Ao Xoài Cần Đước – Xóm quê xưa

0
413

NHÂM HÙNG

Gia đình tôi lánh nạn, lập nghiệp ở quê hương thứ hai Cần Đước khá lâu. Và ấn tượng nhất, đậm đà nhất trong ký ức, là xóm Ao Xoài !

Ao Xoài ngày nay

Xóm nhỏ này, thuộc xã Phước Đông, nối quốc lộ 50, bằng bờ mồi hơn 600 thước về phía Tây. Trong xóm có một cái ao trữ nước ngọt, để mọi người “xài” vào mùa khô. Có lẽ vì vậy, trở thành địa danh Ao Xoài (AX).

Ao là địa hình khá đặc trưng ở vùng hạ, hình thành từ thời khẫn hoang. Đọc sách “ Về Cần Đước của Ths Nguyễn văn Đông, tôi đếm được tên gọi 29 cái ao, trong đó có 9 tên ao thành tên xóm.

Năm 1957, “Chân ướt, chân ráo” vừa tới đây, gia đình tôi được bà con dang tay đón nhận, như người thân ruột thịt; chẳng ai cần biết gốc gác “ Cộng sản” của mình. Thế rồi, nhà Bà Ba –Cậu Bảy Võ cho miếng đất 20 thước vuông, sát mé rạch để tạm đậu, che nắng che mưa; cậu Hai Tượng, Bà Bảy cho mớ lá dừa nước, còn bác Hai Khối, thì cho bộ cột đước, Anh Năm Đô tiếp đắp nền nhà…Vào một sáng đẹp trời, mọi người hè nhau tới giúp dựng cột, lợp mái một buổi là xong !

Anh Đoàn Văn Vũng, con cậu Bảy Võ cựu giáo viên Trung học Cần Đước sau 1975. Đứng trước khu đất rẫy cạnh nhà.

 Mái ấm đã “giải quyết”, sẳn máu kinh doanh người Huê kiều, cha tôi mở ngay quán cóc bán ít tạp hóa, “cao đơn hoàn tán”; để kiếm chút đồng lời sinh sống. Do tình nghĩa xóm giềng, cha tôi bán đồ bằng giá ngoài chợ, nên trong xóm ai cũng ủng hộ “chú Ba Quán”, nhất là khi cần tán đường, cống nước mắm, thuốc đau bụng, nhức đầu.v.v. Phần mẹ và chị tôi, thì trổ nghề làm bánh lọt, gánh ra chợ Cần Đước bán rong. Buổi đầu đi bán, họ khổ sở vô cùng khi tập quảy gánh, bước đi. Bởi ở đây, việc sản xuất, làm ăn đều gắn liền với cặp gióng gánh; như ở vùng Cần Thơ, đi đâu cũng phải chèo ghe, bơi xuồng.

Xóm AX độ này trên dưới khoảng ba mươi nóc gia, dủ còn nghèo, khó nhưng cuộc sống bình yên, sau những năm kháng Pháp. Đời ở đậu của gia đình tôi yên ổn dần. Riêng anh và em tôi ( Nhâm Kính), được đi học tư tại xóm trên, nhà Bác Ba Kỳ Đà, với cô giáo Hường. Vừa học, vừa rong chơi quanh khu xóm, cũng là điều vui thú thường nhật. Thời gian ở AX còn cho tôi nhiều vốn sống, chất liệu, tư liệu quý về hòa bình và chiến tranh.

Lạ nhất, là buổi đầu đứng trước cái “ ao xài”, với ngôi miễu Bà nho nhỏ dưới bóng đa râm mát. Có lần, giữa trưa hè, thích quá, anh em tôi định nhãy xuống tắm ao, như hồi tắm mương ở Cần Thơ. Nhưng một Bác đi qua, ngăn cản: “ không được ! phải giữ nước sạch để xài, xuống tắm sẽ dơ bẩn cái ao”. Bác còn dọa: “mấy đứa cãi lại, là Bà bắt”. Từ đó, chúng tôi không dám động tới, vì biết nước ao để xài. Thật vậy, do nhà nghèo quá, đổi nước ngọt không đủ dùng, nên có lúc cả nhà phải uống, nấu nướng bằng nước ao lóng phèn!

Không được tắm ao, anh em tôi tắm sông ở con rạch cạn trước nhà. Nương theo bụp dừa nước, tập ngày qua ngày, rồi chúng tôi cũng biết lội; thường men theo các đám dừa nước, chơi đùa thỏa thích. Nhớ khi tắm nước mặn, lại không có xà bông, nhưng nghe anh Năm Đô kêu: “ bây móc bùn non gội đầu cũng sạch lắm, chết mấy con chí “. Vậy là làm theo liền! Tắm xong, chúng tôi  đi hái trái me keo ăn, vì nó ngọt hơn me chua; lại leo bẽ trái su, trái mắm, trái đước làm đồ chơi, xin mấy tàu lá dừa nước héo cất nhà chòi.

Xóm AX còn cho chúng tối biết thêm nhiếu điều lạ, khác xa Cần Thơ: Đêm ra bờ rạch, thích thú nhìn bà con đi soi còng, với nhiều cây đèn chai sáng đỏ đồng. Hầu như trong xóm, nhà nào cũng đi soi, đầy những giõ còng bò lút nhúc; vừa để cho vịt ăn, có dư đem ra chợ bán. Khi nước lớn, chúng tôi còn được theo mấy chú bác đi câu, hay moi hang bắt cua biển, dọc các bờ đất. Mùa lúa chín, ngoài đồng tiếng chim cu gáy vang anh em tôi mê lắm, đi học về hay theo coi người ta gác cu, nên về nhà trễ bị ăn đòn. Về sau khi tập tành làm thơ, tôi đã đưa ngay cái ao xài, và việc soi còng vào sáng tác …

                   “…Con khôn lớn trong lửa nồng nắng hạn.

                     Uống nước ao phèn quen thuở lầm than,

                     Lo sinh kế mẹ soi còng đem bán.

                     Giữa trời khuya giữa trưa nắng chan chan…”

                                                 *

Xỏm nhỏ AX an hưởng hòa bình không bao lâu, thì binh lửa tràn về. Khoảng năm 1961 – 1962, nhà nhà bị lùa ra Ngã ba Kinh, sống trong ấp chiến lược. Tuy nhiên, không lâu mọi người lại quay về nơi “chôn nhau, cắt rún”. Chiến tranh dội xuống AX bao thảm họa, cũng là lúc gia đình tôi đã dời ra Ngã ba bến xe quận sinh sống, làm ăn.

 Cuối năm 1968, vào một tối, cậu Bảy Võ và anh em trong xóm đang ngồi nhậu chơi dưới gốc me, thì bất ngờ pháo 155 ly, từ đồn Rạch Cát – Kinh nước mặn bắn qua xã Phước Đông tới tấp, khiến cho xóm AX trúng đạn chết 6 người dân, trong đó có cậu Bảy Võ. Cho tới bây giờ, cứ đến ngày tang tóc ấy, là xóm AX làm tới 6 cái đám giỗ, gọi là”giỗ hội”.

Nhiều năm sau đó, tôi lại xa quê hương thứ hai. Nhưng, tình người Ao Xoài- Cần Đước và những kỷ niệm vui buồn, kể cả đau thương, tang tóc vẫn luôn ghi khắc trong tôi.

 Nhâm Hùng

 * Cống nước mắm: vật dụng đong nước mắm có dung tích nhỏ khoảng 5-10 ml, thường làm bằng ống tre hoặc gáo dừa nhỏ có gắn thanh gỗ.

 

Bài trướcTrang phục người Dao
Bài tiếp theoMắm còng Phước Đông Cần Đước tìm trong ký ức!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây