Kính tặng Thầy Hồ Ngọc Lịch.
LÊ HỒNG HOÀN
Hôm nay tôi đến thăm Thầy cũ, người Thầy đã dạy tôi học cách nay trên 60 năm. Thời gian như bóng câu qua cửa sổ mới đó mà…!
Thầy Lịch năm 23 tuổi.
Nhìn lại hai Thầy trò tóc bạc như nhau. Hỏi ra mới biết Thầy năm nay đã 87 tuổi, nhớ lúc Thầy về làm Trưởng giáo Trường sơ cấp xã Phước Đông, Thầy chỉ ngoài 20 tuổi. Tôi học trường sơ cấp đó từ năm lớp Năm. (Ngày xưa mới vô học vỡ lòng thì học lớp Năm và đếm ngược lại đến lớp nhất) tôi học khá giỏi nên được Thầy cô thương. Thầy nhắc lại chuyện cũ: năm tôi học lớp 3, Thầy dẫn tôi cùng với ba bạn khác đi thi, Thầy dẫn bốn đứa tôi ra nhà cô Hai chị của Thầy nhà ở chợ Cần Đước ngủ cho kịp chuyến xe sớm nhất vể tỉnh thi học sinh giỏi. Năm đó tất cả chúng tôi đều đậu giải nhất toàn tỉnh môn Văn và Toán.
Đi dạy Thầy đạp xe từ nhà đến trường khoảng 7km, ngoài tiết học Thầy thường dạy chúng tôi ca nhiều bài ca Cách mạng, tôi thích nhất bài Duyên Quê (Tình đồng chí), bài Nam Bộ Kháng Chiến và đặc biệt ấn tượng bài thơ “ Vịnh Đền Kiếp Bạc”:
“Bác anh hùng, tôi cũng anh hùng,
Tôi, bác cùng chung nghiệp kiếm cung.
Bác thắng quân Nguyên thanh kiếm bạc,
Tôi trừ giặc Pháp ngọn cờ hồng.
Bác đưa một nước qua nô lệ
Tôi dắt năm châu đến đại đồng.
Bác có linh thiêng cười một tiếng
Mừng tôi cách mạng sắp thành công.”
Tôi không nhớ bài thơ này Thầy, Cô nào giảng dạy, tôi xin cuối đầu tạ lỗi với thời gian.
Ngôi trường sơ cấp này là một trong những ngôi trường gắn bó với tuổi thơ của tôi nhiều nhất, ở nơi đó tôi có rất nhiều kỷ niệm. Cuối năm học lớp 3, mấy hôm không thấy Thầy đến trường, tôi hỏi cô Lệ – giáo viên của trường – cô bảo thầy bị bệnh. Rồi thời gian sau tôi nghe ba tôi nói với Cô Tám (em của ba) tôi rằng Thầy Hồ Ngọc Lịch đã thoát ly theo cách mạng.
Thầy Lịch hiện nay
Sau ngày giải phóng các Cô, các Bác, các Chú ở nhà tôi kêu Ba tôi khai báo để được chứng nhận gia đình có công với Cách mạng. Ba tôi cười nói: “Thôi hòa bình là mừng rồi, tất cả bà con mình ở đây ai cũng chở che giúp đỡ hết chứ đâu có riêng gì gia đình tôi”. Nếu lúc đó ba tôi khai báo chắc bây giờ lý lịch con cháu đã được “điểm hồng”!
Lúc bấy giờ tôi cứ thắc mắc tại sao Thầy không tiếp tục dạy học mà đi làm Cách mạng. Năm tôi học đệ lục tôi gặp lại Thầy ở nhà tôi. Thầy đi công tác ghé thăm Ba tôi. Thầy biết tôi là con của Ba tôi Thầy mừng lắm, Thầy bảo tôi ráng học, rồi từ biệt. Tôi nhìn theo bóng Thầy khuất nhanh sau mấy rặng trâm bầu.
Rồi lệnh tổng động viên, tôi từ giả trường Trung học Cần Đước về thành phố, giữa biển người xa lạ và phải tự đấu tranh để được sinh tồn. Hòa bình tôi trở về quê gặp lại Thầy rất mừng.
Hai Thầy – trò tóc bạc như nhau
Năm 1986 tôi cùng người bạn hùn đóng tàu đánh cá. Thầy đến gặp tôi và bảo tàu em chưa ra khơi em cho Huyện mượn để cùng Quận 8 đi khảo sát nuôi trồng thủy sản ở Duyên Hải. Lúc bấy giờ Thầy là Bí thư Huyện Ủy, Chú Bảy Tâm là Chủ Tịch UB Huyện cùng Trưởng, Phó các Phòng Ban của huyện. Bên Quận 8 có Chú Tám Lục Bí thư Quận, Anh Sáu Lê Chủ tịch và các Doanh nghiệp đi cùng. Tàu rộng nên có mấy Chị nuôi theo lo ăn uống cho Đoàn.
Tàu xuất phát từ sông Cần Đước ra cầu Nổi về hướng Vàm Láng, quay về đồn Rạch Cát đi theo song Soài Rạp đến Duyên Hải tham quan và dùng cơm trưa. Từ giã Duyên Hải tàu trực chỉ về Nhà Bè, đến cầu Bình Khánh trạm biên phòng đón xét bởi vì trên tàu có phụ nữ và trẻ em, có vợ và thằng con út của tôi, cùng đi bên Quận 8 có thím Tám Lục và Tùng cậu con trai. Khi xem giấy mấy anh Công an nói Chủ tịch sao mà đi tàu cá! Chú Bảy Tâm bảo xe heo cũng đi chứ nói gì tàu cá. Qua trạm thì tôi cho tài công lái tàu về Cần Đước, Đoàn thì UBND Quận 8 cho xe xuống đón.
Về đến Quận 8 quá khuya trễ giờ nhà hàng đóng cửa Đoàn về nhà khách Quận 8 ăn bánh mì vịt quay, ăn xong xe chở về Cần Đước 2h30 sáng kết thúc chuyến đi nhiều kỷ niệm.
Hàng năm vào ngày mùng ba tết tôi đều đến thăm Thầy, vẫn giọng nói trầm ấm và nụ cười đôn hậu Thầy ôn lại những chuyện xưa. Thầy hát cho tôi nghe bài “Duyên Quê” (Tình đồng chí) nhìn Thầy say xưa hát thì tôi có lời giải đáp cho câu hỏi năm nào!
Hôm nay tôi viết những dòng tâm sự này như lời tri ân gởi đến các Thầy Cô người đã dạy cho tôi nét chữ đầu đời.
Cần Đước đầu xuân 2022.
Lê Hồng Hoàn