ThS NGUYỄN TẤN QUỐC
Tiếp theo bài “Tên quận Cần Đức có từ hồi nào?” Có nhiều bạn đọc phản hồi trong đó có bài viết của ThS Nguyễn Tấn Quốc, chúng tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc để cùng tham khảo.
Người Cần Đước
Tên quận Cần Đức có từ 1963 và tồn tại không lâu!
1. Delegation de Rach Kien năm 1923
Sau khi chiếm toàn bộ Nam Kỳ, ngày 5-6-1867, Pháp ra nghị định chia 6 tỉnh Nam Kỳ thành 27 arrondissements (dịch là “sở tham biện” hay “hạt”). Đến khi có chế độ tỉnh trưởng (20-12-1899) và tỉnh Chợ Lớn được thành lập (1909) gồm 4 đại lý (delegation), sau gọi là quận, Cần Đước vẫn thuộc đại lý Cần Giuộc. Năm 1923, sở đại lý Rạch Kiến (Delegation de Rach Kien) được thành lập gồm ba tổng Lộc Thành Thượng, Lộc Thành Trung và Lộc Thành Hạ, thuộc tỉnh Chợ Lớn,
2. Delegation de Can Duoc năm 1928
Năm 1928, trụ sở sở đại lý Rạch Kiến dời về Cần Đước và đổi thành sở đại lý Cần Đước, sau gọi là quận. Quận Cần Đước có thời gian thời chế độ Ngô Đình Diệm được đổi thành Cần Đức (Nghị định số 131-TTP/VP, ngày 7-2-1963 của Tổng thống VNCH) nhưng nhưng tên hành chính mới này tồn tại không lâu vì từ sau khi Ngô Đình Diệm bị đảo chánh (1-11-1963) và bị giết, tên cũ Cần Đước dần được phục hồi (cũng cùng một lượt như với Cần Giuộc được đổi thành Thanh Đức và cũng phục hồi kiểu như như vậy).
3. Quận Rạch Kiến từ năm 1967
Nghị định số 40-NĐ/ĐUHC ngày 7-1-1967 của Chủ tịch Ủy ban hành pháp TW VNCH, lập quận Rạch Kiến gồm 9 xã: Long Hòa (trước thuộc quận Cần Đước, nay có thêm cả 2 ấp Thuận Tây (xã Thuận Thành) và Phước Thuận (xã Phước Lâm) của quận Cần Giuộc), Long Cang, Long Định, Long Khê, Phước Vân, Long Trạch, Long Sơn, Tân Trạch (8 xã này thuộc quận Cần Đước) và Phước Lý (trước thuộc quận Cần Giuộc).
Tại sao Cần Đước biến thành Cần Đức, cũng như Cần Giuộc biến thành Thanh Đức?
Ngô Đình Diệm là dân Nho học, không thích những địa danh có tên dân gian, Nôm hóa… Vì vậy, thời ông ta cầm quyền, rất nhiều địa danh bị thay đổi , như: Mộc Hóa thành Kiến Tường, Bàu Trai tỉnh Hậu Nghĩa (nay thuộc thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa) đổi thành Khiêm Cương (nhiều người hay đọc nhầm là Kim Cương) sau khi lập tỉnh mới Hậu Nghĩa (1963), Bến Tre thành Kiến Hòa, rồi đổi thị xã này thành Trúc Giang, Cao Lãnh thành Kiến Phong, Bù Đốp thành Bố Đức…v.v rất nhiều nữa ở miền Nam. Nhưng cái gì, nhất là địa danh văn hóa là cả một bề dày lịch sử, nó gắn bó tình cảm mật thiết với con người và nhiều lý do khác, không thể dễ mà muốn đổi là đổi bằng biện pháp hành chính hóa, tư duy chủ quan được, dù cái tên đó có khi không giải thích được ý nghĩa.
ThS Nguyễn Tấn Quốc