Nhân vật lịch sử – văn hoá Cần Đước: Trương Định 1820 – 1864

0
61

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Trương Định hay Trương Công Định hoặc Trương Trường Định (1820 – 1964) là con của ông Lãnh binh Trương Cầm, quê ở thôn Từ Cung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, là nhân vật lịch sử nữa sau thế kỷ 19 có ảnh hưởng lớn đối với phong trào chống pháp ở Cần Đước. Năm 24 tuổi Trương Định theo cha vào Gia Định và lấy vợ là Bà Lê Thị Thưởng, con gái một nhà giàu ở Tân An. Được chính quyền có chủ trương khuyến khích khai mở đồn điền và gia đình vợ giúp đỡ, năm 1854 Trương Định mộ dân khẩn hoang và lập đồn điền ở Gia Thuận, Gò Công và được triều đình phong chức Phó Quản cơ.


Năm 1859 thực dân Pháp chiếm thành Gia Định, Trương Định đem quân đồn điền về cùng với quân triều đình chiến đấu giữ mặt trận Thuận Kiều và được phong làm Quản cơ (tương đương Tiểu đoàn trưởng), nên còn gọi là Quản Định. Tháng 2/1861 đại đồn Chí Hoà thất thủ, Trương Định kéo quân về Gò Công chiêu mộ binh sĩ được 6 ngàn và lập thành 08 cơ chiến đấu rất hiệu quả.
Thực hiện cam kết với thực dân Pháp trong Hoà ước Nhâm Tuất 1862 nên triều đình Huế buộc Trương Định phải giải giáp lực lượng vũ trang, phong cho chức Lãnh binh An Giang. Nhưng ông đã không đi nhậm chức mà đã ở lại cùng với nhân dân và nhiều thủ lĩnh nghĩa quân tổ chức xây dựng căn cứ chống Pháp ở Gò Công và được phong là Bình Tây Đại Nguyên Soái.
Phong trào chống Pháp ở Nam bộ do Trương Định lãnh đạo phát triển rộng khắp vùng Gia Định gồm Tân An, Mỹ Tho, Tây Ninh gây cho Pháp nhiều tổn thất. Nhiều thủ lĩnh nghĩa quân ở Cần Đước cũng tổ chức lực lượng tham gia chống Pháp dưới ngọn cờ của Trương Định.
Tháng 2/1863 Pháp tập trung lực lượng tấn công và quyết tâm tiêu diệt căn cứ Tân Hoà, Gò Công của Trương Định từ nhiều hướng trên bộ và đường sông. Nghĩa binh ở hướng Gò Đen – Cần Đước đã hoạt động mạnh để ngăn bước tiến của quân Pháp tiến về Gò Công với sự chỉ của thủ lĩnh người Cần Đước là Bùi Quang Diệu.

Do tương quan lực lượng thực quá chênh lệch, thực dân Pháp đã chiếm được căn cứ Tân Hoà. Trương Định đã kịp rút quân qua Lý Nhơn, Cần Giờ lập căn cứ mới tiếp tục chống Pháp. Giặc treo giá 10.000 France cho ai lấy được đầu Trương Định.
Ngày 25/9/1863 giặc Pháp lại tấn công Lý Nhơn, Trương Định và nghĩa binh lại vượt sông rút về Tân Phước, Kiểng Phước (Gò Công) đối diện với Cần Đước qua vàm Soài Rạp, tiếp tục chiến đấu. Đêm 19 rạng ngày 20/8/1864 (19/7 âl năm Giáp Tý) Trương Định và 25 nghĩa binh sa vào ổ phục kích của giặc do sự phản bội của tên việt gian Huỳnh Công Tấn. Trương Định bị thương nặng và đã tuẫn tiết không để lọt vào tay giặc. Người vợ sau của Trương Định đã đấu tranh với giặc Pháp để lo tang lễ và xây mộ phần cho ông (1875) chu đáo xứng đáng với sự hy sinh anh hùng của ông. Nhưng giặc Pháp lo sợ hình ảnh của Trương Định sống mãi trong lòng nhân dân nên đã hèn hạ đục bỏ văn bia và sau đó phá hủy luôn mộ phần của ông.
Hiện nay tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông và thành phố Gò Công đều có tượng đài và đền thờ Trương Định. Tên của Trương Định được đặt tên nhiều đường phố ở Tân An, TP. HCM và nhiều thành phố khác. Nhiều đình ở Cần Đước cũng phối thờ Trương Định.

ThS Nguyễn Văn Đông

Bài trướcNhân vật lịch sử – Văn hóa Cần Đước: Nguyễn Khắc Tuấn (1767 – 1823)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây