Song Lam, nhà văn – Người Cần Đước – được giải danh dự viết về nước Mỹ!

0
499

THANH NGUYỆT

Nói chính xác hơn Nhà văn Song Lam là con dâu Cần Đước. Chị hiện nay đang sinh sống tại Mỹ, trước đây chị là cô giáo dạy trường Trung học Cần Giuộc, là con dâu dòng họ Nguyễn Đăng nổi tiếng ở Cần Đước. Chị được giải Danh dự “Viết về nước Mỹ” 2014. Là người đau đáu về quê hương, chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Người Cần Đước

Những ngày này đã cuối tháng Tư. Tháng Tư đến rồi đi, mang đến rồi mang đi bao nhiêu là cảm xúc. Tháng Tư, mưa đầu mùa xoa dịu những ngày nóng bức, làm mát ruộng đồng, tưới tắm cho những mầm xanh chớm nảy. Tháng Tư, nắng gấp gáp len vào cánh phượng đầu làng, đậu lên từng trang lưu bút, ấp ủ tình yêu tuổi trẻ và khát vọng tương lai. Tháng Tư, nồm nam trở ngọn vuốt ve làn tóc mây mịn mượt, e ấp tà áo trắng tinh tươm, thổi vào ta tâm hồn trong trẻo, để mai xa rồi vương kỷ niệm khôn nguôi! Chắc chắn trong chúng ta, ai cũng nấn níu một tháng Tư tròn trịa, lãng mạn và thật dấu yêu. Nhà văn Song Lam cũng không ngoại lệ. Đối với một cựu sinh viên Đại học Sư phạm, một cô giáo cấp 3, một nàng dâu Cần Đước, xa quê hương hơn 30 năm, cảm xúc tháng Tư lại càng tha thiết!

Chị và gia đình đến Mỹ vào những ngày cuối tháng Ba đầu tháng Tư năm 1992, định cư ở New York, một thành phố bậc nhất Hoa Kỳ về sự xa hoa và hiện đại, sau đó chuyển qua New Jersey cổ kính. Thời gian lâu là vậy, tiếp cận với nền văn minh là vậy, nhưng dường trong tâm khảm chị luôn khắc ghi hình ảnh quê nhà. Đọc nhiều bài viết của chị, tôi cảm nhận nơi chị những ký ức không phai.
Tham gia vào văn đàn Mỹ quốc, giải Danh dự “Viết về nước Mỹ” 2014, nhưng dường như trong các bài viết của chị đều có bóng hình cố quận. Gần đây, được đọc “Tháng Tư, Và Nỗi Nhớ” của chị (do thầy Huỳnh Văn Hạnh chuyển qua e.mail), tôi càng thấm thía hơn cảm giác đau đáu nhớ thương của một người xa xứ. Nhìn thấy cái gì trên đất khách chị cũng liên tưởng đến nơi chôn nhau cắt rốn. Giữa một Nữu Ước sầm uất, náo nhiệt, “thành phố lớn không bao giờ ngủ” (New York, the big city is not asleep), thấp thoáng trong chị một Việt Nam của thời Nguyễn Du “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Những tòa nhà chọc trời xứ Cờ Hoa vươn lên ngỡ đến tận mây, được chị nhân cách hóa theo kiểu Hồ Xuân Hương “đưa tay với thử trời cao thấp”. Cả những đau thương mất mát của nơi chị đang sống cũng được lồng ghép với cái đau của dân tộc, chị viết: “New York City như là thành phố quê hương thứ hai của chúng tôi với bề dày lịch sử đau thương, nhưng kiêu hùng của nó. Sau cuộc khủng bố đẫm máu 2001, đi đâu chúng tôi cũng thấy khẩu hiệu “America Strong”. Cũng như thành phố Saigon của chúng ta, dù chỉ là ‘quê hương trong trí nhớ”, vẫn hiển hiện trong tâm trí tôi hình ảnh con người, và sự việc tuy lắm đau thương, nhưng vẫn lẫm liệt, oai hùng!”
Tháng Tư năm 2020, dịch bệnh lan nhanh khắp thế giới, New York hoảng loạn với cơn dịch bệnh toàn cầu, đứng đầu về ca nhiễm, với số tử vong kỷ lục. Sự cách ly xã hội (Social Distancing), khiến cho mọi giao tiếp gần như bị cắt đứt, một mình trong ngôi nhà kín cửa, đối diện với ánh trăng cô độc, lẻ loi như chính tâm trạng của tác giả, cảm xúc nhớ quê trong chị lại dâng trào hơn bao giờ hết. Chị nguyện cầu phép lạ: “Tôi không quên nghĩ về anh em, con cháu, đồng bào tôi bên kia bờ đại dương cũng cùng chung số phận với chúng ta”. Đọc đến đây tôi bất giác nhớ đến ánh trăng của Lý Bạch, một ánh trăng ngập tràn hoài niệm, một ánh trăng quê da diết đến nao lòng.
Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.”
(Tĩnh Dạ Tứ)
Dịch nghĩa: “Trước thềm ánh trăng soi, ngỡ như sương giăng mặt đất. Ngẩng đầu nhìn trăng sáng, cúi đầu nhớ quê hương.”

Thanh Nguyệt – 25/04/2023

Bài trướcGóc thơ: Từ dạo ấy!
Bài tiếp theoHọp lớp thuở học trò Trường Trung học Cần Đước: Mỗi năm có tăng thêm và hụt dần!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây