Vài nét về lịch sử Trường Trung học Cần Đước

0
1910

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG 

Khi rút khỏi Việt Nam năm 1954, người Pháp đã để lại ở Cần Đước một hệ thống giáo dục chỉ ở bậc tiểu học với một ít phòng học ở huyện lỵ dạy đến lớp Nhất và ở các làng dạy đến lớp Ba. Khi học hết tiểu học và ai có điều kiện thì lên Sài Gòn học tiếp bậc trung học trường công hoặc trường tư nhưng số nầy cũng rất ít, thường là con của quan chức, thầy giáo và điền chủ, còn con tá điền nghèo khó thì thường mù chữ hoặc học hết “lớp ba trường làng” là giỏi lắm rồi.


Thầy cô Trường Tiểu học Cần Đước thời kỳ đầu

Đến khoảng năm 1956, 1957 mới có những người tâm huyết đứng ra mở trường tư ở chợ Cần Đước. Đầu tiên là trường Lê Thánh Tôn, chỉ dạy có hai lớp đệ thất và đệ lục nhưng trường chỉ hoạt động được một hai niên khoá thì đóng cửa. Sau trường Lê Thánh Tôn thì có thêm hai trường trung học tư thục là trường Trương Văn Tráng và trường Tấn Thành được thành lập dạy từ lớp đệ thất đến đệ tứ.

Thầy cô Trường Trung học Cần Đước

Trường Trung học Cần Đước được chính thức thành lập từ niên khóa 1958 – 1959 với trường sở ban đầu lấy tạm nhà thương của quận, một dãy 3 phòng lợp ngói và 2 phòng Ngọ phạn điếm (phòng học sinh ăn trưa) của trường tiểu học nằm kế bên trên đường Mai Văn Hiến (Trần Hưng Đạo ngày nay). Theo tài liệu để lại thì đến năm 1974 diện tích của trường là 2.200m2, trong đó diện tích xây dựng là 1.750 m2, diện tích sân là 450m2

Học sinh lớp 12 năm 1971

Từ năm 1958 đến năm 1962, mỗi năm trường tuyển vào 2 lớp, như vậy đến năm 1962 trường đã có tất cả 8 lớp từ đệ thất đến đệ tứ (lớp 6 đến lớp 9) và là năm đầu tiên có học sinh thi lấy bằng Trung học đệ nhất cấp (THCS). Học xong lớp đệ tứ học sinh phải chuyển lên học các lớp đệ nhị cấp nhưng chỉ có lớp đệ tam và đệ nhị (lớp 10 và 11) tại trường Trung học Cần Giuộc. Học sinh đậu Tú Tài 1 lại chuyển lên Sài Gòn học tiếp lớp đệ nhất (lớp12) ở trường Trung học Chu Văn An hoặc Petrus Ký hoặc Trung học Gia Long hoặc Trung học Trưng Vương tại Sài Gòn để thi lấy bằng Tú Tài 2.

Học sinh đệ tứ năm 1968

.Vị Hiệu Trưởng đầu tiên của trường là ông Phạm Văn Cầm, quê ở Cần Giuộc, Hiệu Trưởng trường tiểu học Cần Đước kiêm nhiệm,. Rồi đến ông Lê Văn Các, quê Cần Đước, cũng là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cần Đước kiêm nhiệm.


Học sinh đệ ngũ năm 1967

. Từ năm 1960 đến năm 1964, Hiệu Trưởng là Ông Đinh Văn Triển, giáo viên dạy Văn ở trường Trung học Cần Giuộc.

. Từ năm 1964 – 1966: Hiệu Trưởng là ông Nguyễn Vân Chương, người gốc Bắc.

. Từ 1966 – 1970: Hiệu Trưởng là ông Bùi Đồng Dần. Giám học là ông Trần Văn Giao. Tổng giám thị là ông Lê KimTiếng, quê Cần Đước.

. Từ 1970 – 1972: Hiệu trưởng là ông Nguyễn Văn Thiệu. Giám học là ông Nguyễn Thành Hải. Tổng giám thị là ông Lê Kim Tiếng.

