Chợ Sài Gòn!

0
449

Theo NGUYỄN GIA VIỆT

Hiện nay chợ Sài Gòn được đặt tên chính thức là Chợ Bến Thành.
Chợ Bến Thành chép trong thư tịch và bưu thiếp của Pháp là “ Le Marche Central” có nghĩa chợ trung tâm nhưng dân Nam Kỳ kêu là chợ Sài Gòn hay chợ Mới.

Gọi là chợ Mới là để phân biệt với chợ Cũ .Thời nhà Nguyễn thì chợ Cũ được họp lên ở dưới chưn thành Gia Định ở vị trí chợ Cũ ngày nay. Chợ nằm ở vị trí hai con kinh là Kinh Lấp và rạch Đầu Sấu. Pháp qua xây mấy dãy nhà lồng.

Sau Pháp lấp 2 con kinh, Kinh Lấp thành đường Nguyễn Huệ, rạch Đầu Sấu thành đường Hàm Nghi thì Pháp mới dời chợ qua một cái ao lớn, vị trí như ngày nay. Đất Chợ Cũ xây kho bạc và các con đường chỉ còn tồn tại vài sạp thịt cá bên lề. Sau đó Mỹ xây đại sứ quán ngay đầu chợ Cũ.

Chợ Mới được hãng Brossard et Maupin xây dựng trên cái ao Bồ Rệt (Marais Boresse) từ năm 1912 đến năm 1914 thì hoàn tất.

Cái chợ nằm giữa bốn cái lộ.
⁃ Mặt tiền day mặt về hướng chánh Nam theo Kinh Dịch là con lộ Place Cuniac (Bùng binh Chợ Mới – Công trường Cộng Hòa- Công trường Diên Hồng- Quảng trường Quách Thị Trang).
⁃ Mặt bắc chợ là Rue d’Espagne (Lê Thánh Tôn).
⁃ Mặt Tây là Rue Schroeder(Phan Châu Trinh)
⁃ Phía đông là Rue Viénot (Phan Bội Châu)

Hai con lộ bên hông chợ được Pháp làm bến xe ngựa rồi xe đò lục tỉnh.

Lộ cửa Tây Rue Schroeder(Phan Châu Trinh) là bến xe về Miền Tây. Lộ mé đông Rue Viénot (Phan Bội Châu) là bến xe đò về Miền Đông.

Lúc bấy giờ khu chợ Mới kêu khu Bến Thành là khu trung tâm Sài Gòn, xế bên có ga xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho, hành khách từ xe lửa có thể đi bộ qua hông chợ lên xe đò đi các nơi.

Tới những 1940 vẫn còn bến xe hai bên hông chợ Bến Thành.

Sau đó Pháp cho tản bến xe ra khỏi khu vực chợ. Miền Tây về bến xe Lục Tỉnh Petrus Ký, bến xe Chợ Lớn Bình Tây. Miền Đông dời về bến xe Nguyễn Cư Trinh, bến xe Nguyễn Thái Học.

Tới những năm 1960s thì chuyển hết về bến xe Petrus Ký. Rồi thì bến xe Petrus Ký quá tải, xe đi Miền Tây được dời ra Phú Lâm gọi là Xa cảng Miền Tây.

Là cái chợ tiêu biểu hình tượng của đất Sài Gòn xưa nay nhưng không ai kêu chợ trung tâm, dân thường gọi là chợ Sài Gòn, chợ Mới.

Chợ Mới cũng là chợ Sài Gòn
Đọc trong bút ký “Một tháng ở Nam Kỳ”, ông Bắc Kỳ Phạm Quỳnh viết và kêu cái lầu cao trên chợ Bến Thành là “cái nhà chòi”nghe vui vui: “Còn Chợ Mới Sài Gòn cũng có cái nhà chòi ở cửa giữa thật là vĩ đại, vừa cao vừa vững vàng lực lưỡng, coi như một cái pháo đài vậy. Mà trong chợ thì rộng mênh mông, chợ Đồng Xuân Hà Nội chẳng thấm vào đâu”

Tại Nam Kỳ, năm 1881 đường xe lửa Sài Gòn –Mỹ Tho là đoạn đường sắt đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng,năm 1885 thì khai thác thương mại góp phần nối liền hai đô thị lớn nhứt ở Nam Kỳ ngày đó

Ga xe lửa Sài Gòn từ 1885 ở ngay đầu đường Boulevard de la Somme – Hàm Nghi mé sông Sài Gòn, tới năm 1915 thì dời đến sát bùng binh chợ Mới ,nằm kẹp giữa hai đường Colonel Budonnet- Lê Lai và Colonel Grimaud – Phạm Ngũ Lão tức là công viên 23/9 ngày nay

Ga xe lửa Sài Gòn cũng nằm trong khu Bến Thành
Mười giờ tàu lại Bến Thành
Xúp lê vội thổi, bộ hành lao xao”

Đối diện bên bia bùng binh là tòa nhà lầu trụ sở Bureau du Chemin de fer của công ty xe lửa Đông Dương phía nam (Chemin de fer de l’Indochine, CFI, réseau du sud) mà dân kêu là nhà hỏa xa.

Người Nam Kỳ hồi đó gọi đi Mỹ Tho là ‘đi Mỹ”, và vì ở Sài Gòn ga Bến Thành là ga đầu, ga Mỹ Tho là ga cuối ,thành ra văn thơ Bến Thành và Mỹ Tho như hai chị em.

Bông cúc bên sông là bông cúc thủy
Chợ Sài Gòn xa chợ Mỹ cũng xa
Viết thơ thăm hết nội nhà
Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em”

Hồ Biểu Chánh viết:
“Ở Sài Gòn, mình đi tàu Lục Tỉnh, nó chạy qua Mỹ Tho, lên Vĩnh Long, Sa Đéc, Châu Đốc, rồi xuống Long Xuyên, Cần Thơ hay là mình đi xe lửa xuống Mỹ Tho rồi đi tàu nhỏ qua Cần Thơ cũng được” (Bỏ vợ)
Ngoài tên chợ Mới, chợ Sài Gòn thì dân Sài Gòn lúc đó cũng có kêu là chợ Bến Thành.

Bằng chứng Hồ Biểu Chánh viết “Thầy Chung trúng số” tả cảnh Sài Gòn năm 1944 như sau:
” Năm 1944, đầu tháng 5, trời tối một lát thì có tiếng còi báo động thổi rang tất cả vùng Sài-Gòn, Chợ-Lớn, Gia-Định. Tuân theo luật phòng-thủ thụ-động, ai cũng lo đóng cửa tắt đèn đặng xuống hầm.Tiếng còi dứt rồi thì quang cảnh im-lìm, châu thành vắng hoe chẳng khác nào bãi sa-mạc.

Cách chẳng bao lâu, mấy đoàn phi-cơ tiếp nhau bay ù-ù trên không-phận Sài-Gòn thả bom xuống nổ tưng-bừng từ Xóm-Chiếu qua phía chợ Bến -Thành làm cho nhơn-dân đều kinh hồn khiếp vía. Đến sáng người ta đồn vang có nhiều nhà tang hoang, có nhiều người vong mạng. Tôi tò-mò đi xem.

Ôi thôi ! Tôi rất đau đớn mà nhận thấy tai-nạn chiến-tranh tàn khốc của thiên-hạ gây ra cho lương-dân Việt-Nam phải gánh chịu.” (Hết trích)

Có thể nói cái tên nhiều người xài nhứt là Chợ Sài Gòn.

Có một thời gian ngắn chợ Bến Thành bị đổi tên thành chợ Quách Thị Trang
Ngày 25 tháng 8 năm 1963, thời TT Ngô Đình Diệm, nữ sinh Quách Thị Trang biểu tình trước công viên Diên Hồng chợ Bến Thành và bị đạn lạc chết

Sau đảo chánh TT Ngô Đình Diệm, người ta xóa tên công viên Diên Hồng và gọi là “Bùng binh Quách Thị Trang” ,cũng dựng tượng, cầu siêu rầm rộ.

Xưa nay chợ Mới không đề bảng tên, nhưng sau đó đổi tên, kẻ dòng chữ chợ Quách Thị Trang lên. Nhưng chỉ thời gian ngắn sau nhắm mòi “kỳ cục”và cũng trật chìa nên chợ Quách Thị Trang lại bị xóa tên.

Trước 1975 hình như chỉ có chợ An Đông là có bảng tên trên nóc chợ. Còn Chợ Sài Gòn và Chợ Lớn Mới thì không ghi bảng tên.

Thành ra sau 1975 người ta gắn bảng tên chợ Bình Tây cho Chợ Lớn Mới, gắn bảng chợ Bến Thành chánh thức cho Chợ Sài Gòn, Chợ Mới.

Cho nên có thể nói sau 1975 cái tên Chợ Bến Thành chánh thức soán ngôi chợ Sài Gòn và Chợ Mới. Cái này cũng giống như chợ Bình Tây xóa xổ Chợ Lớn Mới.

Theo Nguyễn Gia Việt


Bài trướcXe đò Cần Đước và hội xe đò Đồng Hiệp
Bài tiếp theoNgười Cần Đước kết nối đồng hương!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây