Được ví như “Cô gái đẹp”, Long An là địa phương giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Trong đó, huyện Cần Đước nổi lên là “trái ngọt” luôn giữ vững danh hiệu huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh, xứng đáng “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”- cũng là vùng đất được xem là động lực để Long An phát triển kinh tế, đặc biệt trong ngành du lịch.
Cần Đước là “trái ngọt”, thúc đẩy du lịch tỉnh nhà phát triển theo hướng đặc trưng – (Ảnh: Internet).
Cần Đước có lợi thế về giao thông trong phát triển kinh tế và phát triển du lịch, đó là Quốc lộ 50 từ thành phố Hồ Chí Minh đi Tiền Giang, hệ thống giao thông đường thủy với sông Vàm Cỏ, sông Rạch Cát, Kinh Nước Mặn. Bên cạnh đó, nơi đây còn là địa phương có nhiều giá trị đặc trưng phát triển ngành “công nghiệp không khói”, với nhiều ngành nghề truyền thống như: Nghề đóng ghe, Dệt chiếu, làm Bánh Phòng, Bánh in, chạm khắc gỗ…. cùng với nhiều sản phẩm nổi tiếng như Gạo Nàng Thơm Chợ Đào, Bánh Phòng Chợ Đào, bánh in Long Hựu nhiều người biết đến. Còn là nơi Nhạc sư – Nghệ nhân Nguyễn Quang Đại dừng chân truyền dạy nhạc, góp phần khai sáng dòng nhạc Lễ, nhạc Tài tử Nam Bộ, di sản văn hóa phi vật thể… Cùng 14 di tích lịch sử văn hóa trong đó 3 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là Di tích Nhà Trăm Cột, Chùa Phước Lâm và Ngã tư Rạch Kiến.
Nhà cổ trăm cột thuộc xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An – Ảnh Thanh Minh
Trước những lợi thế trên, Ủy ban Nhân dân huyện Cần Đước đã xây dựng Đề án phát triển du lịch năm 2022 và những năm tiếp theo. Bắt đầu từ việc huyện đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện, kêu gọi đầu tư, xây dựng các khu nghỉ dưỡng. Không những vậy, để khai thác tối đa tiềm năng sẵn có, huyện cũng chú trọng khai thác các tuyến dụ lịch tham quan tìm hiểu lịch sử văn hóa gắn với làng nghề truyền thống nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa
Người dân Cần Đước chân thật, hiền hòa và mến khách – Ảnh: Thanh Minh.
Đồng thời chú trọng vào công tác tăng cường tuyên truyền trong cán bộ đoàn viên hội viên và Nhân dân về tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển du lịch, từ đó xác định trách nhiệm phát triển ngành là của toàn dân. Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ; trên cơ sở đề cao việc nâng cấp, sửa chữa các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, đầu tư hạ tầng, hệ thống giao thông phục vụ phát triển du lịch.
Học sinh đi lại dễ dàng trên con đường nông thôn – Ảnh: Hội đồng hương Cần Đước
Được biết, trong giai đoạn 2020 – 2025, Cần Đước sẽ tiếp tục được đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông – Đây được xem là cơ hội lớn để huyện bứt phá vươn lên hơn nữa, đặc biệt trong ngành “du lịch không khói”./.
Trí Đức – Bảo Châu
Việt Nam Hội Nhập