Lý Ban – Hồng Thuỷ thứ hai – là người Cần Đước

0
62

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Lý Ban (1912 – 1981) Nhà hoạt động cách mạng, chiến sĩ quốc tế xuất sắc trong công cuộc kháng chiến kiến quốc.

Lý Ban tên thật là Bùi Công Quan, sinh ngày 10/6/1912 ở làng Long Hoà, quận Cần Đước, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Long Hoà, huyện Cần Đước, tỉnh Long An). Năm 15 tuổi ông được thầy giáo Phạm Văn Đồng giới thiệu vào Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên, tham gia rất tích cực phong trào học sinh trong cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Năm 1929 ông gia nhập An Nam Cộng sản Đảng và năm 1930 là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Năm 1931 ông hai lần bị mật thám pháp bắt nhưng không đủ chứng cứ nên chúng thả về quản thúc tại quê nhà. Năm 1932 ông lên Sài Gòn bắt liên lạc với tổ chức nhưng không thành. Sau đó để tránh bị truy nã ông xuống tàu vượt biển sang Hồng Kông.
Ở Quảng Đông ông tham gia cách mạng Trung Quốc. Năm 1934 ông được vào học trường Đảng tại khu căn cứ Xô viết trung ương Thụy Kim (Giang Tây). Tại đây ông được các cán bộ cao cấp Đảng cộng sản Trung Quốc như Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh quan tâm giúp đỡ và kết thân với Vũ Nguyên Bác (sau nầy là tưởng Nguyễn Sơn, người Hà Nội) đang chỉ huy Hồng quân ở đây.
Cuối năm 1934 quân đội Tưởng Giới Thạch huy động một triệu quân bao vây căn cứ Thụy Kim. Hổng quân phải phá vây và làm cuộc “Vạn lý trường chinh” lên vùng Tây Bắc Trung Quốc lập khu căn cứ mới. Lý Ban và Nguyễn Sơn là hai chiến sĩ cách mạng việt nam có mặt trong cuộc trường chinh này.
Trên đường hành quân Lý Ban bị bệnh nặng phải nằm lại nhà dân và  khi qua cơn nguy kịch ông đã dũng cảm vượt hàng nghìn cây số tìm đường về Quảng Đông. Trong cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc, Lý Ban trở thành Uỷ viên Liên tỉnh ủy Quảng Đông – Giang Tây – Phúc Kiến, có nhiều đóng góp trong xây dựng lực lượng vũ trang và du kích chống Nhật.
Đầu năm 1946 Lý Ban trở về Việt Nam, được bố trí công tác tại cơ quan Trung ương Đảng ở Hà Nội. Năm 1947 ông là Giám đốc Hoa kiều vụ của chính phủ, rồi Cục phó Cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam. Đầu năm 1949 cách mạng Trung Quốc phát triển mạnh gần đến toàn thắng, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch quyết định cử Lý Ban và Nguyễn Đức Thụy vượt hàng nghìn cây số sang gặp Chu Ân Lai và Đảng CS Trung Quốc để tăng cường sự hợp tác. Hai người đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (sự kiện này được ghi trong sách Quan hệ VN – TQ những sự kiện 1945-1960, NXB KHXH 2003).
Những năm cuối cuộc kháng chiến chống pháp, Lý Ban được Trung ương Đảng cử phụ trách việc tiếp nhận sự giúp đỡ của Trung Quốc, sau đó về Bộ công thương cũng cố Ngân hàng quốc gia, xây dựng ngành Hải quan Việt Nam.
Năm 1958 ông được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ ngoại thương và Bí thư Đảng đoàn Bộ này. Năm 1960 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, ông được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng.
Là một cán bộ cách mạng từng trải am hiểu nhiều về Trung Quốc, Lý Ban luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và đóng góp hiệu quả vào quan hệ hữu nghị hợp tác của nhân dân hai nước, nhất là tranh thủ sự giúp đỡ của cách mạng Trung Quốc cho cách mạng Việt Nam suốt từ các năm 1960 -1975.
Sau ngày đất nước thống nhất với vị trí lãnh đạo cấp Bộ, ông tiếp tục chăm lo xây dựng ngành ngoại thương Thành phố HCM và các tỉnh phía Nam, tạo việc làm cho hàng vạn lao động và tạo hàng xuất khẩu thu ngoại tệ về cho đất nước.
Lý Ban trở về quê hương sau 43 năm xa cách. Ông đột ngột từ trần ngày 30/9/1981 tại TP.HCM.

ThS Nguyễn Văn Đông

Bài trướcThêm 2 Tiến sĩ là người Cần Đước
Bài tiếp theoThêm Tiến sĩ dân Mỹ Lệ Cần Đước

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây