Nhân vật lịch sử- văn hoá Cần Đước: Phan Xích Long 1893 – 22/2/1916

0
127

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Ở quận Phú Nhuận TP.HCM có con đường sầm uất rộn rịp tên Phan Xích Long. Lịch sử Cần Đước cũng ghi nhận ảnh hưởng của nhân vật nầy trong giai đoạn đầu thế kỷ 20 trong phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân.


Từ khi thực dân đặt chân đến Cần Đước tháng 3/1861, thì với truyền thống yêu nước sẵn có người dân Cần Đước đã nhanh chóng tham gia phong trào đấu tranh chống giặc ngoại xăm dưới những ngọn cờ của Nguyễn Trung Trực, Bùi Quang Diệu…và đã làm nên những chiến thắng Vàm Nhựt Tảo, trận Cần Giuộc đi vào lịch sử. Nhưng do tương quan lực lượng phong trào chống Pháp ở Cần Đước đã tạm đi vào thoái trào cuối thể kỷ 19. Tuy vậy ngọn lửa yêu nước vẫn âm ỉ trong lòng nhân dân.
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 ở Nam Kỳ bắt đầu xuất hiện hiện tượng “hội kín”. Đây là những nhóm người bí mật liên kết với nhau, nói chung thường không có tôn chỉ, cương lĩnh cũng như tổ chức rõ ràng, song đều mang tính chất đối kháng với chính quyền, chế độ. Nó là loại tổ chức mang tính chất tự phát của nông dân, dân nghèo thành thị, dễ bị chi phối bởi những cá nhân có tài năng, chí khí và uy tín vượt trội.
Ở Cần Đước, những hội kín kiểu này được những người đi ghe thương hồ tới các tỉnh miền Tây tiếp thu mang về, với hình thức buổi đầu là các tổ chức kiểu Hội đồng hương, sau nâng lên thành tổ chức bí mật của những người cứu khổn phò nguy, hành hiệp trượng nghĩa. Chưa rõ các Hội này ra đời từ lúc nào, do ai sáng lập, nhưng một trong những người nổi tiếng của loại tổ chức này ở Cần Đước là ông Nguyễn Văn Năm, còn gọi là Xã Ngựa (làm xã, thường đi ngựa), người thôn Tân Lân. Cuối thế kỷ 19, ở Cần Đước đã có nhiều hội kín ở các thôn Long Định, Long Cang, Long Khê, Tân Lân, Phước Đông, …
Những ám hiệu để các hội viên nhận biết, liên lạc với nhau khá phong phú như cách cầm dù, cách so đũa ăn cơm, cách dùng gàu tát nước úp trên cột chèo, cách lái ghe, cách thắt nút khăn và màu khăn chít ở đầu…
Nhân dân Cần Đước đến nay còn nhắc về thành viên của các hội kín này như ông Tổng Đâu, Nguyễn Văn Ảng, Nguyễn Văn Vượng ở Long Khê; Xã Bửu, Nguyễn Văn Hiếu, Ngô Thuyết Tùng, Phạm Văn Cứ, Nguyễn Văn Xuyến ở Phước Đông; Chủ Tấn, Trần Thiên Mi ở Long Định,…Họ chuyên đi cướp của nhà giàu và ghe buôn chia lại cho dân nghèo.
Ở Cần Đước, buổi đầu các hội kín thu hút nhiều người thuộc tầng lớp trên, về sau dân nghèo tham gia ngày càng đông. Chính từ các hội kín này mà cơ sở đầu tiên của phong trào Phan Xích Long đã hình thành, một phong trào thể hiện khá rõ nét nhận thức chính trị của nhân dân Cần Đước vào những năm trước Đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918).


Phan Xích Long tên là Phan Phát Sanh (tên thật là Nguyễn Chít, tự là Lạc) sinh năm 1893, vốn là con của một gia đình giàu có ở Tân An, vốn sống phóng túng bị gia đình từ bỏ nên tìm tới Cần Đước từ năm 1905 để tuyên truyền về việc đuổi Tây giành lại nước và tự xưng rằng mình có “chơn mạng đế vương” (Xích Long theo nghĩa Việt là con rồng đỏ). Thật ra Phan Phát Sanh chỉ là một người có cuộc sống kiểu “giang hồ hảo hán” nên ít nhiều có những bất mãn với xã hội đương thời, song do đánh đúng vào tinh thần yêu nước và tâm lý tôn quân của đa số nhân dân vốn căm ghét “tân trào” nên đã tập hợp, quy tụ được khá đông người, có chân hoặc không có chân trong các hội kín. Phan Phát Sanh lại biết lợi dụng khoa học để tuyên truyền như dùng thuốc Tây giả làm bùa phép chữa bệnh hoặc lấy pin, bóng đèn gắn vào mão “hoàng đế” chiếu sáng khắp phòng “hoàng đế” ngủ ban đêm để chứng minh chơn mạng đế vương!
Từ sự nỗ lực của những người như Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Văn Màng, Trương Văn Chước, Nguyễn Văn Ngọ,… phong trào Phan Xích Long lan khắp Cần Đước, mạnh nhất là ở tổng Lộc Thành Thượng, tập trung ở các xã Long Cang, Long Sơn, riêng Long Sơn còn có lò rèn võ khí do ông Ngô Văn Đặng điều khiển. Nhân dân nô nức đóng góp tiền của cho phong trào và hiến vàng để làm mão, chén, đũa cho “hoàng đế”. Những người đứng đầu được phong là Nguyên Soái, Thái Tử (!).
Đầu năm 1913, không khí khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa lan rộng khắp Cần Đước. Các lò rèn liên tục nổi lửa, rèn gươm giáo, đoản đao. Ông Nguyễn Tài ở làng Long Sơn phụ trách chế tạo trái phá. Những người trẻ tuổi kéo nhau luyện tập võ nghệ. Phan Xích Long thường lui tới ấp 3 Long Cang để bàn bạc với những người chỉ huy.
Phan Xích Long táo bạo đề ra kế hoạch bạo động ở Sài Gòn. Rạng sáng ngày 17 tháng 2 năm Quý Sửu (24-3-1913), cho người dán truyền đơn, đặt trái phá ở nhiều nơi trong Sài Gòn-Chợ Lớn chuẩn bị khởi nghĩa. Nhưng do bị lộ bí mật Phan Xích Long đã bị bắt trên đường ra Phan Thiết. Thực dân cho tháo gỡ trái phá, tung lực lượng quân đội và cảnh sát ra đàn áp. Đến ngày 21 tháng 2 âm lịch (28-3-1913), do không biết kế hoạch bị lộ nên mấy trăm nông dân Cần Đước, Chợ Lớn, Tân An kéo về Sài Gòn để đón “hoàng đế Phan Xích Long” và thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp.
Nhiều người bị bắt tại chỗ. Thực dân Pháp đem quân lính xuống khủng bố ở những làng có người tham gia bạo động. Bọn tề làng nhân cơ hội hạch sách, vơ vét. Những người giàu có phải đem tiền bạc, ruộng đất lo lót để khỏi bị bắt bớ. Một số người phải đổi họ tên trốn sang nơi khác.
Từ ngày 5 đến 12 tháng 11-1913, Toà Đại hình Sài Gòn đưa vụ Phan Xích Long ra xử, trong 111 người bị xét xử có 54 người quê ở Cần Đước gồm Mỹ Lệ 01, Phước Tuy 03, Long Cang 07, Phước Vân 12, Long Định 02, Tân Trạch 05, Tân Ân 09, Long Sơn 20…
Tiếp theo vụ bạo động tháng 11/1913 là vụ phá khám lớn Sài Gòn ngày 15-2-1916 để giải thoát “hoàng đế Phan Xich Long” với sự hưởng ứng tham gia đông đảo của nông dân Cần Đước, Cần Giuộc, Chợ Lớn cầm gươm giáo, mã tấu, với khẩu hiệu “Giết chết bọn Tây đi!” (Morts aux Francais!) là đỉnh cao của lòng căm hờn đang bùng phát, báo hiệu cho sự chấm dứt giai đoạntạm thời ổn định của chế độ thực dân Pháp ở Nam Kỳ. Ngày 22/2/1916 thực dân Pháp đã xử tử hình Phan Xích Long và nhiều người khác tại Đồng Tập Trận, Sài Gòn.
Vụ bạo động Phan Xích Long về cơ bản là một cuộc phiêu lưu võ trang có tính chất manh động, tự phát. Tính chất không rõ ràng trong mục tiêu đấu tranh, thể hiện qua lối xưng vương, phong soái của những người cầm đầu, cách thức vận động nhân dân dựa vào sự mê tín bằng các yếu tố thần bí, sự rời rạc trong tổ chức và chưa chu đáo trong kế hoạch hành động. Cuộc bạo động đã bộc lộ những nhược điểm cơ bản của phong trào yêu nước của nông dân và dân nghèo ở Nam Kỳ nói chung và Cần Đước nói riêng trước khi có Đảng.
Tuy nhiên, sự đông đảo về số lượng, sự phong phú tới mức phức tạp về thành phần xã hội của những người tham gia vụ bạo động này cho thấy thái độ bất mãn cao của các tầng lớp nhân dân Cần Đước với chế độ thuộc địa.

ThS Nguyễn Văn Đông

Bài trướcNhân vật lịch sử – văn hoá Cần Đước: Nguyễn Thuyết Xã (Thống Sô)
Bài tiếp theoNhân vật lịch sử-văn hoá Cần Đước: Nguyễn An Ninh (1900 – 1943)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây