Năm anh em trên chiếc ghe …Cần Đước!

0
573

THANH MINH

Đó là Bùi Thanh Lang (xóm Trầu), Nguyễn Thành Bá (Bến xe cũ), Đoàn văn Ánh (xóm Nhà Thờ), Nguyễn văn Toàn (xóm Cầu Cống) và Nguyễn Thanh Minh (xóm Mương). Năm thằng cùng học đệ tứ Trường Trung học Cần Đước năm 1968 – thường gọi là nhóm 468 Cần Đước – chúng tôi cùng chung trường, chung lớp nhưng khi rời trường mỗi đứa theo con đường khác nhau.

Vất vả nhất phải nói đến Bùi Thanh Lang, sau 1975 phải đi học tập cải tạo vì lỡ theo con đường binh nghiệp – sĩ quan trường chính tranh chính trị Đà Lạt – mặc dù chưa có ngày nào ở đơn vị quân đội vì ra trường vào tháng 4/1975! Với tính tình hiền lành, thân thiện anh cũng chọn cho mình nghề điện lạnh cho đến ngày nghỉ hưu. Hiện nay với căn nhà nhỏ ở đường Dương Bá Trạc quận 8, có 5 phòng cho thuê, đủ nuôi sống hai vợ chồng lúc về chiều. Anh hay quan tâm đến người khác, anh Trần Quý Tỵ người bạn cùng lớp bệnh y, anh thường xuyên tới lui chăm sóc động viên cho đến khi qua đời. Với niềm vui trồng hoa lan, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình để có hoa đẹp, kéo dài thời gian nở hoa.
Cuộc sống của anh khá bình dị, ăn uống đạm bạc, anh ăn chay trường như biện pháp dưỡng sinh. Tuy vậy, khi bạn bè gọi thì có mặt ngay để cùng…nhậu chay!

Đi theo con đường kinh doanh phải nói đến Nguyễn Thành Bá và Đoàn Văn Ánh, hiện nay hai anh là doanh nhân thành đạt. Bá theo ngành kinh doanh vãi sợi ở chợ Soái Kình Lâm còn Ánh theo ngành dược phẩm. Với Bá có phần thuận lợi trong kinh doanh vì anh xuất thân trong gia đình làm nghề buôn bán có tiếng tăm ở Cần Đước. Cái gen ấy được bộc lộ rõ nét từ khi anh bước ra thương trường ngay từ ngày kinh tế mở cửa. Anh vừa kinh doanh vừa đầu tư cho sản xuất nên nguồn hàng ổn định, mua bán uy tín nên cơ nghiệp Công ty Thành Bá ngày càng phát triển, kéo theo người thân, họ hàng cùng theo lãnh vực kinh doanh vãi sợi.

Hoa Lan của anh Bùi Thanh Lang

Với Đoàn Văn Ánh, nhiều năm làm ngành y ở quê vợ Vĩnh Long nên khi tham gia vào ngành dược không làm khó anh được. Bên cạnh đó các con của anh nhanh chóng tiếp sức với người cha của mình và đến nay trở thành công ty bao bì dược có uy tín trên thương trường. Nhà máy in ấn bao bì cho ngành dược phẩm và thực phẩm ở Bình Dương tiếp tục mở rộng, Công ty Kiến Việt hoạt động trong ngành bao bì dược có văn phòng tại TP. HCM và Singapore.

Cuộc sống khá nhẹ nhàng trong nhóm bạn thân là anh Nguyễn Văn Toàn. Từ khi rời Cần Đước vào năm 1971, anh theo học Trường Nông Lâm Súc Bình Dương, rồi theo học Đại học Nông Lâm để trở thành bác sĩ thú y. Nhiều người biết đến anh khi anh làm Phó trạm trưởng Trạm thú y thành phố phụ trách mảng chống dịch nên thường xuyên “lên ti vi” để thông tin về dịch bệnh.
Với anh có nhiều thành tích “quậy” thời đi học, có lần anh và Thanh Lang lái xe gắn máy rơi từ trên cầu Thạnh Lộc xuống bờ sông mà …không chết!
Anh nổi tiếng “chơi hết mình” nhưng khi có gia đình thì theo cuộc sống “công chức” không đua chen. Ngoài công việc ở Chi cục Thú Y anh mở thêm phòng mạch thú y để chăm sóc thú cưng trên đường Nguyễn văn Lạc, Bình Thạnh.
Đến nay sau khi nghỉ hưu, phòng mạch tiếp tục hoạt động với những khách hàng thân thuộc hàng chục năm qua.

Năm anh em chúng tôi đều sinh ra ở Cần Đước, cùng học Cần Đước, chúng tôi có nhiều kỷ niệm với nhau. Tôi và Bá, hai đứa cùng học chung lớp đệ tứ A, Bá có người anh sinh đôi cùng học trường Cần Đước nhưng khác lớp, nhiều người cứ lầm người nầy với người khác nhưng với tôi thì không lẩn được vì chúng tôi thân nhau đến mức hai đứa “xài chung tiền” mỗi khi đến quán Bà Bắc để giải khát vào giờ ra chơi.

Với Toàn, Lang và Bá, tôi cùng họ thi đậu vào Trường Nông Lâm Súc Bình Dương nhưng tôi “bị bắt lại” nên không có cơ hội làm bác sĩ thú y hay sĩ quan Đà Lạt… như tụi nó!
Với Đoàn Văn Ánh, từ khi anh “tiến về Sài Gòn” từ Vĩnh Long, anh ấy ở cùng phường với tôi, cùng chơi tennis, cùng họp mặt đồng hương, anh cũng tham gia nhiều hoạt động xã hội từ thiện. Anh hưởng ứng nhiệt tình với hoạt động của nhóm 468 Cần Đước.
Với tôi, ngoài công việc làm báo, thêm hoạt động hội đoàn, hoạt động xã hội từ thiện nên vừa cán đáng việc quản lý tờ báo Doanh Nhân Sài Gòn, đảm nhận thêm Chủ tịch CLB DNSG rồi chủ tịch Quỹ hỗ trợ Tài năng Lương Văn Can cho đến lúc nghỉ hưu. Hiện nay tôi cùng anh Nguyễn Văn Đông xây dựng website Người Cần Đước để kết nối những người Cần Đước cùng nhau hướng về quê hương của mình.

Hôm nay, cuộc hẹn cafe được lên lịch sau hai năm dịch bệnh. Gặp lại nhau đứa nào cũng già vì cùng lứa “thất thập cổ lại hy” hết rồi nhưng cách gọi “mầy tao” không sửa được vì nó ăn vào máu thịt của từng thằng đã từng gắn nó với nhau 60 năm về trước. Chúng tôi đã từng học, từng chơi, từng chia sẻ niềm vui nổi buồn, cùng hướng về quê hương Cần Đước.
Nói đến năm anh em người ta thường nhớ đến bài hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” còn chúng tôi năm anh em đồng hương Cần Đước, nơi có ghe “mũi đỏ xanh lườn” nên chúng tôi tự gọi cho mình “Năm anh em trên chiếc ghe… Cần Đước”.

Thanh Minh

Bài trướcNhớ Thầy xưa – Phượng Ngân
Bài tiếp theoCâu chuyện: Đầu cá chấm mới thấm nước mắm!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây