ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG
Bước sang thế kỷ 20 là giai đoạn Phật giáo phát triển mạnh ở Cần Đước với 45 chùa cùng với sự xuất hiện của đạo Cao Đài và đạo Tin Lành vào những năm 20, 30 của thế kỷ. Đây là giai đoạn thực dân Pháp đã thôn tính xong đất nước Việt Nam và đi vào tăng cường khai thác thuộc địa, xã hội không còn loạn lạc chiến tranh, không còn những cuộc đấu tranh vũ trang chống Pháp.
Thánh thất Phước Tuy
Ngay thập niên đầu đã xuất hiện thêm 04 ngôi chùa Phật đều ở vùng Thượng như Thiên Phước (xã Long Trạch, 1900); Tam Bửu (xã Phước Vân, 1900); Phước Linh (xã Long Hòa, 1904); Phước Diệu (xã Mỹ Lệ, 1908).
Đến 15 năm sau, vào thập niên 20 mới tiếp tục xuất hiện 04 chùa ở Phước Đông và vùng Long Định, Long Cang như chùa Đông Lâm xã Phước Đông, 1923; chùa Long Phước xã Long Định, 1923; chùa Thọ Vức xã Phước Đông, 1926; chùa Linh Bửu xã Long Cang, 1927.
Đến thập niên 30 xuất hiện một loạt chùa ở Phước Vân như chùa Thiện Phước, 1930; chùa Vĩnh Phước 1932; chùa Tấn Bửu, 1937 và ba chùa ở vùng Hạ là chùa Hưng Long xã Tân Ân, 1935; chùa Phước Long xã Long Hựu, 1938; chùa Phật Sơn xã Tân Lân, 1940.
Như vậy ta thấy trong 40 năm đầu của thế kỷ 20 và trước Cách mạng Tháng 8/1945 đã xuất hiện thêm 14 chùa, nhiều hơn số lượng chùa đã có trong hai thế kỷ 18, 19; đặc biệt là có tới 04 chùa ở làng Phước Vân, chứng tỏ vào đầu thế kỷ 20 vùng nầy cũng đã rất phát triển.
Thánh thất Tân Ân
Cũng trong 40 năm nầy, Đạo Cao Đài xuất hiện ở Nam bộ năm 1926 thì cũng rất sớm ảnh hưởng mạnh ở Cần Đước. Trong vòng khoảng 15 năm từ 1926 đến 1940 với sự ra đời của 08 thánh thất cao đài, đặc biệt là ở vùng Hạ ở các xã Tân Chánh, Tân Ân, Phước Đông, Phước Tuy, Long Hựu.
Ngay khi đạo mới ra đời đã có ngay thánh thất Đông Nhì Tân Chánh (1926) và xuất hiện liên tục đến năm 1935 khi thành lập Hội thánh Ban chỉnh đạo đã lên đến 06 gồm thánh thất Phước Đông (1927); thánh thất Rạch Kiến (1929); thánh thất Tân Lân (1929); thánh thất Cầu Làng Mỹ Lệ (1932); thánh thất Long Hựu (1935).
Đạo Cao Đài xuất hiện sớm ở Cần Đước có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có ảnh hưởng của ông Nguyễn Ngọc Tương. Ông Nguyễn Ngọc Tương sinh năm 1881, quê ở Bến Tre, có bằng tú tài Pháp và tham gia làm công chức chính quyền Pháp với hàm tri huyện. Năm 1924 khi 43 tuổi ông được thăng hàm tri phủ và bổ đi làm quận trưởng Cần Giuộc. Trong thời gian nầy ông tìm hiểu và năm 1925 nhập môn đạo Cao Đài. Ông là một vị quan được tiếng là nhân từ thương dân và đạo đức thanh liêm nên rất có uy tín và được lòng dân. Thường có câu: “Ông phủ Ba hiền như Phật, Ông phủ Ba thật từ bi” để ca ngợi ông Tương thời làm quan huyện.
Ông tích cực truyền giảng giáo lý Cao Đài và năm 1926 được phong phẩm Phối Sư rồi Chánh Phối Sư tại chùa Vĩnh Nguyên quận Cần Giuộc. Có lẽ từ uy tín và những mối quan hệ có được khi làm quận trưởng Cần Giuộc và lại là chức sắc Cao Đài nên khi đạo ra đời năm 1926 đã được đông đảo nhân dân Cần Đước, Cần Giuộc mà trong đó nồng cốt là đội ngũ quan chức làng cùng với tầng lớp điền chủ giàu có đã nhanh chóng tiếp nhận đạo Cao Đài.
Năm 1930 ông Nguyễn Ngọc Tương khi đang còn là công chức, được phong quyền Thượng Đầu Sư và năm 1931 ông chính thức xin nghĩ hưu để toàn tâm làm việc đạo, được người Pháp đồng ý cho hưu trí và phong hàm Đốc phủ sứ. Sau khi về hưu ông về làm việc ở Tòa thánh Tây Ninh và được giao làm chấp chưởng có nhiệm vụ quan hệ với chính phủ và xin phép thành lập các thánh thất.
Do những bất đồng nghiêm trọng giữa các chức sắc cao cấp không giải quyết được, ông rời tòa thánh về ẩn tu ở núi Kỳ Vân (Đất Đỏ, Bà Rịa) và sau đó trở về Bến Tre thành lập Hội thánh Cao Đài Ban chỉnh đạo và được suy tôn làm Giáo tông của Hội thánh nầy chính thức vào đầu năm 1935. Có lẽ do ảnh hưởng sẵn có từ ông Tương nên tất cả 06 họ đạo Cao Đài đang có ở Cần Đước năm 1935 đều tùng theo về hội thánh Ban chỉnh đạo Bến Tre. Và tính đến năm 1940 thì có thêm hai thánh thất là thánh thất Phước Tuy (1938) và thánh thất Tân Ân (1940) cũng tiếp tục gia nhập hội thánh Bến Tre và như vậy đạo Cao Đài ở Cần Đước đã có tất cả 08 thánh thất.
Ngoài đạo Cao Đài xuất hiện ở Cần Đước thì giữa những năm 30 cũng đồng thời bắt đầu xuất hiện đạo Tin Lành với hai nhà thờ là hội thánh Tin Lành VN ở chợ Cần Đước (1936) và hội thánh Tin Lành VN ở ngả tư Xoài Đôi, xã Long Trạch (1937).
Nhà thờ Tin lành Cần Đước
Và trong thập niên nầy cũng xuất hiện thêm nhà thờ công giáo Long Kim ở Long Định (1934), nâng số nhà thờ công giáo lên 04 cơ sở và cũng từ đó cho đến mãi về sau nầy không có thêm một nhà thờ công giáo nào nữa ở Cần Đước.
Như vậy trong 40 năm đầu của thế kỷ 20 các cơ sở tôn giáo chính thống đã lần lượt có mặt ở Cần Đước là Phật giáo, Công giáo, Cao đài và Tin lành. Ngoài ra ở làng Long Hựu còn xuất hiện một đạo bản địa gọi là “đạo Tâm” hay còn gọi là “đạo nhảy” vào thập niên 20…
Từ năm 1940 đến 1945 đã không ghi nhận thêm sự xuất hiện của bất cứ một cơ sở tôn giáo nào ở Cần Đước. Chúng ta có thể giải thích cho thực tế nầy là do tình hình chung đã có dấu hiệu mất ổn định trở lại từ sự kiện thế giới đã bắt đầu đi vào cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945). Riêng ở Cần Đước thì phong trào cộng sản cũng đã có ảnh hưởng khá sâu rộng trong xã hội và đã nổi dậy với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, dù đã bị thất bại nhưng xã hội Cần Đước cũng đã không còn yên ổn như trước, từ đó tình hình cũng không thuận lợi để xây dựng chùa chiền, nhà thờ, thánh thất…
(còn tiếp)
Bài và ảnh ThS Nguyễn Văn Đông