Thầy giáo Trần Quốc Thịnh & nghiệp đờn ca tài tử!

0
1066

QUẾ LÂM

Thầy giáo Trần Quốc Thịnh (giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THCS Thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) dùng chữ “duyên” để nói về sự gắn bó của mình với bộ môn nghệ thuật truyền thống – đờn ca tài tử (ĐCTT). Ngoài thời gian đứng trên bục giảng, thầy giáo còn là tài tử ca, tác giả của nhiều bản vọng cổ, bài ca tài tử được người trong giới yêu thích và đánh giá cao. Thầy giáo Thịnh được biết đến với nghệ danh Trần Thịnh.


Thầy giáo Trần Quốc Thịnh

Trong buổi sáng se lạnh, nhấp một ngụm nước trà ấm và nghe các tài tử miệt vườn chơi ĐCTT thì chẳng gì bằng. Giọng Trần Thịnh cất lên ấm áp nhưng lại đượm buồn: “Bao lần mẹ bảo rằng, trọn đời mẹ ở lại Bạc Liêu, bên mái nhà xưa, có bóng cha, người chiến sĩ kiên trung, đã dâng trọn đời mình cho quê hương…”.

Ngoài thời gian đứng trên bục giảng thì Trần Thịnh còn là tài tử ca, tác giả của nhiều bản vọng cổ, bài ca tài tử được người trong giới yêu thích và đánh giá cao.

Trần Thịnh & NS-CS Thế Hiển

Bài Phụng Hoàng cầu “Về lại Gành Hào” của thầy giáo tiếng Anh vùng Cần Đước đã đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tác lời mới 20 bản tổ ĐCTT Nam Bộ tỉnh Bạc Liêu năm 2020. Bằng ngôn từ giàu cảm xúc, bài ca khiến người nghe như hiểu được nỗi lòng người con xa xứ vừa trở lại thăm quê.
Trần Thịnh chia sẻ: “Tôi sáng tác bài ca này dựa vào một phần ký ức của bản thân về vùng đất Bạc Liêu khi có dịp về thăm và tình cảm thật của mình khi từng có thời gian đi học xa nhà”. Sự da diết trong lời ca, tiếng đờn dễ khiến khách mộ điệu say lòng lúc lắng nghe.
Ngày trước, cũng bởi yêu mến tiếng đờn của cha, của chú mà cậu thanh niên Trần Quốc Thịnh làm hồ sơ thi vào Trường Nghệ thuật sân khấu TP.HCM. Nhưng thời điểm đó, không nhận được sự ủng hộ của gia đình nên Trần Quốc Thịnh trở lại với đam mê thứ hai của mình là ngôn ngữ và trở thành giáo viên tiếng Anh như hiện tại. Mặc dù vậy, tình yêu dành cho đờn ca của Trần Thịnh chưa khi nào vơi bớt. Trần Thịnh tìm đến Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh tham gia lớp học ĐCTT và kết nối cùng những người cùng sở thích, đam mê. Đến nay, hầu như câu lạc bộ ĐCTT nào của Cần Đước, Trần Thịnh cũng tham gia với vai trò là tài tử ca và tác giả sáng tác bài ca.

Việc sáng tác bài ca đến với Trần Thịnh cũng như một cái “duyên” khi bài vọng cổ đầu tay “Lao xao tháng tư” được giới thiệu trên Đài Truyền hình TP.HCM. Đây là động lực đối với người mới tập tành sáng tác. Bản vọng cổ “Em là cô giáo Trường Sa” sau đó cũng được Đài Truyền hình TP.HCM ghi hình, các bài ca tài tử được người trong giới đánh giá cao.
Đó vừa là niềm vui, vừa là động lực để thầy giáo, tác giả Trần Thịnh tiếp tục hành trình của mình. Đó cũng là “trái ngọt” cho tình yêu và nỗ lực của người thầy giáo quê hương Cần Đước, “cái nôi” của ĐCTT tại Long An.
Là người sống giàu tình cảm, những bài ca do Trần Thịnh sáng tác hầu hết đều xuất phát từ cảm xúc thật của bản thân. Có lợi thế về các môn xã hội từ nhỏ nên tác phẩm của Trần Thịnh luôn có từ ngữ
trau chuốt và giàu tình cảm. Có lẽ chính điều đó đã giúp tác giả Trần Thịnh được giới ĐCTT tỉnh nhà và người mộ điệu yêu mến. Là người sáng tác, đồng thời cũng là một tài tử ca là lợi thế của Trần Thịnh, bởi theo nhận xét của nhà nghiên cứu Võ Trường Kỳ: “Nội dung bài ca dù có ý nghĩa phong phú, văn chương trau chuốt cũng chưa đủ mà còn đòi hỏi tác giả phải vận dụng đúng âm vận bằng, trắc của từng hơi điệu trong các thể loại Bắc, Nam, Oán, Ngự mới tạo được tác phẩm hay”.


Giờ đây, ngoài thời gian đứng lớp và dành cho gia đình, còn lại thầy dành hết cho nghệ thuật ĐCTT. Trong một chuyến tham quan đến vùng đất mới hay thậm chí là một khoảnh khắc nào đó trong cuộc sống hàng ngày, chỉ cần đủ cảm xúc là Trần Thịnh sáng tác ngay.
Lời bài ca được phác thảo trong điện thoại và sẽ trau chuốt lại vào thời điểm thích hợp. Một tác phẩm ra đời được thầy mang đi “trình diện” ở nhiều nhóm đờn ca khác nhau để lắng nghe góp ý của khách tri âm, của các bậc anh, chú cùng một say mê. Có lẽ bởi vậy mà Trần Thịnh nói: “Một tác phẩm của tôi được hoàn chỉnh là có công sức của rất nhiều người”.
Với Trần Thịnh, chơi ĐCTT là đam mê, sáng tác bài ca, bản vọng cổ là một phần trong cuộc sống. Tất cả những điều đó hòa quyện với nhau tạo nên người thầy giáo, một tài tử miệt vườn đúng chất. Và những người như Trần Thịnh, có thể nói, chính là một phần “linh hồn” của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ.
Bởi, đó là cách mà ĐCTT được gìn giữ, tồn tại, lưu truyền cho đến ngày nay như sách ĐCTT Nam Bộ có đoạn viết: “Chơi ĐCTT trước hết là không nhằm mục đích vụ lợi mà cốt để thỏa mãn nhu cầu sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật cho chính bản thân người chơi và khách tri âm mộ điệu”.
Thầy giáo, tài tử Trần Quốc Thịnh từng đoạt nhiều giải thưởng về ĐCTT:
– Giải nhất cuộc thi Sáng tác lời mới 20 bản tổ ĐCTT Nam bộ tỉnh Bạc Liêu năm 2020.
– Giải nhì ca tài tử nhịp 16 Hội thi ĐCTT tỉnh Long An lần thứ II năm 2020.
– Giải nhất hát về nông thôn mới Hội thi ĐCTT tỉnh Long An lần thứ II năm 2020.
– Giải nhất thể điệu ngự Hội thi ĐCTT tỉnh Long An năm 2020

– Giải nhất thể điệu lý hát cuộc vận động sáng tác các làn điệu dân ca do TTVT TP. HCM tổ chức năm 2021.

Ngoài ra, trong lĩnh vực chuyên môn, thầy giáo Trần Quốc Thịnh cũng đạt nhiều thành tích: Nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Quế Lâm – Báo Long An

Bài trướcNgười Cần Đước: Soạn giả Việt Sơn và miền hạ
Bài tiếp theoHàng me Cần Đước giữa lòng Sài Gòn!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây