Nhân vật lịch sử-văn hoá Cần Đước: Nguyễn An Ninh (1900 – 1943)

0
140

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Nguyễn An Ninh sinh năm 1900 ở làng Long Thượng, Cần Giuộc. Là nhân vật lịch sử đầu thế kỷ 20 có nhiều dấu ấn ở Cần Đước.
Năm 18 tuổi Nguyễn An Ninh sang Pháp học ngành luật ở đại học danh tiếng Sorbone tốt nghiệp loại xuất sắc và tiếp tục làm luận án tiến sĩ. Nhưng được hai năm (1922) thì ông bỏ công tình nầy và về nước dấn thân vào con đường hoạt động cứu nước.


Chân dung Nguyễn An Ninh

Nguyễn An Ninh từ Pháp trở về nước, diễn thuyết ra mắt công chúng ở Nam Kỳ đã kíchchính sách của nhà cầm quyền thực dân, đặc biệt là chính sách ngu dân và bóc lột bằng thuế rượu, thuế thuốc phiện. Ông lập Hội khuyến học có trụ sở đặt tại Gò Đen, giáp ranh Cần Đước. Năm 1923, ông lập ra tờ báo Tiếng chuông rè (La Cloche félée) có tư tưởng chống Pháp và trực tiếp mang báo đi bán ở các nơi để tuyên truyền. Năm 1926, ông cùng Nguyễn Văn Tạo lập ra tổ chức “Thanh niên cao vọng đảng” để tập hợp những người giác ngộ yêu nước, mà nhân dân vẫn quen gọi là “Hội kín Nguyễn An Ninh”.
Năm 1925, Nguyễn An Ninh đến xã Long Hiệp (nay thuộc huyện Bến Lức) liên hệ với ông Hội đồng Võ Công Tồn để tuyên truyền, vận động nhân dân. Hình thức hoạt động bán công khai này đã có ảnh hưởng rộng rãi và tác dụng tích cực, vì nó phù hợp với lề lối tổ chức “hội kín” của nhân dân địa phương đã có trước đó, đồng thời phù hợp với nguyện vọng yêu nước của nhiều tầng lớp xã hội. Số thanh niên trí thức xuất thân từ tầng lớp trên ít nhiều có tinh thần dân tộc, bất mãn với chế độ thuộc địa đã tích cực tham gia, còn tầng lớp nông dân, dân nghèo vốn căm thù thực dân và tay sai thì tin tưởng vào Nguyễn An Ninh – một tri thức yêu nước mà sự hiểu biết có thể lãnh đạo họ đấu tranh có hiệu quả.

Nguyễn An Ninh (bìa trái) và Nguyễn Thế Truyền (bìa phải) năm 1927 tại Pháp – Ảnh tư liệu gia đình.

Hội kín Nguyễn An Ninh dần dần định hình và phát triển mạnh ở Cần Đước. Hội đồng Đỗ Đăng Sóc, bạn thân của Hội đồng Võ Công Tồn đã góp phần quan trọng trong việc gây dựng tổ chức này, đặc biệt ở vùng chợ Phước Vân. Cùng với ông Sóc, các ông Nguyễn Văn Hân, Nguyễn Văn Thân, Nguyễn Văn Phu, cũng là những người nòng cốt. Ở vùng Long Cang, Long Định có ông Phấn, còn gọi là cù là Phấn (người Long Hiệp, có vợ quê ở Long Cang làm nghề bán dầu cù là) đến tuyên truyền các ông Trương Văn Để, Trương Văn Đời, từ đó mở rộng ảnh hưởng hội kín Nguyễn An Ninh, thu hút nhiều người địa phương tham gia. Ở ấp 3, ấp 4 thôn Long Cang có các ông Trương Văn Nhựt, Trương Văn Giáo, Trương Văn Tâm, Bùi Văn Thơm, Phan Văn Dĩ,… gia nhập tổ chức, lấy nhà ông Dĩ làm nơihội họp thường xuyên để tuyên truyền, với sự giúp đỡ tích cực của ông Nguyễn Văn Mười tức Mười Đỏi từ Long Sơn qua. Ở ấp 1, ấp 2 thôn Long Cang có các ông Hồ Văn Oanh, Dương Văn Liên, Phan Văn Vệ,… tham gia hoạt động, nhóm này do ông Năm Hạnh ở Phước Vân qua tuyên truyền, tổ chức. Ở Long Định hoạt động của hội khá mạnh. Hội viên đã tổ chức được một cuộc biểu tình có khá đông người tham gia với nhiều khẩu hiệu chống bọn tay sai của thực dân ở cầu Long Kim. Cuộc biểu tình bị đàn áp, các ông Trần Văn Chàm, Huỳnh Văn Nhẫn từ Phước Vân qua tham gia bị bắt, sau bị kết án đày đi Côn Đảo và chết trong tù. Ở Long Khê, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo, Võ Công Tồn đã tổ chức được nhiều người như Lê Khánh Thụ, Hương sư Nhiêu, Hương bộ Thơm, Cao Văn Trù, Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Văn Chấn, Bùi Văn Chấn tức Hương quản Chấn, Bùi Kim Ngoạt, Tư Khoa, thầy giáo Lại hoạt động, lấy nhà ông Hương quản Chấn làm nơi liên lạc và hội họp. Hoạt động của Hội kín Nguyễn An Ninh phát triển lan rộng thành phong trào khắp các thôn vùng thượng Cần Đước. Thầy giáo Nguyễn Văn Tiếp, thường gọi là giáo Tiếp trực tiếp tổ chức và điều khiển, lấy nhà ông Đỗ Đăng Sóc làm nơi liên lạc chung. Ở đây, từng có một cuộc họp quan trọng của những người đứng đầu hội kín Nguyễn An Ninh là Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo, Võ Công Tồn, Nguyễn Văn Nguyễn, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch,… Cuộc họp trao đổi bằng tiếng Pháp và do ông Đào Văn Ngôn canh gác.


Nguyễn An Ninh khi còn trẻ.

Ở vùng hạ Cần Đước có ông Hồ Văn Long, thường gọi là giáo Long từ Sài Gòn xuống tập họp nhân dân, xây dựng tổ chức. Ông Long đã vận động được nhiều người như các ông Ngô Văn Tốt, Nguyễn Văn Túc, Trần Văn Phấn tức Hương quản Phấn và từ những người này hội kín Nguyễn An Ninh lại phát triển rộng ra. Ông Tốt đã vận động được các ông Đỗ Văn Cứng, Ngô Thiết Tùng, Phạm Văn Cứ, Nguyễn Văn Xuyến. Ông Túc có một chiếc xe chở khách thường đem xe đưa rước Nguyễn An Ninh đi tuyên truyền vận động ở các xã vùng Hạ.

Năm 1929, Nguyễn An Ninh, Võ Công Tồn bị bắt, sau đó bị thực dân đưa ra xét xử. Nhưng trước đó Nguyễn An Ninh đã liên lạc với Tân Việt cách mạng Đảng, với Hà Huy Tập, Tú Kiên và giới thiệu hệ thống các hội kín do ông tổ chức cho Tân Việt cách mạng đảng. Cho nên, khoảng cuối 1929 đầu 1930, các tổ chức hội kín Nguyễn An Ninh ở Cần Đước dần dần chuyển thành các tổ chức Đảng cộng sản, nhiều Hội viên cũng trở thành đảng viên cộng sản.

Tháng 10/1939 thực dân Pháp bắt giam Nguyễn An Ninh lần thứ năm, kết án đày Côn Đảo 5 năm. Chế độ lao tù khắc nghiệt làm ông kiệt sức và mất ngày 10/8/1943 khi 43 tuổi. Nguyễn An Ninh mất đi đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người và lịch sử đấu tranh chống thực dân để giành độc lập của người Cần Đước.

ThS Nguyễn Văn Đông

Bài trướcNhân vật lịch sử- văn hoá Cần Đước: Phan Xích Long 1893 – 22/2/1916
Bài tiếp theoNhân vật lịch sử-văn hoá Cần Đước: Nguyễn Văn Túc (Tám Túc) (? – 1946) 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây