Truyền thuyết về Đôi Ma

0
2145

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Vừa qua có nhiều bạn đề cập đến Cống Đôi Ma, để có thêm nhiều thông tin về truyền thuyết nầy, chúng tôi xin giới thiệu bài viết về Đôi Ma của tác giả Nguyễn Văn Đông.

Người Cần Đước

Hiện sông Đôi Ma là con sông chính ở vùng Thượng Cần Đước bắt đầu từ vàm Đôi Ma giáp với sông Vàm Cỏ Đông chảy qua các xã Long Cang, Long Sơn, Phước Vân, Tân Trạch, Long Hoà và đoạn cuối ở chợ Rạch Kiến…


Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (1820) thì sông Đôi Ma có tên chữ là Song Ma giang, còn gọi là Tình Trinh giang, ở bờ bắc sông Thuận An (Vàm Cỏ Đông). Sách viết về giai thoại tên Đôi Ma như sau: “Tương truyền xưa có người con gái nhà giàu họ Phạm, vừa đến tuổi lấy chồng, đem lòng yêu một người học trò họ Nguyễn, gặp gỡ hẹn ước nhưng lại hỗ thẹn không dám bày tỏ với cha mẹ; còn người học trò vì nghèo khó nên không dám cậy người dạm hỏi. Rồi cô gái mang bệnh tương tư héo mòn mà chết, cha mẹ thương tiếc không vội chôn, làm mái lều để quan tài sau vườn.

Người học trò nghe tin bèn tới chỗ quan tài cô gái thắt cổ chết theo. Người ta mới đặt quan tài anh học trò ở cạnh bên. Lâu ngày âm khí nơi đó tụ thành ma quỷ, lúc ban đầu còn có vẻ kín đáo, chỉ hiện bóng khi đêm khuya thanh vắng, sau thì bạo dạn hiện cảnh ân ái cả lúc ban ngày, nhưng chưa làm hại đến ai.


Cống Đôi Ma – Ảnh Nhà Quê

Đến sau khi cha mẹ cô gái qua đời, nhà cửa suy sụp, hai cái quan tài ấy không chôn được, cây cỏ mọc thành rừng, vong hồn ấy khi thì giả làm con gái để gạt dân địa phương, khi thì giả làm thuyền buôn để chọc ghẹo khách hàng, nhiều người khó chịu nên đặt tên chỗ ấy là Song Ma (hai con ma), để biết mà tránh.

Tới lúc Tây Sơn vào chiếm, nhân đi qua đây nghe việc ma quỷ thấy ghét, liền bắn cho mấy phát súng rồi đốt luôn căn lều để quan tài, từ đó dứt chuyện ma quái”.

 Qua câu chuyện nầy cũng cho thấy vùng Cần Đước cũng từng là vùng hành quân của quân Tây Sơn khi vào Gia Định truy đuổi chúa Nguyễn Ánh trong giai đoạn từ 1776 đến 1785 (chuyện quân Tây Sơn từng có mặt ở Cần Đước cũng được nhắc đến trong truyền thuyết vua Gia Long và chùa Thiên Mụ ở xã Tân Trạch); và cũng cho thấy giai đoạn nữa cuối thế kỷ 18 vùng Cần Đước cũng đã khá ổn định có người giàu người nghèo, và cũng đã chịu ảnh hưởng chuyện “môn đăng hộ đối”

Bên cạnh giai thoại về Đôi Ma được chép lại chính thức trong sách Gia Định thành thông chí thì trong dân gian cũng truyền miệng một giai thoại khác: đó là Đôi Ma cũng là hai hồn ma nhưng không phải của đôi tình nhân mà là của cặp đôi cô dâu chú rể bị chết đuối do ghe rước dâu bị chìm trên con sông nầy, rồi sau đó thường hiện hình ghẹo phá người qua lại. Nhưng giai thoại nầy không hợp lý ở chỗ:

  • Nếu ghe rước dâu bị chìm thì chết nhiều người chứ không riêng đôi dâu rể.
  • Dân vùng sông nước thì thường ai cũng biết lội (bơi) nhất là thanh niên, vả lại sông nầy nhỏ chứ không rộng.

Nhưng dù kể có khác nhau nhưng cũng nói Đôi Ma là một đôi nam nữ yêu nhau do chết tức tưởi mà thành…

ThS Nguyễn Văn Đông

Bài trướcBài có nhiều người đọc nhất!
Bài tiếp theoVài nét về lịch sử Trường Trung học Cần Đước

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây