Đón năm mới may mắn

0
823

THANH MINH

Tết sắp đến tôi nhận được quà từ những người bạn, từ đơn vị cũ. Đó là món quà quý sau một năm dịch giã. Những trái bưởi Tam Tân, trà Moringa, gạo nàng thơm Chợ Đào, lạp xưởng tươi Cần Đước…là những quà tặng “truyền thống” đến hẹn lại lên trong tình thân bè bạn, người thân quê hương Cần Đước.

Tôi không thể quên cám ơn những tờ báo xuân “Kinh biếu” từ Tuổi Trẻ – nơi tôi vào nghề làm báo 40 năm về trước, cám ơn báo Doanh Nhân Sài Gòn – nơi tôi gắn bó và có nhiều kỷ niệm – vẫn đều đặn gửi báo biếu định kỳ và báo xuân Xuân Nhâm Dần. Riêng Hội Nhà báo Thành phố tổ chức họp mặt cuối năm các thành viên trong Ban chấp hành các thời kỳ và tặng báo xuân nữa. Những tờ báo xuân năm nay vẫn đầy đặn như năm trước nhưng nguồn thu quảng cáo thì sụt giảm nhiều vì các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi sau cơn đại dịch.


Chỉ còn hơn một tuần nữa nhà nhà đón Tết, đường hoa Nguyễn Huệ đang trang trí để làm bật chủ đề Xuân quê hương, ấm tình nhân ái ghi dấu ấn về một giai đoạn lịch sử khó quên của TP HCM đang từng bước hồi sinh sau khi trải qua nhiều tháng là tâm dịch của cả nước.

Đến hôm nay các hoạt động đang dần trở lại bình thường, học sinh đến trường, các dịch vụ “nhạy cảm” cũng được hoạt động thì biến thể Omicron xuất hiện, Bí thư Thành uỷ phải ra lệnh “Thần tốc ngăn chặn lây lan biến chủng Omicron” để người dân hưởng được cái Tết an toàn, tiết kiệm! Thật ra, không cần chỉ đạo tiết kiệm thì người dân cũng phải “có gì ăn nấy” cho cái Tết hồi sinh nầy.

Với tôi người về hưu ăn Tết theo kiểu của mình, mê tranh Ký tự đá, mê chụp ảnh nên lấy con cọp gỗ của hoạ sĩ Lương Trường Thọ tặng 12 năm trước chọn góc chụp để làm thiệp xuân. Với ý đồ dùng hình ảnh chú cọp dử dằn để xua đuổi dịch bệnh để chào đón năm mới may mắn hơn.

Processed with MOLDIV

Thiệp chúc xuân thứ hai là bức ảnh tôi chộp được ba cây dù treo trên trần nhà ở của quán ăn người Hoa ở quận 5. Nhận được thiệp, Chị Phạm Thị Khuyên người bạn học đồng hương cho biết “Bức ảnh thật đẹp, màu sắc thật bắt mắt. Vòng tròn của bánh xe gợi mọi người liên tưởng đến bước đi của thời gian, những chiếc dù khiến ta nhớ lại hình ảnh của các cô nàng Geisha (kỷ nữ) của Nhật Bản thuở nào. Thời gian cứ dần trôi, hình ảnh của các Geisha chỉ tồn tại trong ký ức. Tất cả chỉ là ảo ảnh.”

Đúng vậy, cô nàng Geisha là con người của nghệ thuật, là nghệ sĩ vừa có tài ca múa nhạc lại vừa có khả năng trò chuyện, một nghệ thuật giải trí truyền thống của Nhật Bản, họ luôn làm hài lòng người khách bằng nghệ thuật, bằng trí tuệ nhưng không đánh mất bản thân mình.

Tác phẩm tranh Ký tự đá tôi thể hiện ba bông hoa cẩm thạch với máu sắc hài hoà với con số của năm 2022, Chị Hoàng Thị Diễm Trang  nhận xét: “Đây là bức tranh Đá duyên dáng và ý nghĩa. Đá cứng bao nhiêu nhưng nếu biết cách cũng làm cho nó trở thành những đoá hoa mền mại đáng yêu. Ba bông hoa gợi nhớ số  3 là biểu tượng của Thiên- Địa-Nhân; của Trí tuệ, Tài Lộc, và Sức khỏe; của sự hoà hợp giữa con người với thiên nhiên. Một năm mới 2022 vững vàng vượt qua những tác động để đi đến bình an, hạnh phúc như tác giả mong muốn.”

Mong ước Tết Nhâm Dần mở đầu cho một năm may mắn, tôi tiếp tục thực hiện bức tranh ký tự đá với những bông hoa may mắn. Hoa may mắn là loại cỏ bốn lá, là một biến dạng bất thường của cỏ ba lá thông thường. Người ta tin rằng cỏ bốn lá đem lại may mắn cho những ai tình cờ tìm thấy chúng. Ngoài ra, mỗi lá cũng có ý nghĩa của nó, lá đầu tiên đại diện cho niềm tin, lá thứ hai là sự hy vọng, lá thứ ba đại diện cho tình yêu và lá thứ tư là sự may mắn.

Với bức tranh có 12 hoa may mắn, biểu tượng cho chu kỳ 12 giờ trong ngày, 12 tháng trong năm may mắn.

Tết nầy ở nhà đọc báo uống trà xem tranh để nhớ nàng geisha, để nhớ những viên đá ngây ngô, khô ráp trở thành những đoá hoa mềm mại đáng yêu.

Năm mới may mắn, đó là mong ước của nhiều người trong đó có tôi.

Thanh Minh

21 tháng chạp năm Tân Sửu

Bài trướcĐợi gió
Bài tiếp theoChuyện anh Tư Rùa và chiếc bàn chẻ lác

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây