Nghề hạ bạc (tiếp theo)

0
367

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

(Trích hồi ký Chuyện ngày xưa)
Nhìn chung dân Xóm Đáy vừa làm ruộng vừa đóng đáy nên cuộc sống cũng tương đối ổn định. Nghề đáy tuy cực mà vui. Cực là phải “chèo chống mỏi mê”.
Bìm bịp kêu nước lớn ai ơi
Mua bán không lời, chèo chống mỏi mê!

Từ xóm chèo ghe vào đáy cũng khá xa. Ghe có chèo lái và chèo mũi. Con chèo đàng trước, cha chèo đàng sau. Những lúc gần Tết gặp con gió chướng từ biển thổi vào, có những khúc sông ngược gió, chèo mãi đến oải cả tay mà ghe vẫn dựng đứng không chịu đi. Sau này khoảng năm 1970 có máy đuôi tôm nhập cảng của Nhật, mới chấm dứt cảnh chèo chống vất vả. Nhưng cũng nhờ chèo ghe, giặt đáy và ăn tôm cá mà thanh niên xóm đáy thường rất to khỏe.
Nghề đáy còn có cái cực nữa là ban đêm ngủ không giờ giấc, vì phải thức canh theo con nước. Mỗi ngày thủy triều ròng lớn hai lần, có con nước ngày và con nước đêm. Nước đêm thì mỗi ngày ròng trễ nhau khoảng một tiếng đồng hồ, nên mình cũng phải thức theo để cày đáy (bỏ đáy xuống sông) cho kịp. Cày đáy xong rồi phải thức canh đổ đụt lựa tôm. Nước vừa cạn thì lo tháo đáy, giặt đáy…hết chừng đó mới xong công việc. Có hôm gặp mưa gió cũng phải dầm mưa làm chứ không dừng được. Giặt đáy cũng là khâu nặng nhọc, nhất là lúc còn làm đáy sợi chỉ. Đáy chỉ bám trịnh (rêu lẫn với bùn) rất chặc nên giặt hoài không sạch. Sau này có đáy sợi ni lông nhập từ Đài Loan thì khỏe hơn nhiều. Đáy ni lông sợi trơn nên ít bám trịnh.

Đáy chỉ giặt xong phải kéo lên rượng đáy phơi cho khô, vì để ẩm ướt dễ bị mục. Lâu lâu còn phải nấu sắn để sắn đáy. Còn đáy ni lông thì ngược lại, giặt xong thì phải lấy bao trùm lại cho ẩm vì để khô sợi nó bị dòn. Đáy ni lông cũng không cần sắn.
Sắn đáy cũng là khâu cực nhọc. Sắn là một loại vỏ cây lấy từ rừng. Do có nhu cầu sắn đáy nên người ta khai thác mang về bán. Thường có hai loại vỏ sắn và có giá khác nhau. Loại sắn kim có màu đỏ và giá mắc hơn. Sắn mua về dùng búa đập cho vụn ra hoặc bỏ vào cối rồi dùng chày giã cho nhuyễn. Loại sắn trắng rẻ hơn nhưng dai như da trâu nên làm cho nhuyễn rất vất vả. Vì vậy khi túng lắm mới phải xài loại sắn nầy.
Sắn giã nhuyễn xong bỏ vào lu ngâm cả tháng. Khi con nước kém đáy tạm nghỉ người ta mới sắn đáy. Nước sắn ngâm được lấy từ lu ra đổ vào một cái trã to bằng gốm chuyên được dùng để nấu sắn và đun sôi lên. Sau đó đáy đã được phơi thật khô đem nhúng vào trã sắn và kéo lên rượng phơi khô lại. Nếu có tiền thì mỗi con nước đáy phải được sắn một lần vì làm như thế sợi chỉ sẽ bền được lâu. Từ khi có máy đuôi tôm và đáy sợi ni lông thì nghề đóng đáy bớt vất vả rất nhiều.
Thời chiến tranh đi đóng đáy gặp nhiều nguy hiểm vì vùng đóng đáy là “vùng pháo kích tự do”. Pháo được bắn từ các căn cứ pháo binh ở Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ và đồn Rạch Cát (Rạch Cốc). Có pháo 105 ly và 155 ly. Nhưng nguy hiểm nhất là nó bắn vu vơ không theo giờ giấc nào cả. Người ta nói là nó bắn theo kiểu giật mình, có nghĩa là lính ngủ giật mình dậy lúc nào thì bắn lúc đó. Đạn pháo thì có nhiều loại mà loại nào cũng cực kì nguy hiểm. Có loại chạm đất mới nổ. Có loại nổ từ trên trời tung miểng chụp xuống. Có loại khi chạm đất rồi vẫn chưa nổ mà còn trườn tới một đoạn mới nổ, loại nầy dùng để phá công sự. Có lần đầu đạn pháo rớt ngay mé sông, nó trườn ra sông long như trâu lội nước một đoạn rồi mới nổ.


Hoàn cảnh hiểm nguy như vậy nhưng vì mưu sinh nên cũng phải đóng đáy chứ không nghỉ được. Để đối phó với pháo bắn thì các ghe đáy cũng có cách của mình. Tức là khi ghe vào đáy thì đậu ngoài xa, đợi khi nước gần ròng thì mới nổ máy chạy vào đáy. Mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng, cày đáy thật nhanh và lại chạy ghe ngay ra ngoài. Khi tháo đáy thì cũng chạy vào và làm nhanh như vậy. Tinh thần lúc nào cũng khẩn trương và căng thẳng. Đóng đáy kiểu nầy thì không đổ đụt lựa tôm được nên tôm cá chết hết, bán không có giá.
Vợ chồng chú Ba ở xóm Thầy Cai, xã Tân Lân làm nghề đi đăng. Một buổi tối đang ở nhà chờ nước cạn, chú ngồi hút thuốc, còn thiếm nằm trên võng cho con bú. Bỗng một trái pháo rớt ngay nhà. Chú thiếm đều trúng miễng pháo chết ngay. Thằng con trai mới mấy tháng tuổi vẫn vô tư ghì vú mẹ. Sau nầy lớn lên tính tình nó tưng tửng, người ta nói tại nó bú sữa của người chết!.
Ngoài nạn pháo bắn, đi đóng đáy còn sợ một cái nạn nữa là trực thăng Mỹ ban đêm soi đèn bắn phá. Loại nầy rất tinh quái, khi bay thì tắt đèn nên rất khó phát hiện, đến chừng nghe được tiếng động cơ thì nó đã ở trên đầu rồi!.Trực thăng pha đèn cực mạnh đến con chuột chạy dưới đất nó cũng thấy. Lỡ gặp nó rồi thì ghe phải nằm yên không được động đậy. Ngồi trong mui ghe nhìn lên thấy thằng Mỹ to kềnh ngồi lăm lăm cây súng đại liên sẵn sàng nhả đạn và may rủi thì nhờ trời. Nó quần quần một hồi nếu không thấy gì khả nghi thì có thể bỏ đi. Còn nếu có động tịnh gì thì nó bắn không thương tiếc.
Chú Hai Chạy ở Xóm Đáy, mồ côi cha mẹ hồi nhỏ, có hai anh em ruột được cậu nuôi lớn và cưới vợ. Chú Ba Theo có vợ về ở bên xóm Bà Chủ. Chú Hai Chạy thì có một cái nhà lá nhỏ ven sông ở cuối Xóm Đáy. Hồi nhỏ tôi hay sang nhà chú chơi và nghêu ngao mấy bài vọng cổ. Thời đó người ta có in bán mấy bài vọng cổ khổ nho nhỏ như Mồ Em Phượng, Trái Gùi Bến Cát, Gánh Nước Đêm Trăng…chú Hai hay mua để trên bộ ván. Chú Hai cũng có một miệng đáy nhỏ đóng trong rạch Lóc. Chú thường đi đóng đáy một mình vì con còn quá nhỏ mà lại toàn là con gái. Chú rất khỏe, hai bắp tay cuồn cuộn. Chú chèo một mình mà tụi tôi hai ba đứa chèo theo muốn đứt hơi cũng không kịp.
Một đêm khoảng 10 giờ, chú tháo đáy sớm và đang chèo ghe về xóm theo hướng chợ thì gặp trực thăng đến soi. Vì đang chèo lỡ bộ nên chú đành chèo luôn. Khi chèo ngang các miệng đáy khác chú còn cười cười, chắc là cho bớt sợ!. Chiếc trực thăng Mỹ rọi đèn theo chú một đoạn dài. Đến ngang miệng đáy đang đóng của chú Hai Hòa thì nó không theo nữa mà bắn chú vỡ sọ chết. Chú rớt xuống sông và bị nước cuốn chun vào miệng đáy đang còn đóng của chú Hai Hòa. Vậy mà chiếc trực thăng còn bay theo bắn nát chiếc ghe của chú, vì chắc nó nghỉ trong mui ghe còn có người nữa nên bắn tiêu diệt luôn. Sau khi chiếc trực thăng bỏ đi, bà con mới tháo đáy lên cắt lưới đem xác chú ra chở về xóm Đáy lo chôn cất. Chú là lao động chính nuôi vợ con, giờ chết đi để lại bà vợ và một đàn con nheo nhóc. Tài sản vỏn vẹn chỉ có mái nhà lá và chiếc ghe đáy nhỏ mà giờ cũng không còn!. Sau khi chôn cất chồng xong, vì hoàn cảnh quá đơn chiếc nên thiếm Hai cũng bỏ Xóm Đáy dắt đàn con nhỏ về nương nhờ quê ngoại trong xã Phước Đông!.

Nguyễn Văn Đôg

Bài trướcNghề hạ bạc
Bài tiếp theoNghề hạ bạc (hết)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây