Người Cần Đước: Soạn giả Việt Sơn và miền hạ

0
542

Cần Đước (Long An) được xem là cái nôi đờn ca tài tử. Vùng đất ấy đã sinh ra nhiều nghệ nhân tài danh của tài tử, cải lương. Có một soạn giả sinh ra ở vùng quê Cần Đước và ông mang chính tình cảm yêu thương của miền hạ vào các sáng tác của mình. Đó là soạn giả Việt Sơn.

Từ thời còn là sinh viên, tôi đã nghe bạn bè mình ngân nga bài vọng cổ Mùa hoa đào. Tôi thì ấn tượng hơn với bản Khung trời miền hạ. Tuy vậy, tôi lại không hề biết tác giả 2 bài ca ấy chính là một soạn giả, người làm báo của quê hương Long An – soạn giả Việt Sơn. Tôi thích bài vọng cổ Khung trời miền hạ vì bài ca viết về quê hương mình với tình yêu và sự am hiểu sâu sắc. Những hình ảnh vừa lạ, vừa quen được soạn giả lồng ghép vào câu hát thật ngọt ngào:

Thương nhánh sông quê con cá lội lững lờ
Thương ruộng biền chiêng con nước ròng bỏ bãi

vit-son.jpg

Soạn giả Việt Sơn sinh ra và lớn lên ở làng dệt chiếu Long Cang nổi tiếng thuộc huyện Cần Đước, miền hạ của Long An

Điều đó khiến tôi vừa tò mò, vừa yêu thích. Lần đầu tiên gặp soạn giả Việt Sơn, tôi thấy ông có một tình yêu đặc biệt dành cho miền hạ. Cách ông bàn về những địa danh, tên gọi, từ ngữ địa phương khiến tôi cảm nhận được tình cảm ông dành cho miền hạ rất lớn. Tình cảm đó chỉ có được ở người nghiên cứu hoặc của một người khi nói về quê hương mình. Và soạn giả Việt Sơn có cả 2 điều đó.

Soạn giả Việt Sơn sinh ra và lớn lên ở làng dệt chiếu Long Cang nổi tiếng thuộc huyện Cần Đước, miền hạ của Long An. Tuổi thơ ông đã quen thuộc với điệu nhịp nhàng của làng dệt chiếu. Ông hiểu rõ con nước lớn, ròng, con còng, cây đước. Khi trở thành soạn giả, mỗi lần tìm kiếm cảm hứng cho một đề tài nào đó, thói quen của ông chính là đọc và tìm hiểu trước, sau đó là đến và cảm nhận. Sự hòa trộn giữa cảm nhận của người nghệ sĩ kết hợp cùng kiến thức thu thập được chính là nền tảng để soạn giả Việt Sơn cho ra đời những bài vọng cổ đi vào lòng người cho đến tận hôm nay.

Người Long An, đặc biệt là người Cần Đước hẳn ai cũng biết hoặc từng nghe qua bài ca cổ Đôi chiếu Long Cang:

Chiếu Long Cang nhịp nhàng em dệt  

Bấy nhiêu tình đặt hết vào đây

500.jpg

Mỗi lần tìm kiếm cảm hứng cho một đề tài nào đó, thói quen của soạn giả Việt Sơn chính là đọc và tìm hiểu trước, sau đó là đến và cảm nhận (Trong ảnh tư liệu: Soạn giả Việt Sơn (thứ 2, trái qua) trong một chuyến đi sáng tác)

Đây được xem là một trong những tác phẩm thành công của soạn giả Việt Sơn khi được nhiều nghệ sĩ thể hiện và trở nên phổ biến cho đến tận hôm nay. Soạn giả kể: “Tôi viết bài vọng cổ Đôi chiếu Long Cang để bày tỏ tấm lòng yêu mến quê hương của mình. Thông qua tình yêu nam nữ, tôi muốn đặt vào đó tất cả tình yêu và sự tự hào về quê hương mình. Với tôi, đó là một lời cảm ơn dành cho mảnh đất quê nhà”.

Soạn giả Việt Sơn chia sẻ rằng, lối viết của ông thiên về kể chuyện và đằng sau những câu chuyện kể chính là tình cảm tác giả gửi gắm cho đất, cho người. Sự am hiểu về quê nhà giúp những câu chuyện kể trong các tác phẩm về miền hạ của soạn giả Việt Sơn trở nên ngọt ngào khó tả.

Ngoài Đôi chiếu Long Cang, soạn giả Việt Sơn còn viết nhiều bài ca cổ khác liên quan đến các huyện: Châu Thành, Cần Giuộc, Cần Đước: Khung trời miền Hạ, Đất mẹ, Người mẹ và bãi còng, Tình em Tầm Vu,…

Tất cả những ca khúc đều thấm đẫm yêu thương và sự am hiểu về vùng đất gần biển và một thời khó khăn, vất vả. Hình ảnh con còng, những bãi “biền chiêng”, “con nước ròng bỏ bãi”,… phải là người thật thương, thật hiểu mới có thể đưa vào vọng cổ một cách ngọt ngào. Những câu chuyện về miền hạ Long An luôn được người mộ điệu đón nhận nhiệt tình dù đã qua mấy mươi năm thay đổi.

Gia tài sáng tác của soạn giả Việt Sơn đã lên đến hàng trăm bài vọng cổ, kịch bản cải lương. Cho đến bây giờ, ông vẫn viết đều đặn và không mệt mỏi. Với soạn giả Việt Sơn, được viết và được người mộ điệu yêu thương đón nhận “đứa con tinh thần” của mình, đó là hạnh phúc!

Quế Lâm  Báo Long An

Bài trướcHương tình miền Hạ
Bài tiếp theoThầy giáo Trần Quốc Thịnh & nghiệp đờn ca tài tử!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây