ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG
Thử hình dung một cô thôn nữ miệt vườn đâu ở Vĩnh Long hay Bến Tre, Cà Mau bỗng thấy ngoài vàm thấp thoáng chiếc ghe mũi đỏ và cô hò như vầy:
Ghe ai đỏ mũi xanh lườn
Phải trên Gia Định xuống vườn thăm em?
Sao mà cô gái miệt vườn nầy khẳng định đó là ghe ở trên Gia Định?
Ghe về bến quê ăn Tết…
Lần lại lịch sử chúng ta nhớ sau khi lên ngôi 1802 vua Gia Long cho tổ chức lại các đơn vị hành chánh cả nước như thành lập Bắc Thành gồm các trấn phía Bắc và Gia Định Thành gồm các trấn ở miền Nam do Lê Văn Duyệt là Tổng Trấn, và các trấn miền Trung là đất kinh kỳ.
Năm 1832 Lê Văn Duyệt mất, vua Minh Mạng cho giải thể Gia Định Thành và lập thành 6 tỉnh là Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên và gọi đất Gia Định xưa là đất Nam Kỳ, nên từ đó có tên gọi là Nam kỳ Lục tỉnh.
Sau khi dẹp xong loạn Lê Văn Khôi (1832 – 1835) thì vua Minh Mạng đã cho tiến hành một số biện pháp để ổn định Nam kỳ như:
- Triệt hạ thành Gia Định (thành Quy) xây lại thành Phụng.
- Sai Kinh lược sứ Nam kỳ là Trương Đăng Quế vào Nam năm 1836 cùng với Trương Minh Giảng tổ chức tiến hành đo đạc ruộng đất lập sổ đinh sổ điền để tăng cường quản lý đất đai, quản lý xã hội từ đó Địa bạ triều Minh Mạng ra đời chỉ trong vòng ba tháng, chấm dứt tình trạng lấn chiếm, tranh giành, thưa kiện, cướp bóc đất đai ở Nam kỳ.
- Đất Nam kỳ sông rạch chằng chịt, mọi sinh hoạt đi lại, làm ăn chủ yếu bằng ghe thuyền tấp nập trên sông từ đó cũng sinh ra nhiều tệ nạn như trộm cướp, trốn thuế…Trong thời gian làm nhiệm vụ ở Nam kỳ Trương Đăng Quế và Trương Minh Giảng đã nắm được tình hình nầy và theo sách Đại Nam thực lục:
“Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, tháng 5…Nam kỳ kinh lược sứ là Trương Đăng Quế, Trương Minh Giảng tâu lên vua: nếu muốn phân biệt tàu thuyền từng tỉnh hạt thì xin cho sơn màu sắc ở đầu thuyền để tiện nhận biết (Gia Định mũi thuyền sơn màu tuyền đỏ, Biên Hoà là kiêm hạt cũng sơn đỏ ngoài viền màu đen; Vĩnh Long mũi thuyền sơn tuyền màu đen; Định Tường là kiêm hạt cũng sơn đen ngoài viền màu hồng; Trấn Tây là An Giang mũi thuyền sơn tuyền màu lục; Hà Tiên là kiêm hạt cũng sơn màu lục ngoài viền màu đỏ), kẻ nào giả mạo sẽ trị tội nặng, như thế thì dân trốn tránh không còn chỗ dung thân, mà côn đồ giặc cướp cũng không còn chỗ ẩn nấp” và vua đã “chuẩn y lời tâu”.
Trên cơ sở thực hiện lệnh vua như trên thì từ năm 1836 tất cả ghe thuyền của 6 tỉnh Nam kỳ đều được sơn mũi với màu riêng theo quy định, riêng mũi thuyền của ghe ở tỉnh Gia Định thì đều được sơn màu đỏ là do từ đó, trong đó có ghe Cần Đước.
Trong Địa bạ Minh Mạng có nói đến Cần Đước như là một Xứ: xứ Cần Đước. Xứ nầy lúc đó thuộc huyện Phước Lộc, tỉnh Gia Định, khi đó cơ bản đã được khai phá xong, kinh tế phát triển nổi tiếng về gạo, về nghề đóng ghe và đi ghe do địa bàn được bao bọc giữa hai con sông: sộng Rạch Cát tiện đi về Sài Gòn và miền Đông, Biên Hoà, Thủ Dầu Một; và sông Vàm Cỏ tiện đường đi về miền Tây như Định Tường, Vĩnh Long, Hà Tiên…nói chung về đường thủy thì Cần Đước nằm ở vị trí cửa ngỏ giao thương giữa miền Đông và miền Tây, và đó cũng là điều kiện khách quan phát triển nghề đi ghe trao đổi hàng hoá giữa hai vùng: chở cá, heo, lúa gạo…từ miền Tây lên và chở đồ gốm, hàng hoá tiêu dùng từ miền Đông và Sài Gòn xuống. Và vì thuộc tỉnh Gia Định nên ghe Cần Đước cũng sơn mũi màu đỏ.
Nói ghe Gia Định mũi đỏ nhưng thực tế đa số ghe mũi đỏ là ghe Cần Đước như đã nói ở trên do nghề đi ghe rất phát triển. Ghe Cần Đước ngang dọc khắp các miền sông nước miền Tây và người dân miền Tây khi thấy ghe mũi đỏ thì thường nói là ghe Cần Đước chứ ít nói ghe Gia Định như câu hò trên.
Ghe mũi đỏ Cần Đước trở thành một thương hiệu nổi tiếng và rất gần gủi với dân miền Tây. Ghe Cần Đước nổi tiếng ngoài số lượng đông còn do dân Cần Đước mua bán giỏi, có lối sống bản lĩnh, lịch lãm tài tử hào hoa do họ chịu ảnh hưởng từ lối sống đô thị Sài Gòn vì tiếp xúc gần, và võ nghệ rất cao cường đến nỗi các tay anh chị băng bói Ba Cụm (trộm đường sông) nổi tiếng vùng sông nước Chợ Đệm, Bến Lức còn phải cạch mặt. Do một lần ghe Cần Đước đậu nghỉ chờ con nước ở Chợ Đệm thì bị bói Ba Cụm “thăm viếng”, biết vùng nầy nổi tiếng trộm đường sông nên chủ ghe đã đề phòng và một trận thư hùng võ nghệ đã nổ ra giữa hảo hán Cần Đước với đại ca bói Ba Cụm. Cần Đước là xứ được giang hồ ca tụng là “đờn nhứt xứ – võ vô địch” nên tay anh chị bói Ba Cụm đã bị đánh văng xuống sông và được tha mạng, từ đó bói Ba Cụm tâm phục khẩu phục dân đi ghe Cần Đước và ra lệnh đàn em khi ăn hàng thì phải chừa ghe mũi đỏ Cần Đước.
Ghe chở lu về quê ăn Tết chờ xuống miền Tây…
Và về võ nghệ thì không riêng bói Ba Cụm Chợ Đệm mà ngay cả dân anh chị đảng cướp Bình Xuyên cũng phải nể mặt dân Cần Đước.
Khi người Pháp cai trì Nam kỳ thì vẫn giữ quy định ghe mũi đỏ Gia Định và quy định thêm ghe Chợ Lớn ngoài sơn mũi đỏ còn phải khắc thêm số tham biện 16 để tăng cường quản lý phương tiện hoạt động trên sông nước.
Trải qua gần 200 năm ghe Cần Đước vẫn với chiếc mũi đỏ với cặp tròng đen nghếch lên đầy thách thức với sóng gió hiểm nguy và những rủi may của kinh tế thị trường. Và từ nghề đi ghe truyền thống người Cần Đước đã nhanh nhạy chuyển sang đầu tư nghề xà lan xáng cạp tiếp tục tung hoành trên sông nước miền Tây góp phần đẩy mạnh khai thác vùng đất nầy sau 1975, và làm giàu cho quê hương vùng Hạ vốn nghèo khó là Tân Chánh, Phước Đông, Long Hựu…
ThS Nguyễn Văn Đông