HẠNH NGUYỄN
Mỗi năm mình được hai lần may áo mới: đầu năm học và Tết đến!
Tôi còn nhớ hình ảnh dì Tư Hường hay xách cái tụng gân (giỏ đan bằng sợi dây gân nylon) trong đó có tầm 15-20 khúc vải. Lâu lâu dì ghé nhà để bán vải, mỗi lần dì ghé nhà mình, bốn năm thím dì hàng xóm kéo lại coi và lựa vải. Bà con trong xóm hầu như mua vải hoặc từ dì Tư Hường vì dì “phục vụ” tận nơi mà còn không phải trả tiền ngay.
Thường thì dì Tư Hường bán chịu cho cả xóm, xong đến mùa lúa chín, mọi người bán mấy giạ lúa trả cho dì. Có lần ba đi ghe về có tiền má trả sớm cho dì Tư vì “mắc nợ kỳ lắm”!
Má mà “chốt đơn“ khúc vải cho mình xong là mình háo hức lắm! Thường thì má mua một khúc rồi may chung mấy chị em cho lợi vải! Mình nhớ nhất là bộ đồ nền trắng bông tím vải Tân gia ba (Singapore) và cái quần vải Xăng zốt – mua xong má gởi chị Hương may. Chị Hương là nông dân thứ thiệt vừa đi cấy vừa may đồ nên đâu phải đưa vải là có đồ ngay đâu?Mình phải mất cả tháng trời nôn nao, theo dõi! Nhà mình sát nhà chị Hương nên công đoạn nào mình cũng bám sát! Từ lúc chị lên khuôn rập, cắt vải rồi đi chợ vắt sổ, lâu lâu con suốt hết chỉ, chị phải quấn con suốt. Có khi máy may kẹt chỉ gãy kim đều được mình theo dõi vì mình thích nghề may, một mặt sợ chị không may áo mình mà may cho người khác! Cái áo may xong có khi tuần sau chị mới rảnh để ráp cổ áo, rồi vắt lai, rồi đắp cái túi nhỏ nhỏ có viền bèo…
Áo may xong hai tháng sau mới được mặc vì người thợ may chỉ nhận may vào thời điểm nông nhàn thường trước Tết vài tháng. Gần ba mươi Tết, mấy đứa trong xóm đua nhau khoe áo mới, cả tháng trời mình “canh me” may áo mà mãi đến nay mới được mặc, mình đi tới đi lui, qua nhà hàng xóm khoe áo mới, chỉ cần ai đó khen chiếc áo đẹp thì mặt vênh váo ngay và tự cho mình có chiếc áo đẹp nhất xóm.
Bây giờ cuộc sống khá lên, có khi về quê ăn cưới thấy mấy thím, cô, dì mặc áo dài xúng xính, mấy chị “đóng thùng “trang điểm bới tóc mặc đầm…mình vui lắm! Vui vì cùng với sự đổi mới của quê hương, bà con cũng ăn no mặc đẹp hơn, nhớ ngày xưa một bộ đồ chỉ để mặc đi đám cưới cả mấy năm trời!
Mình bây giờ là người kinh doanh, giao tiếp hàng ngày nên quẩn áo cũng “thay đổi cho phù hợp”. Thế nhưng mỗi lần Má ghé thăm, nhìn tủ quần áo mới bà không còn “để dành ngày Tết” nữa, mà bà thông cảm “tội nghiệp hồi nhỏ nó thiếu thốn, quần áo không được tươm tất nên giờ nó bù lại”!
Hạnh Nguyễn