THANH MINH
Đó là Giáo sư Ngô Thị Phương Lan, Phó giáo sư Lê Thị Ngọc Điệp và Phó giáo sư Ngô Thị Thu Trang. Cả ba đều công tác tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM.
Như vậy Cần Đước hiện có 2 giáo sư và 3 phó giáo sư đã được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận.
Trước đó GS Nguyễn Đông Phong (Thị trấn Cần Đước), Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế TP.HCM, PGS Nguyễn Văn Huệ (Tân Trạch, Cần Đước), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM, cả hai được bổ nhiệm từ 2009.
Năm nay (2024), sau các vòng xét chọn, Cần Đước có thêm GS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng, PGS Lê Thị Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội đồng trường và PGS Ngô Thị Thu Trang, Trưởng khoa Địa lý. Cả ba đều giảng dạy tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP. HCM được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận chính thức.
Chị Lê Thị Ngọc Điệp (Long Hoà, Cần Đước) tốt nghiệp đại học ngành thư viện – thông tin học năm 1997, thạc sĩ văn hóa học năm 2006 và tiến sĩ ngành văn hóa học năm 2014 tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM). TS Lê Thị Ngọc Điệp còn đảm nhiệm Bí thư Đảng uỷ của trường.
Đối với chị Ngô Thị Thu Trang (Tân Ân, Cần Đước) là học sinh Trường Cần Đước, chị được cấp bằng tiến sĩ năm 2014 ngành Địa lý, chuyên ngành Xã hội, Quy hoạch, Lãnh thổ của Trường Đại học Pau et des Pays de I’Adour, Cộng hòa Pháp.
Chị đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng của trường như Trưởng phòng đào tạo, Trưởng khoa Địa lý, Phó giám đốc Trung tâm phát triển Nông thôn Saemaul Ungdong của trường.
Tôi được biết chị Ngọc Điệp và Thu Trang sau khi đăng bài “Nữ hiệu trưởng trường đại học nổi tiếng ở TP. HCM là ứng viên giáo sư, quê Cần Đước Long An” được bạn đọc góp ý tại sao không giới thiệu hai nhân vật nầy trên trang Người Cần Đước. Thế nhưng khi tiếp cận thì cả hai chị đều khiêm tốn, ngại ngùng, chị Ngọc Điệp thì né tránh và cho rằng “Phương Lan năng động lắm, Người Cần Đước giới thiệu là đúng rồi”, còn chị Thu Trang thì “Em nghĩ rằng người Cần Đước mình nhiều người giỏi, mỗi người giỏi mỗi lĩnh vực khác nhau tương ứng với nghề của họ, do nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu nên phải làm PGS chứ không giỏi gì đâu anh!”.
Thật ra, việc công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư phải qua Hội đồng Giáo sư cấp ngành, cấp cơ sở trước khi được Hội đồng giáo sư Nhà nước công nhận là cả một quá trình.
Tuy vậy, chúng ta rất tự hào vùng “đất phèn nước mặn” đã sản sinh nhiều nhân tài với bằng thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư góp phần xây dựng đất nước, trong đó có quê hương Cần Đước chúng ta.
Thanh Minh