. Từ 1972 – 1975: Hiệu Trưởng là ông Nguyễn Thành Hải. Giám học là ông Trịnh Tường, quê Cần Đước. Tổng giám thị là ông Lê Kim Tiếng.


Tính đến năm 1975 trường đã tuyển tất cả 20 khóa, trong đó có 14 khóa trọn vẹn và 6 khóa còn dang dỡ. Theo năm tháng cơ sở vật chất có phát triển, số phòng học tăng lên theo số lớp, từng bước xây dựng đến 1975 trường có 24 phòng.

 Từ 1975 – nay:

Sau ngày thống nhất đất nước tháng 4/1975, Trưởng ban điều hành trường là cô Tạ Kim Đính, thầy Nguyễn Văn Dương, thầy Nguyễn Văn Hồng và không có hệ thống giám thị, tên trường là Trường cấp 2-3 Cần Đước. Năm 1976 trường tách cấp 2 và cấp 3 ra nhưng vẫn sử dụng chung cơ sở vật chất.

 Hiệu trưởng Trường cấp 3 Cần Đước:

– 1976-1978: thầy Nguyễn Khắc Hòe (quê Hải Hưng).

– 1978-1980: thầy Nguyễn Tiến Rãm (quê Hải Hưng).

– 1980-1983: thầy Nguyễn văn Hồng (quê Sài Gòn).

– 1984-1985: thầy Trần Bân (quê Quảng Ngãi).

– 1985-1992: Thầy Lê Công Minh (quê Châu Thành).

 Hiệu trưởng Trường cấp 2 Cần Đước:

Trước đây, huyện chưa có đơn vị thị trấn Cần Đước, nên năm 1976 trường cấp 2 tách ra mang tên là trường cấp 2 Tân Ân. Đến năm 1977 huyện Cần Đước quyết định thành lập Thị trấn Cần Đước, nên trường mang tên Trường phổ thông cấp 2 thị trấn Cần Đước do cô Tạ Kim Đính làm hiệu trưởng.

Năm 1981 cô Đính chuyển về TP. HCM, thầy Huỳnh Văn On làm hiệu trưởng và trường mang tên Trường trung học cơ sở Thị trấn 1.

Năm 1985 thầy Nguyễn Văn Đăng về làm hiệu trưởng, sáp nhập Trường THCS Thị trấn 2 vào và trường mang tên Trường phổ thông cấp 2 Thị trấn Cần Đước. Tổ chức giám thị được tái lập.

Năm 1987-1992 cô Võ Thị Thanh Kiều làm Hiệu trưởng. Tên trường là Trường Phổ Thông cấp 2 thị trấn Cần Đước đón nhận cả học sinh cấp 2 Tân Ân, cấp 2 Phước Tuy, cấp 2 Phước Đông 1, Phước Đông 2.

 Đến năm 1992-1997 cấp 2 và cấp 3 lại nhập lại, tên trường là Trường cấp 2-3 Cần Đước. Thầy Lê Công Minh làm Hiệu trưởng, thầy Trương Văn Điểm, cô Võ Thị Thanh Kiều làm phó hiệu trưởng. Có lúc trường lên đến 61 lớp, không đủ phòng học phải mượn phòng của trường tiểu học cho học sinh cấp 2 học.

Bác Nguyễn văn Nam, nguyên Bí thư huyện ủy Cần Đước, người rất tâm huyết với ngành giáo dục đã vận động nhân dân khu 1B thị trấn hiến được 2 hecta đất xây mới Trường cấp 3 Cần Đước, nay là cơ sở của trường PTTH Chu Văn An. Toàn bộ cơ sở nhà trường cũ giao lại cho Trường trung học cơ sở thị trấn Cần Đước. Và gần 20 năm sau ngày hòa bình huyện đã có điều kiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh trường Trung học phổ thông Cần Đước trên diện tích hơn 4 ha tại trung tâm thị trấn như hiện nay.

ThS Nguyễn Văn Đông

Ảnh tập hợp từ: Nguyễn Văn Đông, Lê Hồng Hoàn, Võ Thị Thanh Kiều, Nguyễn Hoàng Tuấn, Thanh Mình…

Bài trướcTruyền thuyết về Đôi Ma
Bài tiếp theoChợ Trạm có từ bao giờ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây