Những nơi không thể bỏ qua khi đến Cần Đước: Mỹ Lệ

0
1433

ThS. TRẦN MINH TRIẾT

Thời gian gần đây du lịch Cần Đước bắt đầu khởi sắc, nhiều người biết đến Ngôi nhà trăm cột, Đồn Rạch Cát, chùa cổ Phước Lâm, chùa Thiên Mụ, Đình Vạn Phước… để giúp cho du khách có thêm thông tin về Cần Đước, chúng tôi lần lượt giới thiệu bài viết của Thạc sĩ Trần Minh Triết về các địa danh của Cần Đước, bắt đầu từ xã MỸ LỆ.

Người Cần Đước

Cần Đước là một huyện thuộc tỉnh Long An, huyện có 17 đơn vị hành chính gồm 16 xã và thị trấn Cần Đước. Các xã vốn là các làng được chính thức lập từ sau năm 1698 khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam thiết lập nền hành chính và được chính quyền đặt tên theo âm Hán-Việt bắt đầu bằng các từ Tân, Long, Phước, Mỹ và và có ý nghĩa:Tân có nghĩa là mới.Long có nghĩa là thạnh [sung mãn]Phước có nghĩa là điều may mắn.Mỹ có nghĩa là đẹp. (Nguồn: Ths Nguyễn Văn Đông – Về Cần Đước).

MỸ LỆ
Xã Mỹ Lệ có diện tích 12,3km2 có trụ sở nằm tại Ấp Rạch Đào,với vị trí nằm ở cửa ngõ phía bắc huyện Cần Đước, ngay cạnh thị trấn trung tâm, điều kiện giao thông thuận lợi vì vậy có thể dễ dàng đến Mỹ Lệ.

Thời mới khẩn hoang xã Mỹ Lệ có 10 hộ gia đình rồi phát triển thêm, vì vậy ngày nay xã Mỹ Lệ có 3 đình làng là: Vạn Phước, Long Mỹ, Mỹ Lệ..tồn tại đến ngày nay.

Chợ Đào – Nơi ra đời câu ca “Gạo Cần Đước Nước Đồng Nai”

“Chợ Đào là một chợ nhỏ nằm bên con kênh đào ăn thông với kênh Xóm Bồ chảy qua xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước” (Nguồn:Nam Bộ xưa & nay,tr.114)

Tên chợ Đào có lẽ đã bắt nguồn từ kênh đào vì ban đầu người ta gọi chợ Kinh Đào, rồi rút gọn thành chợ Đào (một số địa danh có nhiều âm tiết nhưng người địa phương chỉ gọi một âm tiết, ví dụ: cầu Xóm Kiệu=cầu Kiệu(TP.HCM) sông Ông Đốc= sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cửa Hội Thống=Cửa Hội (Hà Tĩnh) Cửa Việt Khách=Cửa Việt (Quảng Trị)…

Từ trước năm 1820 (năm ra đời Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức), người dân Gia Định (mà cũng là miền Nam) đã sử dụng câu này

Theo Trịnh Hoài Đức “Nước sông Đồng Nai nổi danh mát, sạch, ngon, ngọt, nếu dùng nấu pha trà thì ở Nam bộ không nơi nào sánh bằng”

Còn về thức ăn, Gạo ở huyện Cần Đước là ngon nhất (nơi đây từng là vựa lúa nổi tiếng của đất Gia Định trong thế kỷ 19)

Theo dòng lịch sử, đây cũng là loại gạo đặc sản tiến vua từ gần 200 năm trước. Sách Đại Nam Thực Lục từng ghi nhận, năm 1838, vua Minh Mạng đã “định lại lệ chở nộp thóc vua dùng ở Gia Định. Thóc này ở 7 xã thôn huyện Phúc Lộc (huyện Cần Đước ngày nay), bông thưa gặt muộn, theo lệ cũ mỗi năm phải nộp 100 hộc, nay đổi làm 50 hộc”

Nơi đây có hàng chục loại gạo bắt đầu bằng từ nàng: Nàng Tri, nàng chồ, nàng co, nàng hương, nàng minh, nàng quất, nàng rẫy, nàng rừng, nàng sóc, nàng thơm, nàng… trong các loại trên thì nàng thơm ở chợ Đào là nổi tiếng nhất.

Lúa Nàng Thơm Chợ Đào là “hoa hậu chân dài” nhất trong các giống lúa ở Việt Nam, cây cao nhất đến 1,8m. Gạo có hạt thon dài, chà trắng ra chính giữa bên trong hạt có màu hồng (theo những người dân có kinh nghiệm tại địa phương thì cách để phân biệt Gạo Nàng Thơm Chợ Đào gốc với gạo Nàng Thơm trồng ở nơi khác là: Hạt gạo có khối trắng đục, hơi có ánh hồng nằm ở giữa, người địa phương gọi là “Hột lựu” và chỉ có vùng này có hột lựu ấy, đây là điều kỳ diệu cho đến nay chưa lý giải được) phía ngoài hạt gạo có một lớp cám mỏng rất thơm.

Phải nói rằng đây là loại “lúa khó tính”, nó mang đặc tính sinh lý khá ngặt nghèo: Kén đất, đúng thời vụ & kỹ thuật chăm bón, năng suất thường thấp nhưng bù lại giá trị kinh tế cao..(Nguồn: Nam Bộ xưa & nay, tr115)

Thêm yếu tố nữa là: Nếu giống lúa này đem trồng nơi khác (kể cả các xã lân cận trong huyện) thì hương vị, độ dẻo…sẽ giảm đi đáng kể.

Cánh đồng lúa Mỹ Lệ


Xã Mỹ Lệ

Rạch Đào chảy qua vùng Mỹ Lệ

Một cơ sở kinh doanh đặc sản Gạo địa phương 

Mỹ Lệ không chỉ nổi tiếng vì Gạo

Với hơn 300 năm hình thành và phát triển, Mỹ Lệ còn là nơi lưu giữ nhiều công trình kiến trúc có giá trịnhư: Chùa, đình, đền… bên cạnh các lễ hội và nghệ thuật rất đặc sắc

Đình Vạn Phước

+ Vị trí, đường đến di tích: nằm cách trung tâm huyện khoảng 6km, theo TL826 tại Ấp Cầu Chùa.(xưa là ấp 2 là 1 trong những nơi có gạo ngon nhất vùng).

+ Lịch sử hình thành và phát triển: Xây dựng đầu tiên vào năm 1877, xây dựng lại vào năm 1959, Đình Vạn Phước là thiết chế làng xã truyền thống Nam bộ, là cơ sở tín ngưỡng dân gian. Đình còn là nơi lưu niệm 2 nhân vật lịch sử: Đốc binh Bùi Quang Diệu (còn gọi là Quản Là – tham gia trận đánh Pháp tại Cần Giuộc) và nhạc sư Nguyễn Quang Đại.

Nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại (thầy Ba Đợi) thuộc dòng họ Nguyễn Nhữ ở Quảng Trị. Ông từng hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp trong dàn nhạc cung đình Huế. Khoảng cuối thế kỷ XIX, hưởng ứng phong trào Cần Vương, ông vào Nam truyền dạy âm nhạc ở nhiều địa phương. Đặc biệt ở vùng Chợ Lớn, Cần Đước, Cần Giuộc, Tân An, ông dạy rất nhiều học trò về sau trở thành nghệ nhân, nhạc sư nổi tiếng. Sau thời gian truyền dạy nhạc tại Cần Đước, ông trở về phường ĐaKao (TP.HCM) tiếp tục dạy nhạc và qua đời tại quận 8.

Trước đây, lễ húy kỵ và linh vị của nhạc sư Nguyễn Quang Đại được tổ chức tại quận 8. Tuy nhiên, theo nguyện vọng của người dân Cần Đước, nơi ông từng lưu lại và truyền dạy nhạc lễ, nhạc tài tử, năm 1996, linh vị của ông được thỉnh về đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước để thờ phượng đến nay.

+ Lễ hội: Vào ngày 16.1 âm lịch hàng năm, ban hội hương đình và người dân địa phương tổ chức lễ cầu an, lễ huý kỵ nghệ nhân-Nhạc sư Nguyễn Quang Đại và liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ nằm, là điểm tham quan văn hoá nổi tiếng, đây cũng là nơi diễn ra hoạt động nghệ thuật rất ý nghĩa, liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ thường niên vào cuối năm.

+Giá trị và ý nghĩa di tích: Đình Vạn Phước có giá trị lịch sử – văn hóa tiêu biểu, quan trọng đối với huyện Cần Đước, tỉnh Long An và Đồng bằng sông Cửu Long,  

+ Giá trị được xếp hạng: Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 2021

+ Thực trạng trong khai thác du lịch: Cùng trên tuyến đường TL826, gần chùa Phước Lâm, điều kiện giao thông thuận lợi, từ vị trí đậu xe vào đến di tích khoảng 200m, hiện tại đình cũng đã được đầu tư xây dựng lại rất khang trang, trong thời gian qua rất nhiều du khách đến tham quan, điểm thú vị là có thể kết hợp thưởng thức đờn ca tài tử ngay tại nơi xuất phát của môn nghệ thuật này

 Lối vào đình Vạn Phước

Hoạt động đờn ca tài tử tại đình Vạn Phước

 Mộ và đền thờ Lãnh binh Nguyễn Văn Tiến

+ Tên gọi: Di tích có tên gọi là “Mộ và đền thờ Tổng lãnh binh Nguyễn Văn Tiến” nhân dân quanh vùng thường gọi là “Lăng Ông” Sở dĩ có tên gọi này là để tỏ lòng kính trọng.

Riêng tên gọi “Chợ Trạm” xuất hiện từ lâu, trên con đường từ mặt nam Thành Gia Định đi Gò Công, nơi đây là trạm nghĩ dừng chân để đi tiếp. Từ đó trở thành tên gọi quen thuộc lưu truyền trong dân gian cho đến ngày nay.

+ Vị trí: Mộ và đền thờ ông thuộc ấp 7 (Chợ Trạm), xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Nằm trên tuyến Quốc Lộ 50, ngay sát chợ Trạm, du khách chỉ cần đi bộ vào khoảng 200m từ Chợ Trạm là đến di tích

+ Lịch sử hình thành: Nguyễn Văn Tiến sinh năm 1848, cha ông là Nguyễn Văn Xương – một thầy võ nổi tiếng, mẹ tên Phan Thị Yến ở làng Quảng Tập (nay thuộc thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ). Năm 16 tuổi, Nguyễn Văn Tiến tham gia chiến đấu trong hàng ngũ nghĩa quân.

Là người giỏi võ nghệ lại có tài chỉ huy xuất sắc, sau đó ông được phong làm Chưởng Cơ điều khiển cánh nghĩa quân hoạt động ở vùng Tân An, Vàm Cỏ, Cần Đước, Cần Giuộc ngày nay, trong trận tập kích bất ngờ ở vùng Bình Đăng (Bình Hưng, quận 8, TP.HCM ngày nay), giặc Pháp bắt được ông, thuyết phục ông kêu gọi những quân sĩ dưới quyền nên hạ vũ khí ra đầu thú chúng, nhưng trước sau ông vẫn đều kiên quyết từ chối”.

Sáng ngày 03/10 năm Quí Mùi (22/11/1883), Pháp đã xử chém ông tại Chợ Trạm, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước.

Để tưởng nhớ người anh hùng vì nước quên thân, người dân Mỹ Lệ, Cần Đước đã cùng nhau dựng lên khu Lăng ông để ngày ngày được thắp nhang tưởng nhớ và hàng năm làm lễ giỗ trọng thể cho ông.

+ Khảo tả di tích: Trong khuôn viên Lăng ông có phần mộ, đền thờ ông

Lễ giỗ đức ông Nguyễn Văn Tiến  được tổ chức vào ngày 03/10 hàng năm. Ngoài lễ vật, người dân còn phụng cúng nhạc lễ và chơi tài tử tại lễ giỗ, bởi Cần Đước được xem là cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử tại Long An.

+ Ý nghĩa và giá trị di tích: Tổng lãnh binh Nguyễn Văn Tiến đã sống trong lòng người dân Chợ Trạm, Mỹ Lệ, Cần Đước nói riêng và Long An nói chung như vậy. Dù là thời loạn lạc hay lúc hòa bình, cuộc sống yên vui thì người dân cũng có cách để thờ phụng và nghĩ tới đức ông, người anh hùng yêu nước và quyết chiến đấu tới giây phút cuối cùng.

+ Giá trị xếp hạng: Di tích lịch sử cấp tỉnh, sau thời gian xuống cấp, vào năm 2021 nhân dịp kỷ niệm ngày mất lần thứ 138 ngày mất tổng lãnh binh, huyện Cần Đước đã trùng tu phần mộ và đền thờ rất khang trang.

* Sau khi trùng tu thì hiện nay việc bảo quản di tích rất được quan tâm, nơi đây được dự đoán là địa chỉ thu hút khách du lịch quan tâm đến lịch sử trong thời gian sắp tới


Đền thờ và lăng mộ tổng lãnh binh Nguyễn Văn Tiến

 

Bài và ảnh ThS.Trần Ngọc Triết

Bài viết sử dụng nhiều thông tin từ:

– Kỷ yếu toạ đàm khoa học – Phát huy giá trị văn hoá trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

– Về Cần Đước – tác giả Nguyễn Văn Đông.

– Nam Bộ Xưa và nay.

 

Bài tới: Tân Chánh

Bài trướcTour du lịch sinh thái Cần Đước tại sao không?
Bài tiếp theoChuyện nước ở Cần Đước (1)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây