ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG
Nguyễn Văn Túc (Tám Túc) quê làng Tân Trạch, quận Cần Đước, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An).
Những năm 20 của thế kỷ 20 xe đò Cần Đước xuất hiện chạy tuyến Cầu Nổi – Cần Đước – Chợ Lớn, họ tập hợp trong Hội xe đò Đồng Hiệp. Ông Túc nhà ở huyện lỵ Cần Đước và cũng là chủ xe đò. Ông là người có uy tín và hào hiệp, có quan hệ rộng rãi với nhiều tầng lớp xã hội như làng lính, chính quyền và ngay cả với giới anh chị giang hồ Cần Đước mà nhóm anh chị Bình Xuyên cũng kính nể.
Từ khoảng 1926 đến 1930 phong trào “hội kín” Nguyễn An Ninh tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước và liền sau đó chủ nghĩa cộng sản và những người cộng sản đã xuất hiện ở Cần Đước và ngay ở chợ Cần Đước. Sự hoạt động của họ đã có tác động lớn đến tư tưởng và hành động của nhân dân và đội ngũ lái xe lơ xe của hội xe đò Cần Đước cũng là một đối tượng đặc biệt được tuyên truyền tinh thần yêu nước, chống thực dân phong kiến, chống áp bức bất công và họ cũng giác ngộ rất nhanh. Từ đó họ đã tích cực ủng hộ hoạt động của những người cộng sản và có người trở thành đảng viên cộng sản đầu tiên ở Cần Đước như ông Nguyễn Văn Túc (Tám Túc), Ngô Văn Tốt (Năm Tốt).
Từ năm 1930 trở đi chi bộ hội xe đò Đồng Hiệp Cần Đước là một chi bộ mạnh có nhiều đảng viên và tham gia tích cực các phong trào hành động cách mạng những năm 1936 – 1939 cho đến cuộc khỡi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng Tháng Tám 1945. Nhờ xe đò Cần Đước – Chợ Lớn mà tin tức từ Sài Gòn – Chợ Lớn được truyền về Cần Đước rất nhanh hàng ngày và xe đò Cần Đước cũng góp phần đảm bảo liên lạc giữa những người cách mạng Cần Đước với cấp trên.
Tháng 11/1930, tại Hội nghị thành lập Tỉnh ủy đầu tiên tỉnh Chợ Lớn, Nguyễn Văn Túc được bầu làm Tỉnh ủy viên, Tỉnh ủy Chợ Lớn. Để chuẩn bị lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền 8/1945, Quận ủy Cần Đước chính thức được thành lập do ông Nguyễn Minh Đường làm Bí thư, ông Nguyễn Văn Túc là ủy viên phụ trách quân sự.
Ông Tám Túc chơi thân với quận trưởng Cần Đước Nguyễn Phú Hải (Phủ Hải). Lợi dụng mối quan hệ rộng của ông Túc nên Ủy ban khởi nghĩa quận giao cho ông lôi kéo các nhóm anh chị có súng của các ông Sáng, ông Khoắn tham gia lực lượng vũ trang cướp chính quyền và dự kiến sẽ trực tiếp gặp Phủ Hải để tác động đầu hàng giao chính quyền.
Sáng sớm ngày 25/8/1945, đúng như dự kiến sau khi phong tỏa các con đường dẫn vào quận lỵ, lực lượng cách mạng bao vây dinh quận. Do thường ra vào dinh quận chơi với Phủ Hải nên lính gát cổng đã để cho ông Tám Túc vào gặp Phủ Hải dễ dàng và ông đã thực hiện nhiệm vụ thành công.
Phủ Hải cũng thức thời biết không thể làm gì khác nên nhanh chóng đầu hàng, ra lệnh cho làng lính giao nộp vũ khí và chính quyền đã về tay nhân dân một cách hoà bình. Phủ Hải và gia đình vẫn tiếp tục ở lại dinh quận một thời gian ngắn thì xin cho phép về quê. Khi Pháp trở lại tái chiếm Sài Gòn thì Phủ Hải trở lại tiếp tục cộng tác với Pháp.
Chính quyền cách mạng được thành lập, ông Tám Túc tiếp tục phụ trách ủy viên quân sự cùng với ông Hồng Son Đỏ tích cực xây dựng lực lượng vũ trang để bảo vệ thành quả cách mạng.
Nhưng cuối tháng 10/1945 thực dân Pháp đã tái chiếm Cần Đước, lực lượng cách mạng lui vào tổ chức kháng chiến. Bộ đội Hồng Son Đỏ lên chiến đấu ở vùng thượng Cần Đước. Bộ đội Tống Văn Hên rút sang Gò Công và sang chiến đấu chống Pháp ở Bến Tre, cùng với bộ đội của Dương Văn Dương (Ba Dương). Tháng 2/1946 Tống Văn Hên và Ba Dương đều hy sinh ở Giồng Trôm, Bến Tre. Ông Tám Túc cũng bị Pháp bắt ở Bến Tre và giải ông về Cần Đước. Xe về đến gần chợ Cần Đước, lợi dụng giặc sơ hở ông nhảy xuống xe tháo chạy, và bị giặc bắn hy sinh.
Là một trong những đảng viên đầu tiên của quận Cần Đước, ông Nguyễn Văn Túc đã hoạt động tích cực, có nhiều công lao trong quá trình gầy dựng và phát triển cơ sở cách mạng. Là một trong những Tỉnh ủy viên đầu tiên, ông cùng Tỉnh ủy Chợ Lớn lãnh đạo phong trào cách mạng vượt qua khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi quan trọng ngay sau khi Đảng ta mới thành lập cho đến cuộc cách mạng Tháng 8/1945 thành công.
ThS Nguyễn Văn Đông