Dọn nhà đón Tết

0
367

HUỲNH VĂN HẠNH

Sau khi dọn sạch các ngôi mộ ông bà, công việc tiếp theo là dọn nhà đón Tết.
Những ngày này mẹ và chị buôn bán, ba và anh đi ghe đổi nước. Lúc này hết mưa nên Xứ Cần Đước được đổi tên là “Cần Nước”.
Dọn nhà ăn Tết thường do tôi đảm nhận và đó cũng là thông lệ hàng năm.
Tôi còn nhớ ngôi nhà cỗ, phía trước hai bên là các cột gổ vuông khoảng 5-6 cm đóng song song giữa hai tấm ván kèm chặt phía trên và bên dưới là ngạch cửa, cách khoảng đều  nhau, ở giữa là hai cửa với ván ngăn. Ngôi nhà xưa lợp lá, sau này có tôn nên đa phần nhà trong xóm lợp tôn. Nhà rất mát vào hè nhưng rất lạnh vào mùa đông. Những năm gió bấc lạnh lùng, hai hàng song phía trước được che bởi hai tấm đệm phơi lúa. Vách nhà còn che lá đơn sơ chỉ phủ kín, nhưng không chắc chắn dễ bị trộm cắt vách chui vào. Ngày xưa nhiều nhà cũng phủ vách lá như thế vì trong nhà chẳng có gì quí để trộm bán.

Bàn thờ tổ tiên ngày Tết

Giữa nhà là bàn chữ nhật, hai bộ ván hai bên, một bằng gổ săng đá và một bằng cây gõ. Bàn thờ ông bà cũng bằng gỗ. Cách bố trí trong nhà ngày xưa đa phần giống nhau như vậy. Lau dọn nhà phải sạch sẽ, hàng cột gỗ phải rửa sạch sau một năm bụi bám đầy, bàn, tủ thờ bằng gỗ sau khi lau sạch, dùm cirage đánh bóng lại. Mái tôn che được quét sạch trước tiên bằng chổi mới.
Dọn cả trước và sau nhà phải mất 2 ngày, công việc có cực nhưng vui vì những ngày trước đó mẹ đã đặt mấy bộ đồ mới chuẩn bị đón Tết. Chén dĩa kiểu được lấy ra rữa đặt vào thúng để lên bộ ván nhỏ gần bếp. Các lu nước quanh nhà nếu lu chứa nước mưa phải đậy nắp kín và ván giấy dầu chung quanh để không cho dán, kiến núp nắng và tìm nước uống vào mùa khô. Các lu còn lại chứa nước đổi dư của ghe nước mà ba và anh chở về.
Ngày áp Tết 27 hoặc 28 tháng chạp mẹ và chị vừa bán buôn cả ngày, vừa mua thịt ,cá trái cây, hoa chưng Tết  chuẩn bị cho những ngày Tết để tôi sang nhận mang về làm sạch để chiều khi chợ ít khách mẹ hay chị về nấu nướng. Hoa và trái cây được dọn trên các bàn thờ. Để trái cây không bị rơi đổ thường các nải  chuối để bên dưới, ở giữa là dưa hấu hay bưởi, quít vàng, hồng được chất xung quanh và trên cùng là trái quít. Phía sau tủ thờ thường đặt bàn thấp hơn để chưng dọn đồ cúng và cũng là nơi đặt sẵn những quả dưa hấu ăn trong những ngày Tết. Trên tủ thờ luôn đặt thêm hai dĩa bánh chưng, bánh ích, bánh in cúng suốt ba ngày Tết để ông bà về  hưởng cùng con cháu. Ngày xưa không có ” cầu vừa đủ xài” mang tính hình thức gượng ép như ngày nay. Có những gia đình như bà chị hai không bao giờ cúng chuối. Món ăn thông dụng cho ba ngày tết là thịt kho với trứng sau khi luộc và bóc vỏ bỏ vào, ngày xưa gọi là thịt kho tàu. Đây là món ăn cách làm đơn giản nhưng để càng lâu càng ngon, mỡ rất béo và trứng rất đông, món này thường kèm với dưa giá. Nhà bán kiệu nên lúc nào cũng có hủ củ kiệu làm chua. Tôi còn nhớ lúc đâu kiệu  khô mua về chỉ thế đem bán, không biết có bà nào trước khi bán lặt hết lá khô rửa sạch rễ. Để làm theo nếu không mất mối nên mẹ tôi phân công hằng ngày dù đi chơi lâu mau nhưng nhiệm vụ là phải dọn sạch thau đầy kiệu khô ngâm nước.

Mâm quả ngày Tết

Sau khi chuẩn bị đầy đủ trên bàn thờ là giăng bông giấy trang hoàng nhà trước. Giữa nhà ngôi đèn Aida được lâu bóng để chờ đốt lên đón giao thừa. Nhớ lại những ngày sau khi đưa ông táo về trời, lúc này thường chợ chỉ bán buổi sáng, chiều lại cả nhà chuẫn bị gói bánh ích ăn vào những ngày Tết, bánh có ba loại nhân, nhân dừa, nhân đậu xanh và nhân cả hai dừa và đậu  xanh. Tôi thích nhất là nhân cả dừa lẩn đậu, tất cả nhân có dừa đều được ngào đường. Vì con cháu đông nên má gói trên 100 cái. Những ngày Tết chạy chơi đánh bài cào, bầu cua cá cọp, lô tô đến trưa chạy về lại túng bánh ếch treo sau nhà ăn bánh đúng khẩu vị thì chẳng có gì bằng, nhất là lúc thua gần sạch túi. Tôi còn nhớ mẹ tôi rất mê tứ sắc, hàng ngày làm lụng vất vã nên ba ngày Tết rảnh rồi bà thích ngồi sòng, tôi ngồi kế bên coi nên cũng được đánh những lúc bà têm trầu và ngoái. Tứ trụ tứ sắc chỉ là con cháu trong nhà nhưng ăn thua sòng phẳng.

.Những ngày Tết cổ truyền dù xa quê nhưng kỹ niệm xưa luôn được khơi dậy gần như trọn vẹn, có lẽ đây cũng là những ngày hạnh phúc cùng hoà đồng với quê hương thân yêu.

Huỳnh Văn Hạnh

 

Bài trướcNên chăng có một Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập huyện Cần Đước?
Bài tiếp theoThơ: Cần Đước ân tình

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây