Chiếu Long Cang

0
1256

ThS TRẦN NGỌC TRIẾT

Bên cạnh những di tích lịch sử văn hóa, Long An còn được biết đến là cái nôi của nhiều làng nghề & làng nghề truyền thống. Theo thống kê(2014) địa bàn tỉnh có 7 làng nghề truyền thống.

Các làng nghề truyền thống với các sản phẩm khác nhau nhưng có điểm chung là làm thủ công, bằng lao động sáng tạo, người thợ thủ công đã tạo ra các sản phẩm tuyệt vời. Ở đó tư duy là kinh nghiệm rút ra từ bao thế hệ, sẽ không mai một vì nó đã gắn kết với người dân các làng nghề, mang lại sự tinh tế, nét độc đáo riêng của các làng nghề, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Một trong số các làng nghề truyền thống đó chính là làng chiếu cói Long Cang (T12-2014 nghề dệt chiếu lác ở Long An chính thức được Bộ Văn hóa -Thể thao và du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia)

Có thể nói rằng làng dệt chiếu không chỉ là kế sinh nhai mà còn là truyền thống của gia đình và là di sản văn hóa cần bảo tồn

Đôi chiếu Long Cang nhịp nhàng em dệt

Bấy nhiêu tình em gửi hết vào đây”

Được sự giới thiệu của xã Long Cang và sự hỗ trợ của chị Phạm Thị Thanh Phượng, thành viên tổ hợp tác dệt chiếu Long Cang, tác giả đã có chuyến khảo sát, ghi chép thực tế tại làng nghề vào tháng tháng 4/2022

Lịch sử hình thành nghề chiếu trong vùng

Từ thế kỷ XVII, lưu dân từ miền Trung, miền Bắc đã đến khai cơ lập nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong hành trang văn hóa của mình, họ mang theo nghề dệt chiếu lác đến Long Cang.

Tại đây, ngoài việc khẩn hoang trồng lúa, lúc nông nhàn, người dân dệt chiếu lác dựa trên nguồn nguyên liệu là cây lác dồi dào. Sản phẩm làm ra phục vụ chính nhu cầu của cộng đồng, sau là trao đổi và trở thành một nghề truyền thống của bà con.

Xã Long Định, huyện Cần Đước được các nhà khoa học nhận định chính là quê hương khởi phát nghề dệt chiếu ở Long An và một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, từ thế kỷ XVII – XVIII và từ đây, lan truyền sang các xã Long Cang, Phước Vân, Long Sơn (huyện Cần Đước), một số nơi ở các huyện Bến Lức, Cần Giuộc, Châu Thành, Tân Trụ của tỉnh Long An.

Nguyên liệu dệt chiếu truyền thống ở Long An có hai loại cây: lác và đay. Cây lác là nguồn nguyên liệu chính gồm hai loại lác hoang và lác trồng.

(Nguồn:Cục di sản Văn hóa – danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia,26/12/2022)

Không có tư liệu ghi lại chính xác nhưng theo người dân trong vùng thì làng chiếu Long Cang xuất hiện từ trước 1930 và gắn với đời sống dân cư tới ngày nay (hiện có khoảng 100 hộ, hầu hết là những người lớn tuổi)

Cây Lác chính là nguyên liệu để làm ra chiếu Long Cang, trồng 1 lần rồi thu hoạch nhiều lần, thậm chí cả chục năm (1 năm cắt 3 lần, cứ cắt xong là rải phân chăm sóc lại)

Sau khi cắt Lác, người dân nơi đây bó lại rồi đem phơi. Khi nào Lác chuyển từ màu xanh sang màu vàng nhạt (thường thì phơi khoảng 4-5 nắng) thì có thể sử dụng để đan chiếu  (đây là khâu vất vả và mất nhiều thời gian nhất vì phải cắt và phơi lác…)
Hầu hết các cơ sở dệt chiếu ở đây đều sản xuất theo quy mô hộ gia đình nên đều tự trồng lác trước nhà để sử dụng.

Lác sau khi được phơi, trước khi nhuộm cần nhúng vào nước để cọng lác sử dụng được lâu hơn. Sau khi lác được phơi khô sẽ trải qua công đoạn nhuộm màu, sau đó sẽ được đan thành chiếu. Nghề dệt chiếu không khó nhưng lại vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn. Trước khi đem bán thì người dân ở đây thường đem chiếu sau khi đan xong ra phơi nắng 1-2 lần.

Hiện tại ở Long Cang vẫn duy trì 2 hình thức làm chiếu: Làm tay (Chiếu chẻ) và dệt máy (Chiếu trục), làm tay thì công phu và mất thời gian, kém năng suất  hơn, màu sắc không đẹp bằng làm máy, màu sắc và trân nhợ của chiếu là do thợ tự pha chế, thông thường dự trữ dệt cho cả năm (từ sáng sớm tới chiều tối làm khoảng 18 đôi, gấp 3 lần so với Chiếu chẻ). Dệt xong và dự trữ lại, có xe tải đến thu gom (nhà thu gom đóng trên địa bàn tỉnh) và phân phối khắp nơi kể cả trong và ngoài tỉnh.

Qua khảo sát thực tế thì công việc ổn, gần như người dân tận dụng được thời gian, gần như không tốn chi phí nhiều, thông thường chỉ thuê thêm 1 người làm.

Thực trạng & Khả năng khai thác du lịch:

Hiện tại thông tin về làng nghề khá phổ biến, tuy nhiên do hạn chế về giao thông, xe chở khách du lịch không vào đến tận nơi (chỉ có thể tham quan làng nghề dệt máy) vì vậy hiện chưa đưa vào khai thác du lịch, khách đến tham quan chủ yếu là khách vãng lai.

Nằm cạnh sông Vàm Cỏ, lại gần các di tích trong vùng (chỉ cần qua phà Long Sơn là đến di tích Nhật Tảo – Tân Trụ) chưa kể đến các điểm đến khá nổi tiếng quanh vùng như: Di tích nhà hội Phước Vân, Tịnh Thất Minh Châu (cùng nằm trên địa bàn xã lân cận Phước Vân) Chùa Thiên Mụ (xã Tân Trạch – cách Long Cang 8km).

Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận trong đó có thị trường khách lớn nhất phía nam là TP.HCM đã tiến hành khảo sát các tuyến điểm có khả năng khai thác du lịch, nhất là điểm đến ven song Vàm Cỏ. Vì vậy nếu khắc phục tốt về yếu tố đường xá giao thông và liên kết tốt với các điểm lân cận thì đây sẽ là  điểm thu hút khách trong thời gian sắp tới.

  ThS Trần Ngọc Triết

 Đường vào Làng Chiếu, nghề dệt chiếu phổ biến tại xã Long Cang và tập trung chủ yếu tại ấp 2 và ấp 3 -Ảnh tác giả.

Đường vào làng chiếu Long Cang – Ảnh tác giả

Cánh đồng Lác quanh làng chiếu – Ảnh tác giả

Người dân làng nghề làm chiếu bằng thủ công (Chiếu Chẻ)- Ảnh tác giả

Sản phẩm thủ công (Chiếu chẻ) – Ảnh tác giả


Làm chiếu thủ công – Ảnh
tác giả

Dệt máy (Chiếu trục) – Ảnh tác giả

Sản phẩm dệt máy (chiếu trục) – Ảnh tác giả

Bài trướcTa vẫn chọn nhau
Bài tiếp theoCần Đước là quê hương thứ hai của mình!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây