Chợ Trạm có từ bao giờ?

0
1624

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG


Ở xã Mỹ Lệ huyện Cần Đước có địa danh Chợ Trạm. Chợ Trạm ngoài là tên của một cái chợ nằm ngay dốc cầu Chợ Trạm, thì còn có cầu Chợ Trạm, ngã tư Chợ Trạm và còn để chỉ một khu vực dân cư lớn là ấp Chợ Trạm, chạy dài từ cầu Chợ Trạm đến ngã tư Chợ Trạm, cũng giống như địa danh Cầu Nổi của xã Phước Đông.


Vậy nghĩa của Chợ Trạm là gì? Có thể tạm hiểu: Chợ là chợ, là nơi tụ họp mua bán. Trạm là dịch trạm. Vậy dịch trạm là gì?

Dịch trạm gắn với đường thiên lý hay còn gọi là đường cái quan tức quốc lộ ngày nay. Qua tìm hiểu lịch sử thì đường thiên lý ở nước ta có từ đời nhà Lý, thế kỷ 11 và sau đó lần lượt các triểu đại kế tiếp xây dựng dài ra theo sự phát triển của đất nước. Để quản lý người ta chia đường thiên lý thành những cung đường và trên mỗi cung đường được xây dựng nhiểu trạm thường cách nhau khoảng từ 15 đến 20 km cho vừa với sức ngựa. Trạm nầy được gọi là dịch trạm có chức năng như là một trạm bưu điện trung chuyển công văn giấy tờ chỉ thị từ trung ương xuống địa phương và ngược lại.

(Bên Tàu người ta gọi là đình trạm cũng là nơi tiếp đón các đoàn đi công cán dừng lại nghĩ ngơi, ăn uống, lần hồi đình trạm biến thành nơi hội họp dân làng và sau nữa thì có thờ thêm thần linh và chuyển thành cái đình làng sau nầy).

Ngày xưa phương tiện đi lại chủ yếu là đi bộ, đi kiệu, võng cán và đi ngựa vì vậy mỗi ngày không thể đi xa, nên ngoài chức năng chuyển thư từ thì dịch trạm cũng còn là nơi dừng nghỉ chân qua đêm cho các đoàn công tác của vua quan. Vì vậy dịch trạm thường có nhà cửa, một số lính trạm và ngựa. Công văn có thể chuyển bằng chạy bộ hoặc bằng ngựa và nếu chuyển gấp thì trên đầu ngựa có đốt một cục than cháy làm hiệu nên mới có từ “hỏa tốc” được sử dụng cho đến ngày nay.

Năm 1790 chúa Nguyễn Ánh đã cho xây dựng thành Gia Định ở Sài Gòn làm kinh đô để củng cố thế lực chống lại quân Tây Sơn. Và ngay sau đó đã cho đấp đường thiên lý nối ra phía Bắc năm 1792 và tiếp tục cho làm đường thiên lý nối với Mỹ Tho, Gò Công…Như vậy đường thiên lý từ thành Gia Định đi Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công đã được xây dựng vào gia đoạn nầy. Đi lại trên đường thiên lý khi gặp sông nhỏ thì bắt cầu cây, gặp sông lớn thì qua bằng đò.

Và trên đường thiên lý từ Gia Định đi Gò Công một dịch trạm đã được xây dựng ở cự ly khoảng 20km cho vừa sức ngựa tại địa điểm cạnh sông Nha Ràm. Và để phục vụ cho nhu cầu của trạm cũng như của dân quanh vùng một cái chợ đã hình thành cạnh bên dịch trạm và từ đó người ta gọi chợ nầy là Chợ Trạm. Từ đó có thể đoán địa danh Chợ Trạm được bắt nguồn từ cái dịch trạm trên đường thiên lý Gia Định – Gò Công từ cuối thế kỷ 18 khi cuộc chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh còn diễn ra ác liệt.

Bài viết nầy mang tính tham khảo. Mời bạn đọc Người Cần Đước góp ý thêm…

ThS Nguyễn Văn Đông

Bài trướcVài nét về lịch sử Trường Trung học Cần Đước
Bài tiếp theoQuyển sách “cấn” góc!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây