Cuộc sống người nông dân Tân Trạch xưa.

0
734

Lê Văn Hậu

Nếu có ông bà xưa nào “sống lại”, sẽ không nhận ra xã Tân Trạch ngày nay là xã ông bà ấy đã từng sinh sống. Sự “đô thị hóa” đã làm cho bộ mặt nông thôn đổi khác, đồng thời cũng làm cho cuộc sống con người chạy theo lối sống “công nghiệp” và “thương mại” ngay trên mảnh đất đồng quê của mình.


Con trâu kéo cày hình ảnh quen thuộc ngày xưa. Ảnh: Internet

Sinh ra trong một gia đình nông dân của xã Tân Trạch, tôi được dịp “trải nghiệm” các nếp sinh hoạt của gia đình, dòng họ từ sau 1975 và qua lời kể của các bậc tiền nhân.

Những năm sau 1975, nhiều gia đình bắt đầu “hồi hương” trở về Tân Trạch sinh sống. Thời đó chưa có nhà nhiều nên ruộng đất còn “mênh mông”, đứng từ Ấp 3 có thể nhìn thấy nhà ở Ấp 4 xa xa … không bị cản tầm nhìn. Đến mùa khô, chúng tôi đi học từ Cầu Bà Tượng ra Rạch Kiến bằng lối “đi tắt” băng đồng – dường như chỉ là một đường thẳng, chỉ cần “nhắm hướng” mà đi.



Đồng lúa Tân Trạch hiện nay

Người dân Tân Trạch ngày xưa, mỗi gia đình thường có nhiều người con. Ngay cả ông bà Ngoại tôi đã có 13 người con. Mẹ tôi là người thứ 12 – không biết như thế nào mà Ngoại tôi gọi là “Út Dư”, rồi người Dì thứ 13 Ngoại gọi là “Út Nữa”, không biết có “dự trù” “Út Thôi, Út Chừa” nữa hay không(?). Vì thế, ngày nay, khi có dịp họp mặt anh em dòng họ thì có rất nhiều người thứ chín, và anh em đặt tên để dễ phân biệt: “Chín Nốp”, “Chín Đờn Cò”, “Chín Cu”, “Chín Sơn” … “Hiện tượng” này từ nay về sau chắc không còn gặp nữa vì “Mỗi gia đình chỉ có một hoặc hai con”!


Cái ao bên cạnh ngôi nhà ở nông thôn

Bà con trong cùng họ thường sống quây quần trong cùng một xóm làng. Khi người con lớn lên “dựng vợ gả chồng”, cha mẹ thường cho “ra riêng” bằng cách “đắp” một cái nền trên phần ruộng đang canh tác rồi cất nhà ở. Có lẽ do đặc điểm này mà “tình làng nghĩa xóm” thể hiện rất rõ trong một cộng đồng dân cư; bởi vì trong một xóm làng, giữa người này với người kia không có “bà con gần” thì cũng có “bà con xa”. Mỗi khi có gia đình nào có chuyện “hữu sự” thì bà con đến rất đông. Khi một nhà có đám giỗ thì con cháu tụ tập lại để nấu nướng “cúng kiếng” bề trên. Khi một người có bệnh tật thì bà con đến thăm viếng rất đông đủ … Mỗi đợt xuân về, anh em bà con thường tập hợp lại, cùng đi thăm viếng và chúc tết lần lượt từ nhà này đến nhà khác. Trải qua nhiều năm, xóm làng ngày càng “đông đúc”, giờ thì “tầm nhìn” bị “giới hạn” rất nhiều.


Hồ tròn bằng xi măng chứa nước mưa

Người dân thời đó chủ yếu sống bằng nghề nông – làm ruộng. Một số người khá giả có làm một số nhà máy xay lúa để “phục vụ” cho nhu cầu người dân tại chỗ. Sau mỗi mùa “thu hoạch”, người dân đem lúa về nhà và “ví” (Từ địa phương, cũng không biết viết thế nào, “ví” hay “dí” …) trong những cái “bồ” làm bằng “cà tăng” để ở một góc nhà. Bồ lúa này dùng để làm lương thực quanh năm. Người ta tính được phần nào dùng cho cả gia đình ăn quanh năm, phần nào dư để bán và phần nào để “làm giống” cho vụ mùa sau. Khi hết gạo, người ta “xúc” lúa từ bồ đem đến nhà máy địa phương để “chà”, đem về ăn. Lúa sau khi “chà”, ngoài gạo còn có cám, trấu, tấm… Cám dùng để nuôi heo, trấu dùng làm “nguyên liệu” nấu ăn – bằng các lò trấu. Như vậy, người nông dân “không sợ đói” vì đã có lúa dự trữ. Nếu không có tiền mua “đồ ăn” thì có thể trồng rau quanh vườn hoặc nuôi cá dưới ao nhà.

Thời đó, dường như nhà người nào cũng có một cái ao (cũng gọi là “hào”, “đìa”), không lớn thì nhỏ. Ao hình thành là do người dân “vét” ao để lấy đất đắp nền nhà (không phải lấp nền bằng cát như bây giờ). Ao này dùng để lấy nước tắm giặt, thậm chí rửa … “đủ thứ”! Nước uống thì có nước mưa dự trữ trong những cái lu sành (nhà khá giả thường có một “hàng lu” dài dọc hai bên nhà, cạnh “đầu xối” – đầu máng hứng nước từ mái nhà xuống, có lỗ cho nước chảy xuống). Sau này người ta mới có “phong trào đổ hồ tròn” bằng xi măng để chứa nước mưa. Người ta thường nuôi cá dưới ao, có nhà không nuôi cá mà thả cho nước ra vào tự nhiên để cho “cá đồng” đi vào. Khi bắt đầu vào mùa khô, nước ruộng cạn, nhà nhà “tát hào” để bắt cá.

Những năm sau 1975, cá rất nhiều. Có nhiều cái hào lâu ngày không “tát”, lúc tát lên thì ôi thôi, cá “lúc nhúc” – bắt lên không có chỗ “rộng” (Người ta thường “rộng” cá trong những cải lu, hủ để ăn lâu dài). Những con cá “mạnh” thì được “rộng” lại, còn những con cá “yếu” thì “xẻ thịt phơi khô”! Cá thì có đủ loại: cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặc … có cả lươn nữa. Những ngày thường thì các anh đi “cắm câu” vào buổi chiều tà. Đó là những chiếc cần câu ngắn, được móc mồi bằng con trùn đất, được cắm cạnh bờ ruộng. Sáng hôm sau, từ tờ mờ sáng là các anh đi “gỡ câu”. “Thu hoạch” của các anh thời đó cũng “không tệ”: cá “mắc” câu có nhiều loại: cá lóc, cá trê … đặc biệt là lươn “dính” khá nhiều.

Công việc đồng áng đa số có tính chất “gia đình”. Mỗi gia đình thường có một thửa ruộng nhỏ và tự canh tác. Đến mùa cấy, gặt thì thuê thêm những người trong xóm đến làm giúp, hoặc “làm dần công” (Người này đi làm cho người kia bao nhiêu ngày công thì sau đó người kia đi làm lại cho người này bấy nhiêu ngày công chứ không lấy tiền). Thời đó, “con trâu, cái cày” vẫn còn thịnh hành. Tôi còn nhớ, do nhà tôi có ít ruộng nên đến “mùa làm đất mạ”, tôi phải tự cuốc đất, “băm” đất ruộng mạ cho nhuyễn ra để gieo mạ. Sau đó dùng cái “trạc” để kéo cho đất bằng phẳng. “Trạc” là một thanh gỗ dài nằm ngang có xẻ rãnh, được lắp một cây ở giữa dùng làm “cán” để kéo. Để làm cho “trạc” nặng (Trạc có nặng thì mới kéo được đất trải đều ra cho ruộng bằng phẳng), người ta cột lên thanh ngang một vật nặng như hòn đá xanh to tướng. Những người làm đất mạ ít thì “trạc” được kéo bằng tay, những người làm đất mạ nhiều thì trạc được kéo bằng trâu, và “vật nặng” có thể là người đứng lên cái trạc.

Đến mùa lúa chín, mọi người vác “bồ” ra đồng để đập lúa đem về. Cái “Bồ” trước đó được đóng toàn bằng gỗ, “vác” rất nặng. Sau này người ta cải tiến, chỉ làm gỗ thành cái khung rồi lợp tôn xung quanh nên vác nhẹ hơn. “Đập bồ” cũng là một “nghệ thuật”, đập thế nào cho lúa rụng nhanh, rụng hết mà đỡ mất sức cũng là một “kinh nghiệm” của người nông dân. Lúa sau khi đập, được đổ vào bao và gánh về nhà. “Gánh lúa” cũng là một “kỹ năng”, phải để cây đòn gánh lên vai như thế nào để không đau mà có thể gánh nặng và chạy nhanh.

Bồ đập lúa

Lúa về đến nhà, còn thêm công đoạn nữa là phơi khô, cần có sân phơi. Những nhà khá giả thì họ “tráng sân” bằng xi-măng. Những nhà khó khăn hơn thì người ta làm sân bằng nền đất. Nền đất được đập cho bằng phẳng, nhưng có nhược điểm là có những vết nứt làm lọt lúa xuống kẻ nứt. Người ta khắc phục bằng cách gánh phân trâu ướt về đổ xuống nền đất, can ra để lấp các khe nứt rồi chờ cho nền khô. Sau đó người ta sẽ đổ lúa lên cái nền này để phơi.

Lúa được phơi đến khi bắt đầu khô, người ta phải “sàng” lúa để loại bỏ các sợi rơm còn sót lại lúc đập lúa. “Sàng” lúa gồm có 3 người, 2 người cầm 2 bên cái sàng lắc qua lại, một người “xúc” lúa đổ lên sàng. Khi lúa khô thì đến công đoạn “giê” lúa: Người ta xúc lúa vào một cái thúng, bưng ra chỗ có gió, giơ thúng cao lên và đổ lúa xuống từ từ … Những hạt lúa “chắc” nặng nên rơi gần, còn những hạt lúa “lép” nhẹ hơn, nên rơi xa hơn theo chiều gió. Sau khi “giê”, lúa được “phân loại”, người ta “xúc” phần lúa “chắc” đổ vào bồ, còn phần lúa “lép” được giữ lại để nuôi gà vịt hoặc làm “nguyên liệu” cho các “lò trấu”

Những năm gần đây, kinh tế phát triển, những “hình ảnh” người nông dân làm ruộng như ngày xưa không còn nữa. Trên cánh đồng dường như không còn thấy những cái “bồ” mà chỉ thấy những cái máy “gặt đập liên hợp” mà ngày xưa mọi người hằng mơ ước. Những thanh niên, thiếu nữ mặc dù ở nông thôn nhưng còn rất ít những người làm nông nghiệp “thuần túy” mà trở thành những công nhân ở các công ty, xí nghiệp khắp nơi. Mặc dù sống trong cảnh tiện nghi thời hiện đại, tôi cũng không quên được hình ảnh ông bà cha mẹ xưa đã dày công gian khổ khai phá đất, giữ đất, trồng trọt nuôi mình khôn lớn. “Uống nước nhớ nguồn, Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”.

Lê Văn Hậu

 

 

 

 

 

 

 

Bài trướcĐịa danh mang tên người ở Cần Đước.
Bài tiếp theoLịch sử hình thành xã Phước Đông – Cần Đước

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây