Biết PGS TS BS Nguyễn Thị Bay qua các kênh truyền thông đã lâu. Đây là bác sĩ tôi có cảm tình nhất trong số những bác sĩ nói chuyện trên truyền hình. Với phong cách thân thiện, dễ hiểu, giọng nói từ tốn chậm rãi, rặc miền Nam, tôi không ngờ đây là thầy thuốc đồng hương Cần Đước của tôi.
Năm 1996 BS Bay tốt nghiệp Tiến sĩ, năm 2003 Bà được phong hàm Phó Giáo sư, năm 2005 nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú và năm 2018 được nhận huy hiệu “Thành tựu trọn đời”.
Đây là người được phong hàm Phó giáo sư đầu tiên của Cần Đước.
Để hiểu thêm về người bác sĩ đồng hương, chúng tôi trao đổi và trích đăng bài viết trên Alo Bác sĩ giỏi.
Thanh Minh
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay (quê Long Khê, Cần Đước), Chủ tịch Liên chi hội Đông Tây Y kết hợp, là một trong những người tiên phong cải cách y học cổ truyền (YHCT) Việt Nam theo hướng hiện đại hóa. Với hơn 40 năm cống hiến trong ngành y, bà không chỉ xóa nhòa ranh giới giữa đông y và tây y mà còn góp phần xây dựng nền y học gia đình kết hợp để chăm sóc sức khỏe cộng đồng một cách toàn diện.
Hành trình gian nan đến với YHCT
Thời trẻ, PGS Bay không chọn YHCT làm sự nghiệp. Bà từng mong muốn trở thành bác sĩ ngoại nhi hoặc nhà nghiên cứu sinh lý bệnh. Tuy nhiên, việc bị sắp xếp học YHCT đã khiến bà thất vọng vì lúc bấy giờ, đông y còn bị xã hội xem nhẹ. Với thành tích học tập, sau khi tốt nghiệp Bà được giữ lại giảng dạy tại Đại học Y Dược TP.HCM, tình yêu với YHCT trong bà chỉ thực sự nảy nở vào năm 1991 khi có cơ hội du học Nhật Bản. Tại đây, bà chứng kiến cách Nhật Bản hiện đại hóa YHCT và kết hợp hiệu quả với tây y, từ đó có động lực mạnh mẽ để mang những kinh nghiệm học hỏi được về phục vụ quê hương.
Hiện đại hóa, không “tây y hóa” YHCT
Theo PGS Bay, xu hướng của thế giới (dĩ nhiên là Y học hiện nay) đang có xu hướng CÁ THỂ HÓA trong điều trị cho người bệnh, YHCT đã làm điều này hơn 2000 năm nay, thế nhưng giới BS trẻ YHCT hiện nay thích sử dụng thuốc thành phẩm, tiện dụng nhưng không hoàn toàn phù hợp cho mỗi cơ thể người khác nhau, điều trị người bệnh chứ không điều trị cái bệnh. Hiện đại hóa là minh chứng (Nghiên cứu khoa học) cơ sở khoa học của thuốc YHCT (trước đây dùng thuốc điều trị theo kinh nghiệm và theo lý luận từ triết học Đông phương) và qua nghiên cứu đồng thời cách bào chế từng loại dược liệu, để sao cho một thang thuốc chỉ còn 10 – 20g sắc chỉ cần 5 – 10 phút để uống chứ không như thang thuốc 80 – 100g và sắc hơn 2 tiếng đồng hồ để “3 chén còn 8 phân” như xưa.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay giới thiệu quyển sách Ung thư trong y học cổ truyền do bà làm chủ biên.
Người thầy truyền cảm hứng
Với vai trò là giảng viên, PGS Bay luôn chú trọng đào tạo những thế hệ bác sĩ YHCT có kiến thức vững vàng, đồng thời thấm nhuần y đức “lương y như từ mẫu”. Bà đã hướng dẫn nhiều luận văn, nghiên cứu, truyền cảm hứng cho các thế hệ học trò với phong cách giảng dạy hiện đại và sự tận tâm. Đồng thời, bà còn dẫn dắt Liên chi hội Đông Tây Y kết hợp TP.HCM, tổ chức các hội thảo và xây dựng các quy chuẩn cho đông y, tạo môi trường học thuật kết nối giữa các bác sĩ đông y và tây y.
Di sản và tầm nhìn
Dù đã nghỉ hưu từ năm 2013, PGS Bay vẫn không ngừng đóng góp cho ngành YHCT. Bà hiện đang hỗ trợ thành lập ngành YHCT tại Đại học Quốc gia TP.HCM với một chương trình đào tạo mới, kết hợp lý luận cổ truyền với nghiên cứu khoa học hiện đại. Những đóng góp của bà không chỉ góp phần nâng cao vị thế YHCT trong nước mà còn tạo nền tảng để YHCT Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai. Về cá nhân của bà, có người đặt vấn đề việc phong hàm Giáo sư? Bà tâm sự, năm 2018 được nhận huy hiệu “Thành tựu trọn đời” đối với tôi vầy đã đủ rồi, nên tôi không làm bất cứ gì nữa để lên Giáo sư hoặc nhà giáo nhân dân, bởi vì chết sẽ không mang theo bất cứ danh nghĩa nào, chỉ có di sản để lại cho người sau là cần thiết thôi!
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay là tấm gương sáng về sự cống hiến không ngừng nghỉ, luôn nỗ lực vì sức khỏe cộng đồng và sự phát triển của YHCT Việt Nam.
Thanh Minh theo Alo Bác sĩ giỏi.