Đặc điểm phát triển tôn giáo ở Cần Đước (phần 2)

0
550

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Chúng ta nhớ thời điểm tháng 2/1859 thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm thành Gia Định, đến tháng 2/1861 chiếm đại đồn Chí Hòa và tiến đánh lấn ra chiếm Tân An, Biên Hòa, Gò Công…và Cần Đước từ rất sớm đã trở thành địa bàn chiến đấu của nghĩa quân dưới cờ của những thủ lĩnh như Bùi Quang Diệu, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Văn Thế, Nguyễn Văn Tiến…nhằm ngăn chặn bước tiến quân của Pháp.

Vì là chiến trường nên xã hội bị xáo trộn không ổn định và mọi nguồn lực cần tập trung cho mục tiêu chống Pháp nên những nhu cầu khác phải dừng lại, đó là lý do rất thuyết phục để giải thích vì sao trong suốt 20 năm từ sau 1860 đến 1880 ở Cần Đước không xuất hiện thêm một ngôi chùa nào.

Chùa Phước Lâm (Tân Lân)

Nhưng những cuộc khởi nghĩa ở Cần Đước dù rất kiên cường cũng sớm lụi tàn do tương quan lực lượng không cân sức và cũng do thực dân Pháp tập trung đàn áp. Năm 1862 Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông. Từ sau trận đánh chìm tàu giặc ở Vàm Nhật Tảo ngày 10/12/1861 thì Nguyễn Trung Trực đã rút về Biên Hòa và sau đó lui về Rạch Giá; năm 1864 Trương Định tuẫn tiết ở Gò Công và trong bối cảnh cùng đường đó Bùi Quang Diệu đang hoạt động ở Cần Đước đã rút về chiến đấu cùng Võ Duy Dương ở Đồng Tháp Mười. Sau khi căn cứ Đồng Tháp Mười thất thủ vì cùng đường nên Bùi Quang Diệu buộc phải chọn con đường bãi binh và ra hàng Pháp tháng 9/1866. Như vậy thực dân Pháp đã bình định được vùng Cần Đước ngay nữa đầu thập niên 60 của thế kỷ 19 và xã hội đã không còn chiến tranh, trở lại yên ổn dù dưới sự cai trị của giặc ngoại xâm. Và chính sự ổn định tạm thời nầy mà chùa chiền tiếp tục được xây dựng ở Cần Đước như Phước Đông, Tân Lân, Tân Trạch.


 Tổ đình Linh Phước (Mỹ Lệ)

Trong thế đã bình định xong Nam Kỳ, các cuộc đấu tranh chống Pháp ngày càng đi vào bế tắt và lắng dịu, tình hình xã hội tạm yên ổn nên Pháp đã cho đào con kinh Nước Mặn trên địa bàn Cần Đước năm 1879 và chùa chiền cũng đã tiếp tục được xây dựng như chùa Phước Lâm xã Tân Lân năm 1880, chùa Phước Sơn xã Phước Đông 1884, chùa Quang Minh xã Tân Lân và chùa Định Phước xã Tân Trạch 1890.

Cho đến hết thế kỷ 19 ở Cần Đước đã có 10 chùa Phật và đều là những chùa được xây dựng to lớn. Các chùa Phước Lâm xã Tân Ân; chùa Phước Lâm, chùa Quang Minh xã Tân Lân; chùa Phước Sơn xã Phước Đông tuy ở khác địa bàn hành chính nhưng trên thực tế thì nằm rất gần nhau trên địa bàn vùng đông dân cư quanh chợ Cần Đước. Nay các chùa nầy đều thuộc thị trấn Cần Đước. Điều nầy cho thấy vào cuối thế kỷ 19 khu vực chợ Cần Đước kinh tế xã hội cũng đã khá phát triển.

Thánh thất Phước Tuy

Thời điểm nầy Nam Kỳ đã nằm dưới sự thống trị của thực dân Pháp song song đó là một quá trình tập trung ruộng đất vào tay điền chủ. Và những người điền chủ có tâm đã bỏ tiền xây chùa. Chùa Phước Lâm và chùa Quang Minh (1890) ở làng Tân Lân, chùa Phước Sơn làng Phước Đông (1884)…đều do điền chủ bỏ tiền xây dựng. Chùa Phước Lâm là do họ Bùi (ông Hội đồng Tôn) và chùa Quang Minh là do họ Đinh (ông Hương thân Cang), chùa Phước Sơn do dòng họ Lê bỏ tiền xây dựng và rước sư về làm trụ trì.

Chùa Quang Minh (Thị trấn Cần Đước)

Từ đó chùa ở Cần Đước có một đặc điểm là có chủ chùa tức là người bỏ tiền ra xây dựng chùa, hiến ruộng đất cho chùa để hổ trợ kinh tế cho nhà chùa tồn tại và hoạt động. Ông sư trụ trì chủ yếu lo phần nghi lễ cúng tế và có một gia đình gồm vợ con ở cạnh chùa,  bà vợ cũng có vai trò giúp đở cho ông chồng trụ trì nhiều việc trong sinh hoạt thường ngày của chùa.

Từ đặc điểm nầy nên chùa không còn là những thảo am nhỏ bé thời còn hoang sơ mà thường được xây to lớn, đẹp, hoàn chỉnh theo một mô thức kiến trúc từ chùa chính cho đến nhà trù. Kiến trúc, tượng phật được chạm trổ tinh vi, kèm theo là một hệ thống hoành phi câu đối. Chùa được hiến ruộng như chùa Phước Lâm, Tân Lân có đến mấy chục mẩu ruộng và từng là tổ đình của dòng Lâm Tế ở Cần Đước, nuôi dưỡng đào tạo rất nhiều tăng tài.

Nhà thờ Nhà Ràm (Tân Trạch)

Có thể nói thế kỷ 19 là thời kỳ kinh tế xã hội Cần Đước đã khá phát triển và kèm theo đó Phật giáo cũng có điều kiện phát triển theo với sự hiện diện của những ngôi chùa to trên các khu vực đông dân như chợ Cần Đước, chợ Rạch Kiến, làm chỗ dựa tâm linh và góp phần làm phong phú đời sống tinh thần và đạo đức xã hội.

Đạo công giáo đã bám rễ ở Cần Đước từ đầu thế kỷ 18 với những giáo dân chạy nạn từ miền ngoài, họ đi bằng đường biển hòa trong dòng lưu dân vào cửa Soài Rạp rẻ vào sông Vàm Cỏ Đông, ghé vào những biền lá ven sông phá rừng và lập thành những xóm đạo. Nhà thờ Nha Ràm được ghi nhận ở xã Tân Trạch năm 1802, đây là thời điểm chúa Nguyễn Ánh đã đánh bại hoàn toàn nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước và lên ngôi với niên hiệu Gia Long và đã có chính sách cởi mở đối với đạo công giáo. Đến năm 1870 ghi nhận thêm sự có mặt của nhà thờ Mỹ Điền ở xã Long Hựu và nhà thờ Vạn Phước ở kinh Xóm Bồ, xã Mỹ Lệ. Đáng chú ý là hai nhà thờ nầy xuất hiện chỉ sau ba năm khi người Pháp đã chiếm xong Nam Kỳ (1867) và chắc là sự có mặt của người Pháp đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời của hai nhà thờ công giáo nầy.

Như vậy đến cuối thế kỷ 19 ngoài chùa chiền Phật giáo thì ở Cần Đước đã xuất hiện thêm những nhà thờ Công giáo với đặc điểm là đều nằm ở ven sông Vàm Cỏ Đông và nhánh rẻ kinh Xóm Bồ, Mỹ Lệ.

Bài và ảnh ThS Nguyễn Văn Đông

 

Bài trướcĐặc điểm phát triển tôn giáo ở Cần Đước thế kỷ 18, 19 (phần 1)
Bài tiếp theoĐặc điểm phát triển tôn giáo ở Cần Đước – Thế kỷ 20 (phần cuối)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây