Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Hải: Cái “hồn”, cái “tình” trong tác phẩm

0
751

PHẠM NGÂN

Nguyễn Thanh Hải – nhạc sĩ trẻ nhưng để lại nhiều dấu ấn với những ca khúc sâu lắng, ngọt ngào mà vô cùng ý nghĩa. Không “chạy” theo thị trường, không sáng tác vì số lượng, các tác phẩm của anh luôn chân phương, mộc mạc nhưng lại sâu sắc như chính tâm hồn người nghệ sĩ.

Cơ duyên với “nghiệp” sáng tác
Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Hải hiện là Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc – Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, Chi hội phó Chi hội nghệ sĩ Việt Nam tỉnh Long An. Là người con của quê hương Cần Đước – cái nôi đờn ca tài tử nên cũng chẳng có gì lạ khi cả gia đình anh đều yêu nghệ thuật, thích đờn ca,…

Yêu thích ca hát từ khi còn học phổ thông, cũng từ đó, anh mày mò học đàn guitar, tuy không chuyên nghiệp nhưng đệm một bản nhạc, cất một tiếng ca cũng là cách để anh nuôi dưỡng ước mơ theo con đường nghệ thuật.
Sau khi tốt nghiệp, anh quyết định thi vào Trường Cao đẳng Văn hóa TP.HCM (nay là Trường Đại học Văn hóa TP.HCM) ngành Văn hóa quần chúng, chuyên ngành Âm nhạc. Thời điểm ấy, chính ba anh là người động viên cậu con trai út tự tin trên con đường mình chọn.
Tiếp xúc với nghệ sĩ Nguyễn Thanh Hải, cảm nhận đầu tiên có lẽ là sự khiêm tốn, điềm đạm và có phần kiệm lời nhưng cũng rất hòa đồng, gần gũi.
Anh chia sẻ: “Khi mới ra trường, cầm tấm bằng trong tay nhưng lúc ấy công việc bấp bênh, có thời gian, tôi làm cộng tác viên cho Trung tâm Văn hóa tỉnh, rồi về Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An làm nhạc công. Từng nếm trải cuộc sống rày đây, mai đó cùng anh em nghệ sĩ nên tôi hiểu được những vất vả, đắng cay mà kiếp “con tằm” phải nặng mang tơ, cất tiếng hát cho đời”.
Dù hiện tại, công việc ổn định nhưng mỗi khi nhớ về giai đoạn “khởi đầu nan” ấy, anh vẫn thầm cảm ơn vì đôi khi đây chính là chất liệu để anh chiêm nghiệm, trải lòng vào giai điệu, lời ca có “hồn” hơn.
Đầu năm 2002, anh công tác tại Công an tỉnh, phụ trách lĩnh vực văn hóa – văn nghệ, tham gia đội văn nghệ xung kích phục vụ cán bộ, chiến sĩ và người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Trong một lần, Bộ Công an tổ chức trại sáng tác tại Đồng Tháp, anh tham dự trại và ca khúc đầu tay về người chiến sĩ Công an nhân dân ra đời với tựa đề Khúc hát tự hào. Bài hát này được nhiều đồng nghiệp đón nhận vì được cách tân hợp lý, tạo sự nhẹ nhàng, tình cảm cho một tác phẩm thuộc thể loại chính ca.
Tác phẩm này cùng Xóm cũ đón anh về giúp anh đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi trong và ngoài tỉnh. Đây chính là động lực để anh tự tin trong lĩnh vực mới – sáng tác.

Những tác phẩm đậm chất thơ
Theo anh, khi sáng tác một ca khúc, người nghệ sĩ cần có sự lãng mạn cùng năng khiếu về văn chương để sử dụng từ ngữ trau chuốt, đúng chỗ, đúng nơi. Vì thời lượng mỗi bài hát quá ngắn nhưng phải truyền tải được hết ý nghĩa cho người nghe. Có khi mỗi bài là một câu chuyện, có nhân vật, do đó, cái “cớ”, cái “tứ” để nảy sinh một tác phẩm cũng là một trong những điều quan trọng để tạo dấu ấn trong lòng khán, thính giả.
Chẳng hạn, với Xóm cũ đón anh về – cảm tác từ hồi ký để lại cho con của liệt sĩ Nguyễn Thành Dũng – Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM được anh viết bằng cả tấm lòng, niềm kính phục về sự hy sinh của người chiến sĩ, người đồng chí cùng chung màu áo vì nhân dân quên mình.
Hay với Hương tình miền hạ, anh lấy ý tưởng từ chuyện tình nàng Thơm – chàng Lúa để giới thiệu về quê hương Cần Đước. Ca khúc này được đông đảo khán giả đón nhận, được bạn bè hỗ trợ, anh mạnh dạn thực hiện MV (music video) với những địa danh của Cần Đước: Đình Vạn Phước cùng đồng lúa nàng Thơm Chợ Đào (Mỹ Lệ), làng nghề dệt chiếu Long Cang, ghe mũi đỏ (Tân Chánh), di tích Nhà trăm cột (Long Hựu Đông) và Xóm Trễ (Phước Đông).
Vừa là nghệ sĩ, ca sĩ, đồng thời là một chiến sĩ, Nguyễn Thanh Hải sáng tác rất nhiều thể loại, từ nhạc tuyên truyền cho đến các ca khúc mang tính tự sự, tình ca hay các đề tài ca ngợi quê hương, đất nước.
Cái hay, khác biệt của anh chính là dù với ca khúc tuyên truyền thì vẫn không khô cứng, rập khuôn, ca từ không hô hào, sáo rỗng mà chuyển tải được nội dung về đơn vị, nghề nghiệp cần thể hiện.
Ca sĩ Phan Mạnh Tuấn – hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật  tỉnh cho biết: “Tôi trình bày rất nhiều ca khúc của nghệ sĩ Nguyễn Thanh Hải nhưng các tác phẩm của anh không có bài nào lặp lại giai điệu, ca từ. Mỗi bài hát là một “món ăn” mới, không có sự qua loa, sơ sài mà luôn được chăm chút rất kỹ”.


Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Hải (áo đen) tại buổi ra mắt MV Hương tình miền hạ (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Không cầu kỳ, hoa mỹ, các tác phẩm dù là về người chiến sĩ Công an nhân dân hay nhạc tuyên truyền cũng chẳng “máy móc” mà từng câu, từng chữ đều chứa đựng cái “hồn”, cái “tình” trong đó. Ai từng nghe qua những bài ca về quê hương của anh sẽ ấn tượng với cách dùng từ rất “thơ”, rất mượt, có khi gần gũi như lời ru của mẹ, như một câu ca dao hay hơi hướng một bài dân ca quen thuộc, chẳng hạn: “Hữu duyên lúa thơm tương ngộ đất lành/Trời xanh không phụ lòng người thủy chung” (Hương tình miền hạ), hoặc “Con đò chìm nổi lắt lay/Lời ru con gái xa vời vợi xa” (Như cánh lục bình). Hay ca khúc về thành phố mới, chất chứa cái hiện đại nhưng vẫn “thấm” một chút tình cảm dịu dàng: “Tân An đêm nay có gì lạ, mà nghe vương vấn bước chân quen/Tân An đêm nay có gì vui, cho ngập tràn say đắm trái tim yêu” (Đêm Tân An).
Nghệ sĩ Hoàng Tuyên – hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh, nhận định: “Hải nhạy cảm về cuộc sống với bản sắc riêng. Mỗi tác phẩm đều không lặp lại chính mình, cũng không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ ai. Tôi tin rằng, Nguyễn Thanh Hải là nhân tố có khả năng kế thừa và có thể bay cao, bay xa hơn nữa”.
Vẫn phong cách giản dị, cách trò chuyện gần gũi và khiêm nhường, anh ít chia sẻ về những thành quả mình từng đạt, vì với anh, mỗi tác phẩm khi đến với người nghe cần có sự lắng đọng, ấn tượng chứ không phải nghe một lần rồi đi vào quên lãng, đây chính là “phần thưởng” lớn nhất của người nghệ sĩ.
Anh tâm niệm, mỗi bài ca là một “đứa con tinh thần” quý báu. Thế nên, chất lượng bao giờ cũng quan trọng hơn số lượng, đó là sự tôn trọng khán giả và chính bản thân mình. Hy vọng, với cái “tâm” trong nghề cùng “lửa” nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh tiếp tục gặt hái thành công trên con đường mình đã chọn.

Phạm Ngân
Long An

Bài trướcTheo mẹ dìa quê ngoại!
Bài tiếp theoKhúc hát thanh bình ngày xuân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây