cung Đông phương và đã cùng với ông cải biên những bài bản của ca nhạc Huế và đồng thời sáng tác mới những bài bản theo sự hướng dẫn của ông để bổ sung hơi điệu. Những bài bản sáng tác mới đều được viết trên nền tảng triết học Đông phương về thuyết Âm dương Ngũ hành, đã làm cho nhạc tài tử thêm phong phú về bài bản và hơi điệu.

Giữa cuối thế kỷ 19, phương tiện giải trí duy nhất của dân gian và ngay cả người thành thị ở Nam bộ là nói thơ Vân Tiên, hò hát khi gặt hái, chèo ghe và ai nấy còn mê hát bội. Ở Chợ Lớn vài rạp hát mọc lên dành cho hát bội. Dịp cúng đình, đám tang, đám cưới vẫn có ban nhạc giúp vui gây không khí.

Cổ nhạc đã được phổ biến tại đất Nam bộ là do các thầy đờn gốc miền Trung cùng một số sĩ tử Nam bộ ra Huế du học mang về. Nhạc cổ lúc ấy còn nghèo nàn về bài bản cũng như hơi điệu vì đã rập khuôn theo những bài bản của ca nhạc Huế. Bài bản cổ nhạc lúc ấy chỉ có hai điệu Bắc và Nam, cùng một số bài bản có hơi dựng mà thôi.

Có lẽ từ khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông và sau khi Phan Hiển Đạo mất thì phong trào cổ nhạc thiếu người đủ bản lĩnh dìu dắt. (Phan Hiển Đạo người Vĩnh Kim, từng học ở Huế, đậu Tiến sỹ).

Từ khi ông Nguyễn Quang Đại tức Ba Đợi, một nhạc quan triều đình vào đất Nam bộ để làm nghề dạy nhạc, thâu nhận học trò thì từ đó nhạc cổ đã trở thành một phong trào rộng khắp ở các tỉnh miền Đông và còn lan sang các tỉnh miền Tây Nam bộ. Phong trào nầy gọi là phong trào đờn ca tài tử.

Ông Nguyễn Quang Đại vào Nam trong bối cảnh nước mất nhà tan. Thực dân Pháp đang thắng thế và muốn cho người ở thuộc địa Nam kỳ mất gốc nhưng thực tế ngay cả giới điền chủ, công chức Tây học sau nầy vẫn bảo tồn và phát huy cổ nhạc qua nhạc tài tử, qua tuồng cải lương và phong trào cổ nhạc vẫn mãi gây tiếng vang.

Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 tại Nam bộ có hai nhóm nhạc tài tử ganh đua nhau quyết liệt về bài bản và thu hút môn đệ về mình. Đó là nhóm nhạc miền Đông do cụ Ba Đợi làm trưởng nhóm và nhóm nhạc miền Tây do ông Trần Quan Quờn (Ký Quờn) làm trưởng nhóm. Hai nhóm nhạc nầy đã phổ biến âm nhạc theo quan điểm riêng của mình. Ông Ba Đợi và ông Ký đã làm cho kho tàng bài bản tài tử thêm phong phú. Ông đã dạy cho các môn đệ lý thuyết âm dương ngũ hành của nền triết học Đông phương, nâng bộ môn đờn ca tài tử lên đỉnh cao đầy tính bác học.

Nhóm nhạc miền Tây chủ trương duy trì nguyên tắc đã được các bài bản của ca nhạc Huế áp dụng để cấu tạo âm thanh vẫn giữ đúng 3 nhịp: Nội, Ngoại, Hoán pháp và Chánh thất, thâu nạp tất cả bài bản có sẵn của ca nhạc miền Trung, đồng thời sáng tác mới những bài bản nhưng vẫn giữ nguyên vẹn phương thức, âm tiết của ca nhạc Huế. Do đó giới chơi nhạc Nam bộ không hưởng ứng những bài bản mới nầy và chúng đã chết từ khi mới ra đời, chẳng hạn như những bản Hiệp điệp xuyên hoa, Thanh đình điểm thủy, Kim oanh trịch liễu.v.v..

Trái lại nhóm nhạc miền Đông do ông Ba Đợi làm trưởng nhóm được sự cộng tác của nhiều văn nhân lỗi lạc cùng một số học trò tài ba của ông đã cải biên các bài bản của ca nhạc Huế bằng cách giản dị hóa lối ấn nhịp để tạo nên một nhạc điệu hòa hợp với ngôn ngữ của dân miền đất Nam bộ.

Bài bản cải biên chỉ có hai loại nhịp: nhịp nội và nhịp ngoại. Ông đã hiểu rõ tính chất nhạc Ngũ cung Đông phương, chỉ tôn trọng lòng bản và khi trình tấu được tự do sáng tạo chữ đờn và nối nhịp lơi ra tùy theo người ca và người đờn chung với mình. Do đó ông không chủ trương viết thêm nhiều bài bản mới và chỉ cần thiết sáng tác một số bài bản tiêu biểu cho sự hệ thống bài bản theo hơi điệu mà thôi.

Từ đầu thế kỷ 20, giới chơi nhạc tài tử muốn ganh đua thách thức nhau đều mang số bài bản thuộc 4 điệu Bắc-Hạ-Nam-Oán ra làm căn bản. Các bài bản nầy có 20 bản gọi là 20 bản tổ.

Từ lâu nhạc tài tử miệt Cần Đước đã nổi danh là các nhạc sỹ có ngón đờn xảo (tinh xảo) và đờn mở nhịp lơi. Đây cũng là nét đặc trưng làm cho Cần Đước nổi danh trong giới nhạc tài tử với cụm từ: -“Nhất Bạc Liêu-Nhì Cần Đước” với khả năng đờn lơi nhịp. Trong khi Bạc Liêu chỉ nổi danh về ca.

Cụ Ba Đợi đã nới nhịp bản Tứ Đại Cảnh là một bản nhạc của nhạc Huế theo điệu Bắc nhịp đôi hơi dựng thành một bản nhạc nhịp tư rồi nhịp tám có hơi điệu buồn và bản nầy chính là bản Tứ Đại Oán, mở màn cho điệu Oán có mặt trong hệ thống nhạc tài tử Nam bộ. Như vậy hệ thống bài bản nhạc tài tử của cụ Ba Đợi gồm có 20 bài bản tiêu biểu gọi là 20 bài bản tổ gồm có 6 bài Bắc, 7 bài Hạ, 3 bài Nam, 4 bài Oán và thêm 8 bản Ngự nữa thì bài bản nhạc tài tử Nam bộ đã có 4 điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán và 4 hơi Xuân, Ai, Đảo, Ngự

Riêng về bản Vọng cổ thì nó xuất thân từ bản Dạ Cổ Hoài Lang của nhạc sỹ Cao Văn Lầu (Sáu Lầu), quê ở Thuận Mỹ, Long An. Ông ghép từ hai bản Tứ Đại Oán và Hành Vân, nhạc gốc miền Trung mà thành.

Lúc mới sáng tác thì bài vọng cổ là nhịp đôi, sau đó giới nhạc sỹ mở ra nhịp tư. Chẳng biết ai mở, phải chăng cũng do giới nhạc Cần Đước? Vì hồi đó chỉ có trường phái Cần Đước, Cần Giuộc mới chủ trương mở nhịp. Tiếp theo giới nhạc nầy lại mở ra nhịp tám thành ra vọng cổ nhịp tám. Rồi sau đó lại mở ra thành bản vọng cổ nhịp 16, là cơ bản của bài vọng cổ hiện nay.

Công trình mở ra nhịp 16 là của ông Ba Phụng, thường chơi đờn sến. Thời kỳ Mặt trận phản đế (1936-1939) ông nầy ở nhà ông Chín Kỳ ở miệt Kinh Nước Mặn, Cần Đước. Khi tới tiệm hớt tóc chơi hòa đờn với anh em nhạc Cần Đước thì thấy ở đây bài gì (Bắc, Oán…) họ chơi cũng mở nhịp và vì vậy ông Ba Phụng chưa quen nên đờn không được. Ông rất tức mình nên khi về nhà thì tìm cách chơi lại và suy nghĩ mãi ông mới lấy bài vọng cổ nhịp 8 mở ra thành nhịp 16.

Sau đó ông mang bài vọng cổ nhịp 16 nầy lên Sài Gòn tới nhà ông Năm Ơn, cũng người quê Cần Đước, để dợt. Và dợt tới chiều mới xong thì hai người nghỉ ăn cơm với rau luộc, tép kho. Bản vọng cổ nhịp 16 nầy được thâu âm lần đầu tiên với bài Gió Bấc Lạnh Lùng ở hãng Đức Thành Hưng do cô Hai Đá ca.

Âm nhạc tài tử Nam bộ chất chứa nét trang trọng của cung đình nhưng lại mang theo nét lãng mạn khi hòa mình vào thiên nhiên để tạo hứng. Có lẽ nếu hiểu như vậy chúng ta mới lý giải được nét hào hoa, vừa trang trọng đến nghiêm khắc nhưng cũng vừa lả lướt, vừa lãng mạn đến ngọt ngào của nhạc tài tử Nam bộ mà bài vọng cổ là một minh họa rõ nét nhất của vùng đất “cò bay thẳng cánh”.

Nhạc tài tử Nam bộ nếu có cái gốc sâu xa của nhạc cung đình Huế thì khi Nam tiến nó đã tung cánh bay xa, xa hơn và mang một sắc thái riêng trong cái chung.

Có thể nói nếu không có nhạc cung đình Huế thì khó có thể hình thành nhạc tài tử Nam bộ. Nhưng nhạc tài tử Nam bộ không phải là một bản sao của nhạc cung đình Huế. Vì bản thân nó dù có cái gốc chung nhưng trái của nó lại có vị ngọt riêng của vùng đất phì nhiêu và nếu không có nhạc tài tử Nam bộ thì nhạc cung đình Huế cũng không chứng minh được sức mạnh của văn hóa Việt Nam.

           Nói chung vai trò của nhạc tài tử Nam bộ phải chăng cũng có chỗ đứng riêng và đã đóng góp, dù muộn màng hơn, cho nền văn hiến ngàn năm của Việt Nam.

Ông Ba Đợi đem âm nhạc cung đình, mở nhịp, đổi nhịp, thay nhịp để phù hợp với vùng đất mới phương Nam, thoát khỏi Tử cấm thành gò bó trong khuôn mẫu mà vươn ra với ruộng đồng bát ngát của đất Đồng Nai-Gia Định và miền phù sa sông Cữu Long.

Mặc dù có hai cánh nhạc miền Đông và miền Tây nhưng điều khẳng định là cánh nhạc của ông Ba Đợi là thế mạnh của nhạc tài tử do sự sáng tạo dồi dào của nghệ nhân nầy.

Như đã nói do sự tranh đua uy tín của hai cánh nhạc mà những bản nhạc như Hành vân, Tứ đại cảnh, Thập thủ liên hườn được chuyển từ hơi Huế qua Nam bộ. Đồng thời những sáng tác mới như bộ Ngũ châu miền Đông ra đời. Bộ tứ bửu của miền Tây cũng được khai sinh. Tuy nhiên nhìn chung sự phong phú dạng thức nhạc tài tử chúng ta không thể phủ nhận công lao của nghệ nhân Ba Đợi. Bởi lẽ cánh nhạc miền Đông đóng góp rất lớn trong sáng tác bài bản, còn cánh nhạc miền Tây phần nhiều lắp ghép bài bản sẵn có để hình thành bộ nhạc như đã biết. Điển hình là bộ Lục xuất kỳ sơn.

Nổi bật hơn nữa là nghệ nhân Ba Đợi đã sáng tác 8 bài Ngự nhân dịp cung nghinh vua Thành Thái vào Nam năm 1898, cũng như mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tới Cần Đước, Cần Giuộc qua việc đến đây truyền dạy nhạc lễ, nhạc tài tử rồi dần lan tỏa đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Trong nhạc tài tử, ngoài dạng thức của âm nhạc đặc tính Nam bộ thì nghệ nhân Ba Đợi còn làm một việc cải cách lớn, nếu không muốn nói là một cuộc cách mạng âm nhạc là nới rộng nhịp thức cho bài bản và định hình nhịp nội nhịp ngoại mang đầy tính triết học Đông phương.

Ông Nguyễn Quang Đại là một nhạc sỹ đầy tài năng và đức hạnh nhưng khi chết lại ở trong hoàn cảnh nghèo nàn túng quẩn. Sau thời gian đến dạy nhạc ở Cần Đước thì ông trở về vùng Đa Kao tiếp tục truyền thụ cho nhiều học trò nữa. Rồi cũng vì cuộc sống khó khăn nên ông đã về ở với người con thứ hai, gọi là cậu Hai Tuân nhà ở Rạch Cát, Bình Đông (nay là Quận 8, TpHCM) rồi chết âm thầm trong cảnh nghèo ở đó. Nghekể quan tài ông được một chiếc xe thổ mộ dùng để chở cá, chở vào chôn ở vùng mả hoang miệt Bình Đông, tới nay thì mồ xiêu mả lạc.

Nhưng may mắn thay trong tập tư liệu của ông Giáo Thinh (nhạc sỹ Nguyễn Văn Thinh, sinh năm 1907, nguyên Trưởng khoa nhạc dân tộc trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn, học trò ông Sáu Thới là một trong những môn đệ đầu tiên của ông Ba Đợi) có ghi ngày mất của ông Nguyễn Quang Đại là ngày 19 tháng Giêng âl, nhưng cũng tiếc là không có ghi chết năm nào.

Đức ông nghệ nhơn Nguyễn Quang Đại suốt đời vì nền âm nhạc dân tộc, đã có công đưa nền triết học Đông phương làm cơ sở nhạc lý cho âm nhạc Việt Nam, có công xây dựng nhạc lễ, nhạc tài tử miền Nam. Ông rất xứng đáng để chúng ta kính trọng tôn thờ!.

Di vật của ông tìm được chỉ có cái ống tiêu, loại ống tiêu của miền ngoài, trong Nam không có loại nầy. Trên ống tiêu có khắc ba chữ Hán là Hàm Hoằng Tạo, có nghĩa là tâm hồn phải bao quát, rộng lớn mênh mông để hòa với thiên nhiên vạn vật thì mới tạo ra được âm thanh (nhạc).

Di vật nầy là của ông tặng cho học trò là ông Lại Văn Thới. Ông Sáu Thới chết thì truyền cho con là ông Sáu Lạc tức Lại Văn Lạc. Ông Sáu Lạc chết truyền cho con là ông Lại Văn Bửu, hiện ở TpHCM, năm nay được 64 tuổi (1996), ông đã cất kỷ ống tiêu nầy, coi nó như là bảo vật của gia đình và của ngành nhạc dân tộc.

Hôm nay chúng ta có được nhạc lễ, nhạc tài tử, vọng cổ đó là công trình của đức nghệ nhân Nguyễn Quang Đại và lớp lớp môn đệ nhiều đời của ông.

Để tưởng nhớ nhạc sư Nguyễn Quang Đại, quận 8 TpHCM đã lập bài vị thờ ông ở Nhà văn hóa quận và hàng năm đến ngày 19 tháng Giêng đều tổ chức lễ giỗ rất trang trọng.

Và thể theo nguyện vọng của các bậc lão thành trong giới âm nhạc tài tử nên mùa Xuân năm 1996 chính quyền huyện Cần Đước đã thỉnh bài vị ông từ quận 8, TpHCM về thờ ở đình Vạn Phước thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước.

Hàng năm đến ngày giỗ của ông tại đình Vạn Phước đều có tổ chức lễ hội Liên hoan âm nhạc tài tử quy tụ các đội tài tử từ nhiều tỉnh thành về dự để vừa tưởng nhớ bậc tiền nhân có công xây dựng nền Âm nhạc tài tử Nam bộ, vừa là dịp để trình diễn, giao lưu cái vốn văn hóa truyền thống quý báu còn lưu truyền và sống mãi với thời gian nầy./.

Thanh Minh
Bài trướcNghệ nhân nhạc sư Trương Văn Tự (Ba Tu)
Bài tiếp theoAi về Cần Đước quê tôi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây