HẠNH NGUYỄN
Quê mình ở xứ phèn mặn, 6 tháng nắng, 6 tháng mưa. Mùa nắng thì nước sông mặn chát, ăn uống tắm giặt đều nhờ vào những chiếc lu chứa nước mưa của mùa trước. Mùa mưa thì ngoài nước trên trời rơi xuống, dưới sông thì nước ngọt dồi dào, đây là dịp người nông dân chuẩn bị cho mùa lúa mới, các cô gái như mình thì ngồi trên cầu dừa để giặt giũ quần áo thoải mái không dè sẻn nước ngọt như mùa nắng.
Ở quê mình nhà nào cũng có nhiều cái lu đựng nước mưa, nhà mình có khoảng 7- 8 cái thuộc loại nhà nghèo, nhà khá hơn người ta xây hồ lớn bằng xi măng để chứa nước mưa. Thông thường chiếc hồ có hình dạng ống tròn như cái “ống cống” nên bà con phân biệt giàu nghèo qua bao nhiêu cái lu, cái “ống cống” ấy!
Tuy vậy, nước mưa đựng trong lu bằng đất nung nước uống sẽ ngọt hơn hồ xi măng, nhất là nước mưa nhà lá có vị ngọt lịm không nơi nào có được. Nhớ ngày xưa đi đâu về khát nước lấy cái ca “nốc xi đáp“ (inox), ực một hơi “ta nói, nó mát, ngọt lịm làm sao!” cái ngọt của nước mưa vừa mát lạnh vừa ngọt tê đầu lưỡi.
Hiện nay, các huyện miền Hạ Long An đều tìm được nước ngầm, sau hàng trăm năm chờ đợi, các giếng khoan cung cấp nước cho người dân tận nơi xa xôi hẻo lánh. Trong khi đó, ngày xưa nước ngọt cho mùa nắng là một vấn nạn. Nhà khá giả thì “đổi nước” (mua nước ghe từ nơi khác chở tới), nhà nghèo như mình thì đi gánh nước từ cái ao làng.
Xóm nào cũng có mấy cái ao lớn ở trên đồng, mùa mưa ao đầy nước, trời nắng ao cạn dần do nắng và do bà con chia nhau gánh nước ngọt về xài. Những ngày đầu chưa quen, chiếc gánh với hai thùng thiếc đầy nước từ cái ao trong xóm về đến nhà hảo hụt chỉ còn một nữa! Còn đôi vai thì đau nhức vì cây đòn gánh “hành hạ”. Do vậy việc trời mưa là ước nguyện của người dân quê mình:
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
…
Còn lủ trẻ chúng tôi thì:
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi… tắm!
Tầm tháng 5 là cao điểm của mùa nước mặn và là cuối mùa khô! Những cơn mưa đầu mùa đã lác đác có trận lớn trận nhỏ! Người lớn trông mưa để chuẩn bị sạ lúa,vô vụ, có nước xài… Con nít trông mưa để tắm mưa để thoả mãn mấy trò nghịch ngợm – bắt cá lên!
Trời vừa mưa cơn đầu tiên là ba mình đã rục rịch chuẩn bị coi lại khạp lúa giống phơi khô đậy kỹ, chuẩn bị chờ cơn thứ 2 là ngâm giống gieo sạ!
Có khi một cơn mưa đầu mùa to kéo dài cả đêm – sáng dậy ngó ra đồng mấy cái đám ruộng khô nứt nẻ nay đất mềm ra, nước ngập mấy gốc rạ khô vài chồi mạ xanh nhú mầm lên như bắt đầu không gian mới! Trên mấy con đường đất đen với những dấu chân trần đầy sình đi lại, cả xóm như hồi sinh một sức sống mới. Mấy con trâu cũng có vẻ vui hơn vì được tắm mát, được nằm vũng sình mát mẻ, cái đuôi quất qua quất lại như vui theo dù mùa mưa là trâu đi cày “cực như trâu“ mà!
Sau cơn mưa đầu mùa nhà nhà lo chống dột, sửa lại máng xối, súc lu diệt lăng quăng, chuẩn bị chứa nước mưa mới. Nước mưa đầu mùa chủ yếu tắm giặt, không uống được thường chỉ xài đỡ 1-2 ngày rồi bỏ chờ nước cơn mưa sau!
Đám con nít như tụi mình thì lấy cá lia thia thả lu cho nó ăn bớt lăng quăng, mấy bữa đem cá ra đá coi cũng vui lắm!
Tới trận mưa lớn thứ 3-4 thì nước mưa ngọt và ổn định hơn, mình và mấy đứa bạn vừa tắm mưa vừa chạy lại vòi máng xối, tắm y như được tắm ở công viên nước Đầm Sen vậy!
Mùa mưa là mùa tái sinh cho cây cỏ vạn vật và cả con người! Tiếng “ Dí – Thá” điều khiển trâu cày ruộng, tiếng hò của mấy thím cấy lúa, tiếng quăng mạ đập gốc mạ của mấy anh mấy chú – những ngọn mạ non rung rinh xanh mởn! Trên mấy đám ruộng trống, rau chốc, bồn bồn cũng chen chúc mọc lên làm mấy chú vịt con thích thú vừa mổ cái đọt rau chốc non vừa reo vang “chíp chíp“ !
Hiện nay mùa mưa lại về, ba mình không còn gieo mạ nữa, mình cũng không còn tắm mưa nữa, không còn gánh nước nữa… nhưng những giọt nước mưa nhà lá ngày nào như ùa về không thể quên “Vị ngọt nước mưa quê mình”!
Hạnh Nguyễn