Th.S NGUYỄN VĂN ĐÔNG
Mương là đường nước nhỏ do con người đào để dẫn nước làm ruộng hoặc di chuyển và lâu ngày có nơi trở thành địa danh như ở xã Tân Chánh còn địa danh Mương Bần, Mương Lá…Từ sông Vàm Cỏ có con sông chảy vào chợ Cần Đước có tên Mương Ông Huỳnh, rồi chảy thẳng là sông Cần Đước ngang qua rạch Sâu, rạch Lóc, cầu Xây rồi thông ra vàm Cần Đước vào sông Rạch Cát, có ngọn rẽ vào rạch Su, xóm Bến; từ chợ Cần Đước mương Ông Huỳnh rẽ trái là rạch Bến Bà chảy vào xã Phước Tuy, qua cầu Hàn rồi ra vàm Bến Trễ nối lại với sông Vàm Cỏ. Đây là hệ sông rạch chính của vùng Hạ Cần Đước liên thông nhau chằng chịch, tác động lớn đến hoạt đánh bắt thủy sản,sản xuất, sinh hoạt đời sống của dân cư cả vùng.
Mương Ông Huỳnh chắc đã có từ hàng trăm năm trong quá trình khai phá vùng nầy, vì từ cái mương nhỏ bây giờ đã thành sông rộng Tương truyền ngày xưa có ông Đỗ Văn Huỳnh đến khai phá vùng nầy và tổ chức đào con mương nhỏ cho tiện việc làm ruộng, đi lại, từ đó người ta lấy tên ông mà đặt cho con mương. Từ đầu do sức người có hạn nên chỉ đào được con mương nhỏ, lâu dần do nước chảy và ghe xuồng đi lại nhiều làm sạt lỡ rộng ra thành sông như bây giờ. Người ta gọi là Ông Huỳnh chứ không có kèm theo thứ theo cách gọi của người miền Nam, chứng tỏ ông Huỳnh là người từ miền ngoài theo dòng người di dân vào Nam khai hoang lập ấp ở Cần Đước được đẩy mạnh từ đầu thế kỷ 18.
Cầu Mỹ Lợi thay thế phà Mỹ Lợi nối liền Cầu Nổi – Cần Đước và Gò Công – Ảnh Thanh Minh
Chỗ mương Ông Huỳnh giáp với sông Vàm Cỏ được gọi là Vàm Mương, và từ Vàm Mương được dùng để chỉ cho cả vùng nầy, ở chợ Cần Đước người ta hay nói “đi ra Vàm Mương”. Từ khi có con mương thuận lợi nên dân cư tụ về ở ngày đông hình thành nên xóm làng. Hai bên Vàm Mương là làng Phước Đông và làng Tân Chánh. Bên Phước Đông thì có Xóm Mương, còn bên Tân Chánh thì có Xóm Vàm, và dọc theo con mương nầy từ Vàm Mương cho đến chợ Cần Đước đã hình thành những làng nghề sinh sống gắn liền với sông nước như Xóm Trễ, Xóm Chài, Xóm Đáy…
Những năm 1960 ở Xóm Mương, xã Phước Đông còn có ngôi trường dạy học trò tới lớp ba có tên là Trường sơ học Đỗ Văn Huỳnh, và từ mái trường quê nầy cũng có học trò phấn đấu thành danh, nay thì trường không còn nhưng qua đó cho thấy chuyện Ông Huỳnh là có thật và người ta đã ghi nhận công lao mở đất của ông, nhớ tên ông và lưu danh qua một ngôi trường.
Từ Vàm Mương nhìn qua bên kia sông là đất Gò Công, là xứ của mẹ vua, ngoại vua, vợ vua Triểu Nguyễn từ Hoàng Thái Hậu Từ Dũ cho đến Hoàng Hậu Nam Phương. Sông Vàm Cỏ ra đến đoạn nầy rất rộng bao đời ngăn cách đôi bờ, cho đến khi người Pháp đến thì con phà mới xuất hiện đó là phà Mỹ Lợi nhưng dân thường gọi là phà hay bắc Cầu Nổi.
Một góc Xóm Mương – Ảnh Phương Thảo
Cầu Nỗi là tên gọi dân gian để chỉ một nhịp cầu sắt nối từ bờ xuống chiếc phao nổi để cho xe cộ lên xuống phà. Nhưng Cầu Nổi không dừng lại là tên gọi chiếc cầu nầy mà lại trở thành một địa danh để chỉ một thương hiệu phà, một cái xóm ở khu vực bến phà, và địa danh nầy trở nên phổ biến khi trở thành tên của tuyến xe đò Cầu Nổi – Cần Đước – Chợ Lớn ghi rỏ thật to trên thành xe. Và mãi đến đầu thế kỷ 21 bến phà Cầu Nổi bên bờ Vàm Mương mới chấm dứt vai trò lịch sử khi chiếc cầu Mỹ Lợi rất dài và hiện đại được chính thức khánh thành.
Từ Vàm Mương sông Vàm Cỏ chỉ chảy thêm một đoạn nữa thôi thì gặp sông Soài Rạp đang chảy ra gần tới biển tạo nên một Vàm Bao Ngược rất rộng và nhiều hiểm nguy đối với ghe xuồng qua lại do những đợt sóng ‘lưỡi búa” rất khó chịu cho những tay chạy buồm cừ khôi của xứ Cần Đước phải thở than:
Anh đi ghe gạo Gò Công
Về vàm Bao Ngược gió giông đứt buồm
Đến khi kinh Nước Mặn được đào năm 1879 thì nỗi ám ánh của Vàm Bao Ngược đối với dân thương hồ từ Sài Gòn đi Lục tỉnh mới giãm nhẹ đi, nhưng câu ca dao thì vẫn còn…
Th.S Nguyễn Văn Đông