Chuyện anh Tư Rùa và chiếc bàn chẻ lác

0
605

ThS. NGUYỄN TẤN QUỐC 

Năm 2006, trong quá trình nghiên cứu đề tài di sản văn hóa phi vật thể Nghề dệt chiếu lác ở Cần Đước, Long An, chúng tôi phát hiện một chi tiết khá thú vị: chiếc bàn chẻ lác đang sử dụng hiệu quả của làng nghề dệt chiếu hôm nay là từ cải tiến của một nông dân xã Long Định, anh Phạm Văn Xắn (Tư Rùa). Nhiều công đoạn dệt chiếu lác giờ đã được thay thế bằng máy móc, vùng nguyên liệu Long Định giờ đã là các khu công nghiệp, nhưng có lẽ chiếc mày này không vì thế mà lùi vào ký ức của sự phát triển trên vùng đất này.


Anh Phạm Văn Xắn (Tư Rùa) nông dân cả đời gắn bó với nghề chẻ lác

Xã Long Định, huyện Cần Đước được biết đến như là chiếc nôi của làng nghề dệt chiếu lác Cần Đước, Bến Lức, tỉnh Long An nói riêng và của cả một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (theo Di sản thủ công mỹ nghệ Việt Nam, Nxb Thanh niên 1999). Làng nghề chiếu Long Định nổi tiếng không chỉ vì có truyền thống, sản phẩm đẹp, nghệ nhân giỏi…, mà vì còn có những người thợ sáng tạo. Đó là anh Phạm Văn Xắn, nhân dân địa phương gọi là anh Tư Rùa, người cải tiến thành công chiếc bàn chẻ lác, một công cụ rất quan trọng trong nghề dệt chiếu lác.


Chiếc máy chẻ lác giúp bà con nông dân tăng năng suất

Nghề dệt chiếu lác (cói) là một nghề thủ công truyền thống mà khâu xử lý nguyên liệu rất cực nhọc, cụ thể là công đoạn chẻ lác để phơi. Xưa, việc này làm bằng tay với công cụ thô sơ là chiếc dao chẻ lác có kích thước nhỏ hoặc được cuốn bằng lá kim loại (inox), sợi lác được chẻ tuy đẹp nhưng năng suất rất thấp, hiệu quả không cao, về sau được thay thế bằng bàn chẻ lác. Đó là một dụng cụ gồm hai con lăn trên và dưới, giữa là dao chẻ lác; sử dụng bằng cách một người đưa lác vào và người kia rút.

Những năm sau giải phóng, làng nghề chiếu lác Cần Đước được phục hồi và phát triển phục vụ xuất khẩu sang thị trường Đông Âu. Xã Long Định không những là trung tâm làng nghề mà còn là vùng cung cấp nguồn nguyên liệu lớn. Vì vậy, bên cạnh nghề dệt, ở đây xuất hiện một bộ phận lao động khác làm nghề chẻ lác thuê. Anh Tư Rùa, những năm 1980-1982 làm nghề chẻ lác thuê nhận thấy chiếc máy chẻ lác lúc bấy giờ (do ông Hai Xệ đem về từ Bình An, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày giải phóng) còn nhiều điểm hạn chế như chẻ không đều cọng lác, thường hay bị hư hỏng trong khi làm việc… và nhất là năng suất cũng không hơn chẻ tay là mấy và anh quyết tâm tìm nguyên nhân khắc phục.

Đầu tiên là con lăn (ống trục), không như trước đây, anh dùng căm xe, một loại gỗ tốt hơn, cứng và nặng hơn để giữ sự ổn định của công cụ, tránh bị mòn và có độ chính xác cao; rồi cốt trục, anh ứng dụng hiệu quả bằng phụ tùng xe đạp; lưỡi dao do tự anh đặt hàng ở làng nghề rèn có tiếng Nhị Thành, huyện Thủ Thừa theo đúng tiêu chuẩn về độ sắc, độ mỏng và đều theo yêu cầu mà anh nghiên cứu. Và quan trọng nhất là anh thay đổi hoàn toàn nguyên tắc dịch chuyển của con lăn trên. Trước đây con lăn trên được cố định bằng ốc tán (gọi là “tăng đưa chết”), muốn dịch chuyển lên xuống theo yêu cầu để chẻ đều cọng lác, người chẻ lác phải dùng dụng cụ để điều chỉnh ốc tán nên đi chẻ lác phải mang theo ra đồng rất bất tiện. Nay ốc tán được thay bằng cao su (thường dùng bằng phế liệu từ dép “lào”) có tác dụng đàn hồi tùy theo cọng lác lớn nhỏ nên độ tiếp xúc cần thiết của những cọng lác với hai con lăn luôn ở mức hợp lý để đảm bảo cọng lác được tách đôi hoàn toàn từ gốc đến ngọn mà không cần phải điều chỉnh gì cả, gọi là “tăng đưa sống”.

 Nhìn vào cấu tạo và nguyên lý sử dụng của bàn chẻ lác thì đơn giản nhưng để đảm bảo cùng một lúc 10 cọng lác, không phải cọng nào cũng có kích như nhau được chẻ đôi một cách đều đặn từ gốc đến ngọn dài hơn 2m là không hề đơn giản. Điều đó đòi hỏi công cụ phải đạt độ chuẩn rất cao của lưỡi dao, của con lăn, vòng xoay của con lăn và khoảng cách giữa hai con lăn, giữa dao và con lăn. Nếu không, cọng lác sẽ không được tách đôi toàn bộ chiều dài của nó, hoặc không đều, gọi là bị “lãi” dẫn đến hiệu quả thấp.

Quá trình cải tiến ấy của anh Tư Rùa kéo dài trong suốt hơn mười năm thì đạt được độ chuẩn như ngày nay. Từ khi thành công, chiếc máy chẻ lác không còn tình trạng hỏng hóc hay phải liên tục điều chỉnh giữa chừng, chẻ nhẹ và “ngọt” hơn, gọn nhẹ, cơ động, đưa năng suất lên trên mười lần chẻ bằng tay, lại không cực nhọc. Nếu như chẻ tay, mỗi người/1 ngày chẻ 2 neo; chẻ bằng bàn chẻ, 2 người/1 ngày chẻ 40 neo, so với khi chưa cải tiến chưa cải tiến, chưa đến 20 neo/1ngày.

Từ năm 1995-1996, nghề chiếu lác ở Long An bắt đầu phục hồi, phát triển trở lại sau một thời gian mất thị trường xuất khẩu (Đông Âu), nhu cầu xử lý lác nguyên liệu lại tăng lên, anh Tư Rùa quyết định chuyển sang chuyên sản xuất máy chẻ lác để cung cấp nhu cầu thị trường và trở thành thu nhập kinh tế chính của gia đình, bên cạnh bà xã vẫn làm nghề dệt truyền thống như bao gia đình khác ở Long Định. Anh tâm sự: “ngày xưa còn khổ, đi chẻ lác thuê, nào ngờ sáng tạo trong lao động đã đưa nghề này thành nghề chính của gia đình, cứ mỗi ngày làm một cái, trừ mọi chi phí vật liệu, lãi được 100.000đ – 370.000đ (thời giá năm 2006), vẫn còn thời gian chạy xe ôm kiếm thêm”. Có thể nói anh Tư Rùa là một “thương hiệu” máy chẻ lác của nghề dệt chiếu lác vì sản phẩm của anh hiện cung cấp cho cả Long An và cả một số nơi có nghề dệt truyền thống như ở tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long.

Để có đôi chiếu hoàn chỉnh phải qua nhiều khâu trong đó khâu chế Lac ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của sản phẩm.

Từ chẻ lác bằng tay cho đến chẻ bằng máy, xét trong quá trình lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển của làng nghề chiếu lác Cần Đước nói riêng, Long An nói chung, là một bước tiền dài về kỹ thuật. Dưới góc độ này, góc độ văn hóa, nghiên cứu về nghề thủ công truyền thống ở Long An, anh Tư Rùa không những là một nông dân giỏi, sáng tạo đã cải tiến thành công một dụng cụ lao động mà còn là người có công đóng góp vào quá trình phát triển và bảo tồn của làng nghề./.


ThS.Nguyễn Tấn Quốc

Bài trướcĐón năm mới may mắn
Bài tiếp theoTháng chạp nhớ Má nhớ Ba…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây