NHÂM HÙNG
Nhâm Hùng sinh ra Phụng Hiệp, Hậu Giang nhưng ông có thời gian dài gắn bó với Cần Đước, ông là Nhà nghiên cứu văn hoá, Soạn giả, ông đã từng đạo diễn cho nhiều sự kiện văn hoá ở miền Tây như Đường hoa Xuân TP. Cần Thơ, Lễ hội bánh dân gian nam Bộ. Với góc nhìn Nhà biên khảo văn hoá, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm để đời như: Tìm hiểu đất và người Hậu Giang; Phong Điền địa linh nhân kiệt; Cần Thơ phố cũ nét xưa; Chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long…
Tuy làm việc ở Cần Thơ, Hậu Giang nhưng ông thường xuyên về thăm Cần Đước – quê hương thứ hai của ông – Để hiểu rõ hơn về Nhà nghiên cứu văn hoá Nhâm Hùng, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông trên trang Người cần Đước.
Người Cần Đước
Chuyện kể, vào một ngày xa xưa ấy…
Do hoạt động kháng Pháp, nhưng không chịu “đầu thú”, cha và anh tôi bị “ truy sát”, khiến gia đình tôi phải chạy chết, lên Sài Gòn tim chốn dung thân.
Ông Nhâm Hùng lúc còn trẻ trong khuôn viên chùa Đông Lâm – Cần Đước.
Như con thuyền trôi bất định hướng. May thay, bến đỗ đã hiện ra: Đất Cần Đước (CĐ) giang tay đón người xiêu lạc, đùm bọc, chở che gia đình tôi. Từ đó, tôi xem CĐ cũng giống như Cần Thơ ruột thịt, nơi chôn nhau cắt rún; quê hương thứ hai của mình. Suốt quảng đường dài (1957-1967), vùng đất này không chỉ cưu mang gia đình tôi qua cơn nguy biến, mà còn là cái nôi, nuôi tôi “ lớn nổi thành Người”!
Dấu ấn và kỷ niệm thấm sâu nhất, chính là xóm nhỏ “Ao Xoài- bến đỗ bình yên”, đầu tiên. Và như câu hát dân gian: “ Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng…”; Cơn gió ấy, đã đưa gia đình tôi về tạm ngụ trên miếng đất rẫy khoảng 15 m2, bên bờ rạch nhỏ, do cậu Bảy Võ cho. Tôi quen và yêu dần cây đước, cây mắm, cây su, cây me, đám lức…của vùng nước mặn; Giống như hồi ờ Cần Thơ từng gắn bó với bụi chuối sau hè, cây vú sửa, rặng dừa xanh bên dòng kinh…Lạ nhứt, tôi mới biết được, thế nào là con còng quìu, còng lửa, còng voi, con cá thòi lòi…!
Bà Ba Ao Xoài, ân nhân gia đình Ông Nhâm Hùng.
“Đất cũ đãi người mới”? Phải chăng nhờ vậy, dù tái lập nghiệp từ bàn tay trắng, mẹ tôi phải gánh bánh bán rong ngoài chợ, còn cha mở lều quán tạp hóa nhỏ. Nhờ gốc Huê kiều, quen cách kinh doanh; chỉ 1 năm sau, kinh tế gia đình tôi “nở ra”, đứng chân được ngoài quận lỵ CĐ, ngay mặt tiền “ Ngã ba bến xe đò”. Mới hòa bình ( 1957-1960), cuộc sống nơi đây cũng vừa hồi sinh. Tuy chưa bằng phía bên chợ, nhưng có vài ba tiệm tạp hóa, cà phê hủ tiếu. Cây xăng đầu tiên ra đời, bên cạnh bến xe đò nhộn nhịp khách đi Sài Gòn (SG), về CĐ; lại có tuyến du lịch SG – biển Tân Thành (Gò Công) ngang qua, khiến Ngã ba này trở nên sung túc.
Thăm lại miễu Bà Áo Xoài – Phước Đông
Xúc động nhất, khi nhớ về một thời “ Gian nan đi học”. Các chị tôi phải hy sinh, làm lụng vất vả cố lo cho hai đứa em đến trường. Dù đã qua nửa lớp tư ở Cần Thơ, tôi phải kèm, đưa em tôi ((Nhâm Kính), cùng học lại vỡ lòng, trong các lớp dạy tư ở nhà cô giáo Hường (Ao Xoài), Thầy giáo Quá (xóm Trễ); rồi lớp thầy Tư Lịch tại “góc” trường tiểu học nhà nước – Ngã Ba Kinh. Có lúc, lại học trường Tàu “Kiều Quang học hiệu”.
Cùng bạn bè quê hương Cần Đước
Sang thời niên thiếu, chân trời học vấn đã đưa anh em tôi bước lên nấc thang mới. Sau nhiều trỡ ngại, được vô trường nhà nước bậc tiểu học, rồi đậu vào trung học CĐ. Chính môi trường giáo dục tại đây, đã trở thành nền móng ban đầu và vững chắc, giúp chúng tôi định hướng tương lai, sớm vào đời, khởi nguồn niềm đam mê, đeo đẳng sự nghiệp “ôm đàn, cầm bút” đến sau này. Nhớ năm tháng ấy, thật ham học và ham chơi, với biết bao bằng hữu, bao kỷ niệm vui buồn, cùng: Lê Hồng Hoàn, Ngọc, Hai Tưởng, Gia Trinh, Bổn, Sen.v.v và các bạn lớp “Tứ A”, hàng năm trời gắn bó.
Cùng bạn bè thân hữu sinh hoạt đờn ca tài tử tại Thị trấn Cần Đước (2019)
Chúng tôi dần lớn lên, cũng là lúc cường độ chiến tranh càng ác liệt, cứ vài bửa phải đối diện cảnh bom đạn, máu đổ thây phới. Phố chợ đủ sắc lính tráng, xe nhà binh, giang thuyền chạy rầm rộ. Dù tình cờ, được viên quận trưởng CĐ “tha”, thoát nạn nhưng rồi việc làm ăn khó khăn, nên gia đình tôi giả từ quê hương CĐ, chuyển đến tỉnh Hậu Nghĩa; riêng anh em tôi được ở lại học cho xong trung học.
Ngày ngày tới trường trong không khí chiến tranh, nhưng có mấy đứa học trò biết sợ? Đôi lúc chúng tôi còn bàn bạc chuyện “họ” đánh nhau. Có lần, thích thú khi chứng kiến tận mắt chiếc thiết vận xa M113 chạy lên, làm sập cầu sắt chợ CĐ, phải lắp cầu phao cho người qua, lại. Kinh hoàng nhứt, là đêm quân giải phóng (GP) tấn công quận lỵ CĐ, vào cuối năm 1967. Chúng tôi mới thực sự đối diện, nếm mùi khói lửa chiến tranh!
Tác phẩm 100 năm ngã bảy là một trong những tác phẩm do Nhà nghiên cứu Nhâm Hùng biên soạn
Sau cái đêm hãi hùng ấy, chúng tôi như choàng tỉnh, vì sự chết chóc đến sát bên mình. Trong lớp đã có đứa giả từ áo học trò, đi vào chiến khu, có bạn khoát áo lính. Thế rồi, điều sắp đến đã đến: Sau biến cố Tết Mậu Thân, anh em tôi đột ngột bỏ học rời CĐ; Mở đầu chương mới, trong đời chúng tôi. Và như ai đó nói “ra đi cũng là để trở về”; Tôi lại quay về CĐ nhiều lần, vì sự bám rễ của tình yêu, lòng chung thủy với quê hương thứ hai, dù trong thời tao loạn, hay lúc hòa bính. Và trong lòng tôi: “Đất CĐ mãi đẹp, giàu lòng nhân hậu, Người CĐ luôn sống nghĩa tình”.
Hy vọng, trên trang NGƯỜI CẦN ĐƯỚC, tôi sẽ lần lượt ghi lại hồi ức về năm, tháng kỷ niệm không thể nào quên với CĐ xưa, kể cả góc nhìn CĐ hôm nay !
Nhâm Hùng