Đặc điểm phát triển tôn giáo ở Cần Đước – Thế kỷ 20 (phần cuối)

0
1168

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Giai đoạn 1945 -1954

Là thời kỳ thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam và đã nổ ra cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng chúng ta thấy ở Cần Đước phật giáo vẫn tiếp tục phát triển với sự xuất hiện đều đặn của 06 ngôi chùa gồm chùa Linh Phước (Long Hựu, 1946); chùa An Hòa (Tân Trạch, 1947); chùa Phật Bửu (Phước Vân, 1950); chùa Long Bửu (Long Khê, 1952); chùa Đông Sơn (Long Sơn, 1954); chùa Hưng Quang (Tân Lân, 1954).

Chùa Phước Lâm – Ảnh Công Toại

Đạo Cao đài cũng tiếp tục phát triển với 05 thánh thất thuộc Hội thánh Bến Tre gồm nhà tu Tân Trạch (1946); thánh thất Long Trạch (19510; thánh thất Long Khê (1952); thánh thất Long Định (1952); thánh thất Tân Trạch (1954) và bắt đầu xuất hiện 01 cơ sở thờ tự hệ Cao Đài Tây Ninh là đền thờ Phật mẫu ở Phước Đông (1947) nay là thị trấn Cần Đước.

Chúng ta thấy các ngôi chùa Phật và các thánh thất Cao Đài xây dựng ở giai đoạn nầy ở Cần Đước có xu hướng phát triển lên ở các xã vùng Thượng. Và Cao Đài Tây Ninh mới bắt đầu bám rể được ở Cần Đước trong lúc Hội thánh Cao Đài Ban chỉnh đạo Bến Tre đã có 11 thánh thất từ vùng Hạ đến vùng Thượng Cần Đước.  

Giai đoạn 1955-1975 thời chế độ VNCH

Mặc dù đây là một giai đoạn đầy biến động ở miền Nam, chiến tranh rất ác liệt nhưng trong giai đoạn nầy ở Cần Đước chùa chiền Phật giáo vẫn xuất hiện đều đặn gần như năm nào cũng có và cũng rải khắp địa bàn huyện với 19 chùa, đặc biệt ở xã Phước Đông có thêm đến 06 chùa, xã Mỹ Lệ có thêm 04 chùa. Riêng ấp Xóm Chùa xã Tân Lân đến từ năm 1967 đã có 04 ngôi chùa. Các xã khác có 19 chùa gồm chùa Phước Linh (Phước Đông, 1955); chùa Hưng Cần (Phước Đông, 1957); chùa Phật Quang (Tân Lân, 1958); chùa Từ Ân (Long Khê, 1958); chùa Long Hoa (Long Trạch, 1960); chùa Vạn Phước (Phước Đông, 1961); chùa Pháp Hòa (Mỹ Lệ, 1963); Tân Quang Viện (Tân Lân, 1967); chùa Pháp Minh (Mỹ Lệ, 1969), TỊnh xá Phụng Hoàng (Long Hựu, 1969); chùa Tường Quang (Phước Tuy, 1970); chùa Hưng Hòa (Mỹ Lệ, 1970); chùa Thiên Sơn (Long Sơn, 1970); chùa Phổ An (Long Trạch, 1970); chùa Linh Phước (Mỹ Lệ, 1972); chùa Long Phước (Long Hòa, 1972); chùa Quan Âm, tỊnh thất Phước Đức (Phước Đông, 1972); tịnh xá Phổ Hiền (Phước Đông, 1975)

 Chùa Thọ Vức (Phước Đông) – Ảnh Thanh Minh

Giai đoạn nầy Cao Đài Ban chỉnh đạo Bến Tre tiếp tục có thêm 06 cơ sở, đặc biệt là từ năm 1970 đến 1973 có đến 05 cơ sở trong đó xuất hiện 03 cơ sở dạng nhà tu trung thừa gồm thánh thất Long Cang (1956);  thánh thất Tân Ân (1970); nhà tu Long Ninh xã Long Hựu (1972);  thánh thất ấp 2 Phước Đông (1973);  nhà tu Ao Gòn xã Tân Lân (1973);  nhà tu Long Hưng xã Long Hựu (1973);.

Đối với Hội thánh Cao Đài Tây Ninh ngoài Đền thờ Phật mẫu ở chợ Cần Đước có từ năm 1947 thì gần 10 năm sau từ năm 1956 đến 1970 đã có bước phát triển mới với thêm 04 thánh thất là thánh thất Mỹ Lệ (1956); thánh thất ấp Đình Tân Chánh (1960); thánh thất Long Hựu (1964); thánh thất Rạch Kiến (1970) và không phát triển thêm cơ sở nào nữa cho đến ngày nay.

Đạo Cao Đài ngoài hai hệ phái Bến Tre và Tây Ninh thì đến năm 1968 xuất hiện thêm Cao Đài Chiếu Minh với đàn Chiếu Minh ấp Rạch Cát, xã Long Hựu. Như vậy xã Long Hựu là xã có nhiều tôn giáo nhất trong huyện từ Phật giáo, Tin Lành, có đủ ba hệ phái Cao Đài Bến Tre, Tây Ninh và Chiếu Minh, lại có thêm Đạo Nhảy xuất hiện ở địa phương. Có thể xem đây là một đặc điểm tôn giáo ở vùng cù lao nầy.

Giai đoạn 10 năm sau ngày thống nhất đất nước (1975-1985) là giai đoạn được quản lý theo cơ chế tập trung quan liêu bao cấp thì mọi hoạt động tôn giáo đi vào tình trạng trầm lắng. Suốt 10 năm chỉ ghi nhận có thêm ba cơ sở tôn giáo là Tịnh thất Tam Bửu xã Phước Vân, 1976; nhà thờ Tin Lành VN xã Long Hựu Đông (1981) và chùa Liên Trì xã Long Khê (1983).

Chùa Thiên Mụ – Ảnh Nguyễn Văn Đông

Giai đoạn từ 1986 trở đi là thời kỳ đổi mới nên tư duy quản lý đối với tôn giáo cũng cởi mở hơn trước. Về Phật giáo từ 1992 đến 1996 có thêm 04 chùa là chùa Phổ Minh xã Phước Vân (1992); chùa Huệ Đăng (1992); chùa Tân Long (1993) ở thị trấn Cần Đước; chùa Tào Khê xã Long Khê (1996) và đến đây thì không còn thêm chùa mới nữa từ chủ trương chung.

Đối với đạo Cao Đài thì Cao Đài Bến Tre không có thêm cơ sở mới từ 1970, và Cao Đài Tây Ninh cũng không có thêm cơ sở mới từ 1973. Mãi đến năm 2008 thì mới có một cơ sở sinh hoạt của Cao Đài Tiên Thiên ở ấp 4 Long Định và năm 2011 Cao Đài Chiếu Minh có thêm Đàn Chiếu Minh thị trấn Cần Đước tách ra từ Đàn Chiếu Minh Long Hựu Đông. Như vậy ở Cần Đước có cơ sở của 04 hệ phái Cao Đài là Bến Tre, Tây Ninh, Chiếu Minh và Tiên Thiên.

 Riêng đối với đạo Tin Lành thì nhà nước đã có chính sách cởi mở hơn với việc công nhận hoạt động hợp pháp của cơ sở Hội thánh Tin Lành Mennonite Thiên Đăng xã Mỹ Lệ (2007);  điểm sinh hoạt Tin Lành Liên hữu cơ đốc xã Tân Lân (2011) và điểm sinh hoạt Tin Lành Phúc âm ngũ tuần thị trấn Cần Đước (2014).

Như vậy tính từ sau năm 1986
với chính sách đổi mới nên sinh hoạt tôn giáo ở Cần Đước đã khởi sắc, tất cả các cơ sở thờ tự tôn giáo đều đã được đầu tư xây dựng mới chưa từng có trong lịch sử phát triển tôn giáo ở địa phương.

Phật giáo đã bám rể vào dân cư từ rất sớm từ rất sớm từ thế kỷ 18, cùng theo đó là đạo Công giáo. Bước vào thế kỷ 20 là sự xuất hiện của đạo Cao Đài và đạo Tin Lành. Điểm đặc biệt là lại có tôn giáo xuất hiện ở địa phương là đạo Tâm hay đạo Nhảy ở xã Long Hựu cùng vào thời gian những năm 20, cũng có chùa chiền, tín đồ, kinh tụng ảnh hưởng từ Phật giáo và Tin Lành, nhưng đạo nầy đã sớm lụi tàn theo thời gian.

Thánh thất Cao Đài Đàn Chiếu Minh – Ảnh Thanh Minh

Đạo Phật có hệ thống chùa chiền có mặt khắp các xã, nhiều nơi tập trung rất nhiều chùa như thị trấn Cần Đước, xóm chùa Tân Lân. Nhiều ngôi cổ tự trăm năm tuổi, có giá trị kiến trúc văn hóa cao như chùa Phước Lâm xã Tân Lân được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, và cũng là tổ đình của dòng Lâm Tế.

Các chùa ở Cần Đước phần lớn đều theo dòng Lâm Tế, hệ phái Phật giáo cổ truyền Tịnh độ tông; các nhà sư đều có gia đình và sống gần gủi với thôn xóm, nhân dân.

Chùa ở Cần Đước thường do tư nhân xây dựng nên có chủ chùa, chủ chùa có ảnh hưởng lớn đối với chùa và cũng có trách nhiệm đối với chùa. Có những lúc do hoàn cảnh chủ chùa đã giao chùa cho chính quyền nên gọi là chùa làng như chùa Quang Minh xã Tân Lân. Có những chùa được xây dựng từ gốc là chùa mục đồng do những bé chăn trâu lập rồi dần phát triển lên.

Từ buổi đầu chùa cũng tọa lạc gần sông rạch, từ thế kỷ 20 trở đi do giao thông bộ đã phát triển nên chùa được xây dựng gần đường hơn. Chùa xưa ở Cần Đước thờ rất nhiều tượng Phật như Thích ca, Quan Âm, Di đà, ông Thiện ông Ác, tổ sư Bồ Đề Đạt Ma…sau nầy các chùa mới thuộc giáo hội Phật giáo VN thì chỉ thờ tượng Phật Thích ca trong chánh điện…

Hầu hết đất xây dựng thánh thất Cao Đài đều do điền chủ hiến ruộng và tín đồ góp công sức xây dựng. Thánh thất Tân Lân, thánh thất Tân Chánh do Thầy cai Dương (Cai tổng Dương) ở xã Tân Chánh hiến; thánh thất Phước Tuy do ông Năm Oanh, chủ hảng nước mắm Tam Hiệp Hương xã Phước Đông hiến; thánh thất Phước Đông do bà Cả Mọi là một điền chủ ở Phước Đông hiến…Ngoài đất dùng đắp nền để xây dựng ngôi thánh thất thì các thánh thất cũng còn được hiến thêm ruộng để làm giống như các chùa Phật giáo.

Các ngôi thánh thất có diện tích rất rộng, ngoài ngôi để thờ phượng hành lễ nằm ngay giữa thì còn rất nhiều đất để trồng rau. Thường được quy hoạch có hai cái ao nước rộng hình chữ nhật ở hai bên để cung cấp nước sinh hoạt và trồng trọt rau màu để tự cải thiện vì vùng Cần Đước rất khó khăn về nguồn nước. Nước của hai cái ao nầy còn phục vụ cho nhu cầu của bà con trong vùng cho nên rất được lòng dân. Ngoài ra thánh thất còn có trại hòm ngoài phục vụ chung thì còn sẵn sàng làm từ thiện cho những trường họp nghèo khó. Do được xây dựng lúc giao thông đường bộ đã phát triển nên hầu hết thánh thất các xã cũng thường ở ngay trục giao thông chính rất thuận tiện đi lại sinh hoạt…

Do đặc điểm du nhập theo di dân bằng đường thủy nên các nhà thờ công giáo đều được xây dựng dọc theo bờ sông Vàm Cỏ từ Long Hựu cho đến Phước Tuy, Tân Trạch, Mỹ Lệ, Long Định nhưng các nhà thờ đạo Tin Lành lại ở những nơi đông dân thị trấn, thị tứ như chợ Kinh Nước Mặn, thị trấn Cần Đước, Long Trạch.

ThS Nguyễn Văn Đông 

Bài trướcĐặc điểm phát triển tôn giáo ở Cần Đước (phần 2)
Bài tiếp theoVị ngọt nước mưa quê mình!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây