NHÂM HÙNG
Hồi ấy, khoảng năm 1960…
Đại úy quận trưởng Tô văn Vân, mới thuyên chuyển đi; viên Trung úy Lê Đăng Sỹ, Tỉnh đoàn phó Tỉnh đoàn Bảo An tỉnh Long An được điều về, giữ chức quyền quận trưởng Cần Đước, thay ông Vân.
Một chiều, cha tôi định đóng cửa nghỉ, thấy chiếc Jeep dừng đậu gấp trước quán. Trung úy Vui, đại trưởng Bảo An quận đi vô cùng một sĩ quan trẻ đeo 2 bông mai. Vốn phải bỏ xứ do địch truy nả, cha tôi thận trọng lắm. Và như phát hiện ra điều gì chẳng lành, nên mặt biến sắc, lách vội qua cửa buồng, lẫn tránh ở nhà sau. Ai ngờ, viên sĩ quan chạy vụt theo, kéo vai cha tôi mà vừa cười vừa kêu lớn:” Chú Ba! Chú Ba!”. Biết không thể nào lẫn tránh, cha tôi làm như không nhớ…”Cháu nè! thằng Sỹ ở Kinh Nhà Nước, dân Cần Thơ chú nhớ chưa?”
Tiệm ĐÔNG HƯNG tại ngã ba Cây xăng Cần Đước là nhà của tác giả.
Cha tôi dần hoàn hồn, khi hiểu ông ta chưa biết chuyện chạy trốn của gia đình, nên mới dám nhận đồng hương. Sau này cha tôi kể rằng cha ông Sỹ là điền chủ ở xã Hòa An, ăn ở có đạo đức, rất thương tá điền. Ông Sỹ cho hay đã rời quê lên Sài Gòn học trường Sĩ Quan Thủ Đức lâu rồi, ra trường bổ về Long An, nay làm quyền quận trưởng thời gian.
Những ngày sau, chiều nào ông Sỹ và nhóm tùy tùng đều tới quán uống la ve, sau trận quần vợt. Ông hỏi cha tôi: Chú cần tôi giúp gì không? Cha tôi nói chỉ mong cậu kêu mấy anh lính Bảo An trả tiền nhậu chịu!
Thế rồi, quận trưởng ra lệnh, tốp lính liền bị trừ lương, ông cho người đem tiền trả cha tôi.Đâu chỉ vậy, ông còn kêu Trưởng Chi Công An, Xã trưởng gởi gấm cha tôi – nhận là người chú, để họ giúp đở. Nhờ vậy, khi ông trở về tỉnh, gia đình tôi sống yên ổn trong thời gian ở Cần Đước.
Tác giả kể chuyện với người bạn Ba Đông
Năm 1965, Ông Sỹ lên Đại úy, được bổ nhiệm làm quận trưởng Đức Huệ, tỉnh Hậu Nghĩa. Thấy đây là tỉnh mới sung túc, ông nhắn, bàn với cha tôi lên chợ tỉnh mở quán, làm ăn. Gia đình tôi nghe theo, về ở Hậu Nghĩa, ông vẫn tiếp tục giúp đở mọi thứ. Nhờ thế lực này mà tong tích gia đình không ai thắc mắc.
Năm 1967, quân cách mạng tấn công quận Đức Huệ, ông Sỹ rút lui, bỏ Chi khu nên bị cách chức, thuyên chuyển đi nơi khác.
Sau năm 1975, gia đình tôi mất liên lạc, khi ông bị đi cải tạo. Khoảng năm 1990, ông về quê gốc Hòa An – Phụng Hiệp, tìm gặp gia đình tôi, cho hay sắp đi Mỹ theo diện HO. Các chị tôi chĩ gởi ông được chút lộ phí. Còn tôi, với đồng lương ít ỏi, cũng chỉ đãi ông được bữa nhậu chia tay. Trong men rượu, tôi hỏi ông: Có lúc nào anh nghi gia đình tôi là Việt Cộng không? Ông nói: Có chớ, nhưng thôi, hỏng lẽ lại bắt chú Ba?
Mấy chục năm rồi, gia đình tôi không nghe tin tức gì của ông Sỹ nữa. Nhưng trong lòng tôi luôn áy náy, bởi chưa trả ông món nợ ân tình!
Nhâm Hùng