ThS NGUYỄN TẤN QUỐC
Ngày 16/2/2022, Sở Văn hoá Thể thao và Du Lịch Long An phối hợp cùng UBND huyện Cần Đước khảo sát ngôi mộ cổ nghi vấn có liên quan đến nhân vật lịch sử Xuân Quang Hầu Nguyễn Khắc Tuấn tại xã Tân Chánh, huyện Cần Đước. Đây là di tích có niên đại thuộc loại sớm nhất ở Long An và miền Nam nói chung, có giá trị nghiên cứu rất lớn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật.
Ngôi mộ nằm cách lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn 100 mét về hướng Tây Nam, thuộc ấp Lăng, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước. Mộ hiện không còn nguyên vẹn vì nằm cạnh rạch Ngọn Trầu nên thường xuyên bị ngập hoàn toàn khi thủy triều lên, tuy vậy bia mộ bằng đá cẩm thạch vẫn còn nguyên vẹn với văn bia có nội dung viết bằng chữ Hán như sau:
Việt cố
Tân An dật tẩu tiên sinh
Nguyễn Phủ Quân chi mộ
Tuế thứ Bính Dần niên mạnh Xuân Nguyệt cốc đán
Tự tử Phúc Nghị Phúc Xuân phụng lập.
Vẫn còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội vùng Cần Đước nói riêng, Long An nói chung từ tư liệu bia mộ và nội dung bia mộ, nhưng những thông tin cơ bản bước đầu cho biết hai con là Phúc Nghị, Phúc Xuân (tức Nguyễn Khắc Tuấn) lập mộ cho cha mình là Nguyễn phủ quân (cách gọi đối với cha mình của quan lại cao cấp thời phong kiến) vào năm Bính Dần (1806). Như vậy có thể khẳng định đây là mộ của thân phụ Xuân Quang Hầu Nguyễn Khắc Tuấn và do chính Nguyễn Khắc Tuấn (Phúc Xuân) lập bia cho cha mình, có sự tương đồng về người lập mộ và thời gian lập mộ của bia mộ thân mẫu Nguyễn Khắc Tuấn ở miếu Cây Da (ranh giới hai xã Tân Ân và Tân Chánh) được phát hiện trước đây. Đây là tư liệu có tính bằng chứng khoa học hết sức quan trọng và thuyết phục, sẽ làm rõ thêm về thân thế, sự nghiệp của nhân vật lịch sử Nguyễn Khắc Tuấn, mà quần thể di tích đình Tân Chánh và Lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn đang trong quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.
Ông Nguyễn Tấn Quốc, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Long An (đứng thứ 5 từ trái sang) cùng đoàn khảo sát tại Tân Chánh – Cần Đước.
Mộ bia làm theo phong cách thời Hậu Lê – Nguyễn và chất liệu đá cẩm thạch trắng thuộc loại quý hiếm, cho thấy đây là di tích có niên đại thuộc loại sớm nhất ở Long An và miền Nam nói chung, có giá trị nghiên cứu rất lớn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật.
Đây là di sản văn hoá quý hiếm của Tân Chánh, của Người Cần Đước, người dân và chính quyền địa phương cần có kế hoạch cải tạo, phục hồi phần mộ bị sạt lỡ để bảo quản di tích gốc này trong quần thể di tích Đình Tân Chánh và Lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn.
ThS Nguyễn Tấn Quốc