Quyển sách “cấn” góc!

0
611

LÊ VĂN HẬU

Dường như ai cũng một thời trải qua tuổi thơ dưới mái trường tiểu học. Những bước chân đầu tiên chập chững bước vào lớp một. Tôi còn nhớ, những ngày đầu tiên ấy, cái ngày mà mẹ phải dắt tôi đến trường, đưa vào lớp. Mọi cảnh vật đều lạ lẫm, rồi … từ từ quen dần.

Thời tiểu học, mặc dù được sinh ra ở Tân Trạch, nhưng do thời điểm chiến tranh ác liệt, nên mẹ con phải rời bỏ quê hương lên Sài Gòn sinh sống và tôi được gửi vào học ở một trường tiểu học tại Chợ Lớn. Đã lâu quá rồi, nhưng những ấn tượng thời trẻ thơ vẫn còn lưu giữ trong ký ức, đặc biệt là những kỷ niệm tạo “dấu ấn” trong tâm trí, khó quên.


Quyến sách “cấn” góc

Ngôi trường mà tôi học thời đó có khoảng không gian rất rộng. Trường bố trí các “cấp học” theo từng “khu vực” khác nhau, tạo cho học trò có cảm giác được học “từ thấp tới cao”.

Trường có ba khu rõ rệt với kiến trúc cũng khác nhau: Khu dành cho lớp một, hai; Khu dành cho lớp ba, bốn; và Khu dành cho lớp năm. Khu dành cho lớp một, hai thì có kiến trúc là những dãy nhà nhỏ, bàn ghế thấp phù hợp với lứa tuổi. Khu dành cho lớp ba, bốn thì được xây dựng trên nền cao hơn và có lối kiến trúc đẹp hơn. Khu dành cho lớp năm thì được xây dựng trên nền cao nhất với lối kiến trúc đẹp nhất. Với các kiểu kiến trúc và cách bố trí phòng ốc như vậy, bọn học trò chúng tôi khi học lớp một, hai, luôn luôn muốn phấn đấu để được lên lớp, được học các lớp trên với các phòng học đẹp hơn và tỏ vẻ… đàn anh hơn.


Thời tôi học, mỗi năm nhà trường đều có phát sách để học. Đầu năm học, công việc đầu tiên là nhận sách, đóng tiền mua chổi quét lớp, phân công trưởng lớp… Năm học lớp năm, tôi được học Thầy Nguyễn Thanh Long. Thầy là một người rất chững chạc, đi dạy học giờ giấc rất nghiêm chỉnh và đặc biệt là rất thương yêu học trò. Thầy nhận lớp, “khảo sát” một vòng là biết “sức học” của mỗi đứa và chỉ định trò nào là trưởng lớp, tổ trưởng… Tôi được Thầy chỉ định là trưởng lớp và có nhiệm vụ giúp thầy nhiều việc. Có một việc mà tôi vẫn còn nhớ đến ngày nay là việc “dò bài” các bạn dưới sự chứng kiến của Thầy. Mỗi ngày vào học, Thầy bắt tôi phải dò bài một tổ để chấm điểm (giống như kiểm tra đầu giờ ngày nay). Nếu hôm đó là tổ của tôi bị chỉ định dò bài thì tôi “đương nhiên” được điểm cao nhất mà không cần ai phải kiểm tra. Với cách dạy của Thầy như vậy, nếu tôi không học bài thì vẫn được điểm cao, nhưng hậu quả cuối năm sẽ là… “thi rớt đệ thất”. Thế nhưng, điều đó làm cho tôi không ỷ lại mà lại càng phải cố gắng học bài “thuộc” hơn các bạn để đi “dò bài”!. Không hiểu sao Thầy tin tưởng tôi tuyệt đối như vậy.

Năm đó, lúc nhà trường phát sách toán, tôi lại vắng vì bị bệnh. Mấy hôm sau vào lớp thì các bạn đã nhận sách hết rồi và mấy đứa bạn nhận trước thì “lựa” cho mình những quyển đẹp. Cuối cùng chỉ còn lại một quyển mà tôi nhận sau cùng, đó là quyển sách bị “cấn” góc. Là “học trò cưng” của Thầy, nhưng vì sự công bằng, Thầy cũng không thể lựa chọn một quyển sách đẹp để lại cho tôi. Nhận quyển sách bị cấn góc, “mất đẹp” nhưng tôi vẫn vui vẻ, bởi vì các nội dung trong sách vẫn đầy đủ, không bị mất và tôi vẫn học tốt.

Một ngày kia, thầy đem vào lớp năm chiếc áo sơ mi (tôi còn nhớ chỉ là áo vải thô), Thầy nói: “Mấy hôm trước, các em đóng tiền mua chổi quét lớp, còn dư một số tiền, nếu trả lại cho các em thì cũng không được bao nhiêu, nên Thầy mua mấy cái áo này. Giờ Thầy bốc thăm, nếu em nào trúng sẽ được nhận”. Nói rồi, thầy làm năm cái thăm và tự tay Thầy bốc. Thầy bắt đầu đọc tên: “Nguyễn văn A, Trần văn B, …”. Rất may mắn là Thầy đọc tên các bạn, trong đó có tên tôi.

Tôi rất vui, nhận cái áo đem về và khoe với Mẹ rằng mình may mắn. Ngày hôm sau, cuối buổi học, Thầy kêu tôi lên bàn Thầy và nói nhỏ: “Cái áo hôm qua không phải là em may mắn được bắt thăm trúng, mà là Thầy cho em đó, để bù lại chuyện em bị thiệt thòi vì nhận cuốn sách bị cấn góc!”. Một phút ngỡ ngàng trong tôi, cảm giác tôi lúc đó rất khó tả. Tôi nghĩ, Thầy đã rất công bằng trong phân phát sách, lại “ray rứt” về chuyện cuốn sách cấn góc của đứa học trò. Lúc đó, một tình cảm thầy – trò dâng trào trong tôi, cảm nhận một tình thương thật sự của Thầy đối với mình. Từ đó, tôi tâm niệm quyết tâm học tập thật giỏi để không phụ lòng thầy. Và năm đó, kết quả cuối năm tôi đứng hạng nhất và thi đậu Đệ thất vào Trường Trung học Mạc Đĩnh chi – là một trong những trường có thể gọi là “điểm” thời đó.

Qua câu chuyện, có thể thấy rằng, mặc dù là “trẻ em”, nhưng nó vẫn còn “ghi dấu” những sự kiện có tác động sâu sắc đến tình cảm của nó một cách lâu dài và bền bỉ. Cách đối xử tốt của Thầy đối với trò cũng là nguồn động viên khích lệ cho học trò chăm chỉ học hành một cách tự nguyện, không cần ép buộc. Sự thương yêu, giúp đỡ của Thầy sẽ tạo cho trò có một tâm lý kính trọng và vâng lời Thầy nhằm làm cho việc học được tiến bộ hơn. Đó là điều mà các nhà giáo dục cũng cần quan tâm. Đừng xem thường trẻ con!

 Lê Văn Hậu

 

Bài trướcChợ Trạm có từ bao giờ?
Bài tiếp theoThầy Chanh và các món ngon Cần Đước!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây